Đ/c: Ba Đồn - Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình. Tel: 052.3514658 Email: contact@thpt-so1quangtrach-quangbinh.edu.vn
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Diễn đàn Ý kiến

Trang chủ >> Văn


Một số suy nghĩ về cách dạy thơ ...
10-11-2011

MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ CÁCH DẠY THƠ CHỮ HÁN TRONG CHƯƠNG TRÌNH LỚP 10 PHÂN BAN

      A- LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:

      Trong thời điểm giáo dục đang  đổi mới và có nhiều chuyển biến mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng dạy học như hiện nay thì hiệu qủa giảng dạy là thước đo phẩm chất của giáo viên. Chúng tôi những giáo viên dạy văn đang đứng trước một chương trình giảng dạy khá đa dạng và mới mẽ nên phải hết sức nổ lực mới có thể đáp ứng được yêu cầu trong giảng dạy. Những năm gần đây Bộ và sở Giáo dục đã có nhiều đợt tập huấn, nhiều cuộc hội thảo, khảo vấn về phương pháp dạy học văn nên đã làm thay đổi nhiều về cách dạy và học của giáo viên và học sinh.

  Đối với môn Ngữ văn, trong chương trình phân ban hiện hành ở THPT, thể loại văn học được chọn lọc đưa vào khá đầy đủ và phong phú . Giới nghiên cứu, phê bình đã  tập trung khơi lật những mảnh đât màu mỡ như thơ , truyện ngăn... nhưng với thơ chữ Hán lai chưa thật sự được quan tâm, có chăng thì cũng chỉ mang tính chât khơi dòng..Trước thực tế đó, trong quá trình giảng dạy, bản thân tôi đã tích lũy được một số kinh nghiệm và mạnh dạn góp suy nghĩ của mình về cách dạy thơ chữ Hán, mong muốn khơi thêm một dòng trong để những thi phảm  để đời này sẽ chảy mãi, đọng mãi trong lòng người học, người đọc.

B- Nội dung:

I- Thực trạng dạy- học thơ chữ Hán:

    -  Thơ chữ Hán ở THPT phân ban gồm Đường thi (Trung Quốc) và những sáng tác thuộc văn học Trung đại Việt Nam. Phải thừa nhận rằng đối với  phần đa GV văn, đây là phần khó dạy nhất trong chương trình, bởi nhiều lẽ:      

      + Thứ nhất, do bị chi phối bởi đặc điểm, những quy phạm nghiêm ngặt của luật Đường, cấu tứ phải lạ, sáng tạo, nên nội tại bản thân tác phẩm thơ chữ Hán tự nó toát lên vẻ độc đáo, phong phú với vẻ đẹp nghiêm trang, cổ kính. Cho nên khó mà tìm hiểu hết được giá trị của thơ chữ Hán nếu không hiểu sâu sắc về nó.

       + Thứ hai là trong điều kiện hiện nay, tài liệu về lĩnh vực này còn thiếu nên GV ít có điều kiện bồi bổ về kiến thức VH chữ Hán, vốn liếng kiến thức ít ỏi ấy sẽ gây khó khăn trong việc thâm nhập tác phẩm.

        Từ thực tế dự giờ đồng nghiệp, chúng tôi nhận thấy đa số những tiết dạy này chưa tốt vì khi dạy khai thác tác phẩm còn hời hợt, thiếu sức thuyết phục do chưa hiểu thấu đáo về tác giả, tác phẩm, thiếu vốn kiến thức về văn học chữ Hán, chưa chú ý đúng mức đến nét độc đáo riêng của từng tác phẩm…Vì những lẽ đó cho nên giáo viên khó tránh khỏi hạn chế trong qúa trình hướng dẫn HS đọc-hiểu văn bản.

     - Hiện trạng học sinh: số em say mê học văn chưa nhiều, không ít em thực chất năng lực yếu kếm về môn văn, khả năng cảm thụ, phân tích văn  học còn hạn chế nên tỏ ra chán học văn. Vì thế, với các tiết VH chữ Hán lại càng khó khăn hơn đối với các em. Tiếp xúc với phần văn học mới và khó này học sinh đa phần cảm thụ bài chưa tốt.

    Tuy nhiên, thực trạng trên như vậy không có nghĩa là GV và HS dạy và học không tốt phần VH chữ Hán. Thực tế, một số GV thông hiểu tác phẩm, phương pháp giảng dạy tốt đã thực sự tạo được hứng thú, cảm xúc cho HS trong khi học. Trong những năm qua, trường chúng tôi đã dạy thí điểm chương trình phân ban, tôi đã có một trắc nghiệm nhỏ ở lớp 10C (Ban  KHXHvà NV), kết quả là:  9 / 46 HS thích học thơ chữ Hán

                                           37/46  HS không thích học

                                           20 %   HS khá (không có HS giỏi)

                                           50 %   HS trung bình

                                           30 %   HS yếu

     Từ thực tế giảng dạy, bản thân tôi có những suy nghĩ sau về cách dạy thơ chữ Hán và đã áp dụng vào giảng dạy tương đối có hiệu quả.

II- Những yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả dạy thơ chữ Hán:

   1) GV nắm chắc về văn học sử, có kiến thức về lịch sử, hiểu biết về tác giả tác phẩm.

    Đây là yêu cầu chung trong dạy văn đối với GV, song đối với việc dạy thơ chữ Hán thì nó lại vô cùng quan trọng. Tất cả những yếu tố này đều rất thiết thực trong việc đọc- hiểu văn bản, làm cho việc cảm nhận bài thơ có tính xác thực, sâu sắc hơn và bài dạy được mở rộng ra từ nhiều chiều, nhiều hướng.

   - Chương trình THPTPB, phần thơ chữ Hán được học và đọc thêm ở lớp 10 gồm 12 bài, Trong đó có: 6 bài thơ Đường Trung Quốc ; 6 bài thơ chữ Hán trung đại VN - chiếm một tỉ lệ tương đối trong chương trình.

    - Bản thân một bài thơ bao giờ cũng mang dấu ấn thời đại, tư tưởng, tình cảm và phong cách tác giả. Nó là kết quả của sự tổng hoà các yếu tố ấy. Vì vậy, nếu dạy thơ chữ Hán mà GV không chắc về kiến thức VHS, tác giả, tác phẩm thì lúcdạy sẽ không chủ động, lúng túng trước học sinh. Như khi dạy thơ Đường, nếu giáo viên không tái hiện lại được những nét lịch sử đặc trưng nhất ở đời Đường có liên quan đến bài học thì không thể dấy lên được không khí Đường thi và sẽ làm giảm giá trị của bài thơ.Với những bài thơ chữ Hán của Việt Nam như “ Thuật hoài”của Phạm Ngũ Lão, từ câu chữ, hình ảnh trong văn bản đã tự nó toát lên khí thế hào hùng của thời đại, của nước Đại Việt ta thủa “bình Nguyên”.  Khi dạy GV tái hiện lại không khí lịch sử hào hùng của đất nước thời nhà Trần với “hào khí Đông- A” vang dội sẽ tạo được cảm xúc cho HS khi vào phân tích tác phẩm. Hay khi dạy bài “Quốc tộ” của sư Đỗ Pháp Thuận, nếu GV nắm chắc tình hình lịch sử không mấy thuận lợi trong việc trị nước thời vua Lê Đại Hành ( vận nước chưa yên, nguy cơ chiến tranh vẫn còn, sẽ còn nhiều cuộc đánh dẹp thù trong giặc ngoài diễn ra …) giới thiệu cho HS thì chắc chắn các em sẽ tiếp nhận bài thơ dễ hơn, tốt hơn.

   - Những hiểu biết về tác giả cũng giúp ích nhiều cho quá trình đọc - hiểu tác phẩm. Nếu biết tác giả là người có địa vị xã hội, xuất thân như thế nào? Có những tư tưởng , tình cảm gì?... thì quá trình phân tích sẽ thuận lợi hơn. Những yếu tố về tác giả này sẽ ảnh hưởng đến phong cách sáng tác, ngôn ngữ của tác phẩm … Khi biết Pháp Thuận là một thiền sư học rộng ,tài cao, hay thơ, hiểu biết sâu sắc về việc nước; ông được nhà vua Lê Đại Hành rất mực kính trọng và tin cậy ; Nhà sư đã từng giúp vua trong việc bang giao với nước Tống, làm cho sứ nhà Tống phải kính nể nước ta … thì khi phân tích văn bản “Quốc tộ” ta sẽ hiểu vì sao trong bài thơ xuất hiện những từ ngữ, giọng điệu nhà Phật và một tầm nhìn sâu rộng về vận nước trong bài thơ.

    Cũng nên lưu ý: bởi vì thời gian không cho phép , trong phần này những điều giới thiệu về hoàn cảnh lịch sử, tác giả, tác phẩm phải có tác dụng thiết thực liên quan đến việc phân tích tp. Bởi vậy GV phải biết chọn lọc kiến thức, tránh lan man.

 2) Khi đọc- hiểu văn bản , GV phải bám vào nguyên bản, đối chiếu phiên âm với dịch nghĩa và dịch thơ.

      Phần lớn các văn bản thơ dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt đều có những chổ chưa sát với nguyên bản, chưa lột tả hết hoặc chưa đúng với ý bản gốc (hạn chế chung của thơ dịch ). Từ việc dự giờ đồng nghiệp, có thể thấy nhiều GV khi dạy không chú ý đến nguyên bản mà chỉ phân tích trên bản dịch, vì thế mà chưa cảm nhận được hết cái hay, cái tinh tế tác giả thể hiện trong ngưyên bản.

    Khi dạy thơ chữ Hán: GV phải hiểu đúng nghĩa của từ ở nguyên bản để từ đó hiểu đầy đủ nghĩa của cả câu, từ đó mà hiểu đúng nghĩa của cả bài thơ. Có như thế mới đi đến hiểu hết, cảm hết cái hay, cái tinh tế ẩn sau câu, chữ.

Ví dụ bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du, ở hai câu đầu trong bản dịch thơ, Vũ Tam Tập dịch chưa sát nghĩa với bản gốc. Nếu không phân tích trên phiên âm thì không làm rõ được ý nghĩa mà Nguyễn Du thể hiện trong nguyên bản.

    Bản dịch: “Tây hồ cảnh đẹp hoá gò hoang”

    Nguyên bản: “Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư”

    Như vậy: chữ “hoa uyển” đã được dịch thành “ cảnh đẹp” . Nếu dịch sát nghĩa phải là: vườn hoa bên hồ Tây không còn đã biến thành bãi hoang. Từ “cảnh đẹp” không thể gợi đượccảm xúc như từ “hoa uyển” làm người đọc tưởng tượng ra một vườn hoa tươi thắm, rực rỡ, thơ mộng. Từ một vườn hoa đẹp rực rỡ đã bị biến thành gò hoang, người đọc sẽ hình dung ra sư biến đổi, tàn phá ghê gớm, không còn sót lại dấu vết gì của cảnh vật thiên nhiên hơn là từ “cảnh đẹp” biến thành gò hoang.

     Hiểu nghĩa của từ trong nguyên bản như vậy sẽ giúp ta cảm nhận được tâm trạng đau đớn, xót xa của nhà thơ trước cá đẹp bị tàn phá theo thời gian. Từ đó mới thấy cái tinh tế của nhà thơ: muốn mượn hình tượng không gian để nói lên sự thay đổi của cuộc đời…

Câu 2: Bản dịch là “Thổn thức bên song mảnh giấy tàn”

           Ngyuyên bản: “Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”

           Dịch nghĩa là: Một mình viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ.

    So sánh về ý nghĩa: Dịch thơ không sát với nguyên bản. “Độc” có nghĩa là “một mình” nhưng ở đay tác giả không chỉ về số lượng mà muốn nói đến tâm hồn tình cảm. Đó chính là tấm lòng thương cảm của Nguyễn Du. Từ đó ta có thể hiểu ý cả câu: chỉ có một mình nhà thơ viếng Tiểu Thanh xấu số, Người chết là kẻ cô đơn và người viếng cũng là một kẻ cô đơn. Đó là sự đồng cảm sâu xa giữa hai con người, hai số phận cách xa nhau ba trăm năm.

Ở câu thơ này, nhà thơ đã mở ra một ngoại cảnh để khơi gợi cảm xúc, từ đó mà bộc lộ tình cảm của mình. ( Ngoại cảnh    tâm cảnh)

Như vậy: nắm chắc ý nghĩa nguyên bản, hiểu sâu sắcnguyên bản thơ chữ Hán thì việc phân tích tác phẩm sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với phân tích trên bản dịch thơ.

     Nếu không phân tích được trên nguyên bản thì yêu cầu GV phân tích trên bản dịch nhưng phải đối chiếu với nguyên bản để cảm nhận những nét tinh tế mà tác giả muốn biểu đạt trong khi bản dịch chưa thực hiện được.

     Muốn giảng tơ chữ Hán tốt, bắt buộc GV phải cớ thời gian suy ngẫm, tìm tòi, học hỏi.GV có thể dung từ điển Hán - Việt để hiểu đúng ý nghĩa của từ. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh chẩn bị bài thật kĩ lưỡng, hướng cho các em cách cảm nhận bài thơ để các em tiếp nhận dễ và nhanh hơn.

     Qua thực tế, so với cách dạy trên bản dịch thơ thì học sinh thích học cách phân tích trên nguyên bản hơn. Các em tỏ ra hứng thú trong việc khám phá cái hay, cái đẹp để hiểu giá trị bài thơ.

  3) Quá trình phân tích:

      a) Cần phải sáng tạo trongcách khai thác tác phẩm: Sách giáo viên chỉ đưa ra một phương án trong nhiều phương án phân tích tác phẩm, vì thế khi giáo viên dạy, không nên quá lệ thuộc vào  hướng dẫn. Giáo viên có thể tự mình lựa chọn phương pháp khai thác nội dung một cách hợp lý cho tiết học có hiệu quả.

       Như khi dạy bài “Thu hứng” của Đỗ Phủ, SGV gợi ý phân tích theo bố cục của một bài thơ Đường.Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh đọc- hiểu bài thơ theo 4 phần:         - Hai câu đề

                             - Hai câu thực

                             - Hai câu luận

                             - Hai câu kết

       Cũng có thể khi dạy bài thơ này, GV có cách khai thác nội dung thành hai phần:     1- Cảnh mùa thu.

              2- Nỗi lòng của nhà thơ.

       Hay đối với bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du , ta có thể có những hướng khai thác sau:

  Cách 1: Khai thác theo bố cục của một bài thất ngôn bát cú Đường luật

             - Cảm xúc trước sự đổi thay của cảnh vật.(2 câu đề)

             - Cảm xúc trước số phận đau khổ của nàng Tiểu Thanh ( 2 câu thực)

             - Suy nghĩ về cuộc đời ( 2câu luận)

             - Liên tưởng đến bản thân ( 2câu kết)

   Cách 2: Khai thác theo nội dung ( 2phần)

             - Cảm xúc trước số phận bi kịch của nàng Tiểu Thanh (4 câu đầu)

             - Suy nghĩ về cuộc đời và bản thân ( 4câu sau)

     b) Cần nắm chắc bút pháp độc đáo của thơ Đường, những đặc điểm nghệ thuật chung khi phân tích tác phẩm như: đề tài, thể thơ, cấu tứ, ngôn ngữ, giọng điệu…Thơ Đường vốn “ý tại ngôn ngoại” cho nên muốn “giải mã” được nội dung và nghệ thuật của bài thơ thì phải lấy những đặc điểm cơ bản ấy mà soi rọi vào tác phẩm, soi rọi vào từng bài thơ cụ thể mà phát hiện, cảm nhận giá trị nội dung và nghệ thuật .

    Ví dụ trong bài thơ “Hoàng Hạc lâu Tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” tiên thơ Lý Bạch đã vận dụng những đặc điểm nghệ thuật của thơ Đường như: bút pháp tả cảnh ngụ tình, tứ thơ “đăng cao”, lối chấm phá… trong sáng tác. Vì vậy khi tìm hiểu bài thơ, ta phải vận dụng đặc điểm này để cảm nhận tác phẩm .

  - Nhà thơ Lý Bạch đã rất tài tình trong việc tạo không gian hình tượng:

  + Chọn tư thế đứng từ một độ cao (lầu Hoàng Hạc) để miêu tả và nhìn được rộng, xa, bao quát được cả cảnh vật , để có thể kéo dài thời gian dõi theo người đi. Như vậy nhà thơ đã có dụng ý mở rộng không gian xung quanh ( nhờ tứ thơ “đăng cao viễn vọng”). Lý Bạch đã tạo ra được một không gian thấm đẫm tình người, diễn tả được sự lưu luyến thầm kín đến bồi hồi nơi kẻ ở với người ra đi.

  + Tả cảnh theo lối chấm phá, bút pháp gợi hơn tả: Nhà thơ chỉ phác hoạ vài nét trong cảnh chia tay ( bầu trời bao la, dòng sông  mênh mông và một cánh buồm lẻ loi) đã gợi được tình cảm nhớ nhung đối với bạn hiền. Lý Bạch đã rất thành công trong việc tả tình qua cảnh, tình hoà trong cảnh (nét tiêu biểu trong thơ Đường). Hình ảnh cánh buồm cô độc ( mang theo bóng hình của Mạnh Hạo Nhiên) chìm xa trong bầu trời xanh thẳm, dòng sông mênh mông, đã gợi cả một không gian xa cách thăm thẳm và nỗi nhớ thưong vô hạn giữa kẻ ở- người đi.

  - Tạo được những nét đồng nhất trong các hình tượng miêu tả, mục đích để gợi tình:

    + Sự đồng nhất giữa các chi tiết: con thuyền lẻ loi trên dòng sông mênh mông, bầu trời bao la. Dòng sông mênh mông trong bầu trời cô quạnh, con thuyền cô quạnh.

    + Sự đồng nhất giữa con người và cảnh vật: con người cô đơn lẻ loi và cánh buồm cũng lẻ loi đơn côi.

  Trong bài thơ, nhà thơ đã tạo ra được các hình ảnh hoà hợp ,tương quan lẫn nhau trong sự đối lập làm nổi bật tình cảm chân thật, nồng hậu, phóng khoáng, lãng mạn. Đó chính là chất lành mạnh của phong cách thơ Lý Bạch.

   c) Cần có sự đối chiếu, liên hệ trong quá trình phân tích tác phẩm: Tuỳ vào nội dung từng bài mà có sự liên hệ, đối chiếu một cách hợp lý. Ta có thể liên hệ:

   - Những bài thơ có những điểm tương đồng, giống nhau giữa các tác giả.

   - Những nét giống nhau giữa các bài thơ của cùng một tác giả.

     Từ sự liên hệ, đối sánh ấy, GV có thể khái quát đặc điểm về nội dung hoặc về phong cách của tác giả đang học; đặc điểm của thơ Đường.

     Ví dụ: khi dạy bài “ Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu và bài thơ “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”, ta có thể liên hệ chúng với nhau vì cả hai bài thơ này đều có những điểm tương đồng như: đều sử dụng tứ thơ “đăng cao viễn vọng” và có thể liên hệ nó với bài thơ “Đăng cao” của Đỗ Phủ. Từ đó có thể kết luận: Tứ thơ “đăng cao” là một mô-tip được sử dụng trong sáng tác của thơ Đường.

     Hoặc như dạy bài “ Sa hành đoản ca” ( Bài ca ngắn đi trên cát) của nhà thơ Cao Bá Quát, GV có thể liên hệ với bài thơ “Đường đi khó” của nhà thơ Lý Bạch : cả hai bài thơ đều có hình ảnh bi tráng về con người đi tìm chân lý giữa cuộc đời mờ mịt…

    d) Cần chỉ ra được những ảnh hưởng của thơ Đường  khi dạy thơ chữ Hán trung đại VN:

    Có thể nói, văn học chữ Hán là một bộ phận chính thống của văn học trung đại VN. Nó đã hấp thụ tinh hoa văn học Trung Quốc trên tinh thần Việt hoá, tạo nên những giá trị văn học đậm đà bản sắc dân tộc. Đối với các nhà thơ trung đại Việt Nam, thơ Đường có một ảnh hưởng sâu sắc trong cảm xúc và sáng tác của họ.Những bài thơ Đường bất hủ của các bậc “tiên thơ”, “thánh thơ” như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Vương Xương Linh…luôn là mẫu mực cho sáng tác thi ca của họ.Vì thế, trong những thi phẩm trung đại VN không thể không có “dấu vết” của các bậc tiền bối ấy cùng với những nét đặc sắc của thơ Đường.Cho nên, khi dạy thơ TĐVN, giáo viên cần giúp học sinh nhận ra đựơc sự ảnh hưởng ấy.

 

 

C) Kết luận

      Để đọc - hiểu tốt một bài thơ nói chung và một bài thơ chữ Hán nói riêng cần phải có nhiều yêu cầu. Trên đây chỉ là những yêu cầu cơ bản trong khi phân tích thơ chữ Hán mà tôi đã áp dụng khá thành công trong quá trình giảng dạy.  Khi dạy- học phần chữ Hán ở lớp 10, học sinh có ý thức hơn, thích học hơn đối với phần văn học này và kết quả là:

                               12/46 em thích học .

                                 2/46 em giỏi    4,35%

                                23/46 em TB     50,0%

                                 9/46  em  yếu    19,55%

                                 12/46 em khá    26,1%

     Với khả năng có hạn, lại chưa đối ngộ với nhiều tài liệu khác, đây chỉ là những suy nghĩ từ thực tế giảng dạy của bản thân tôi, chắc chắn bài viết còn nhiều khiếm khuyết. Rất mong sự góp ý của quý cấp trên và đồng nghiệp để bản thân tôi giảng dạy tốt hơn.

 Mai Lan Hương

Tổ Văn

 

 

               

 

 

 

Xem bài khác
  • PHỤ NỮ VIỆT NAM - NGƯỜI LÀM NÊN ĐẤT NƯỚC MUÔN ĐỜI!        (16-05-2011)
  • DƯỚI MÁI HIÊN NGÀY MƯA        (16-05-2011)
  • ĐỌC THƠ CÁCH TÂN ...        (15-09-2010)
  • HOA VƯỜN NHÀ        (14-11-2009)
  • Các bài mới đăng
  • Đọc lại truyện ngắn Mùa trái cóc ở Miền Nam của nhà văn Nguyễn Minh Châu với quan điểm nghệ thuật sau 1975        (29-12-2014)
  • Giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm Chí Phèo        (27-11-2014)
  • Cái hay trong bài thơ Biển của Xuân Diệu        (17-10-2014)
  • Hướng dẫn ôn thi TNTHPT 2014 môn ngữ văn        (22-04-2014)
  • Nét tài hoa của nhà thơ Tố Hữu trong nghệ thuật sử dụng cặp đại từ xưng hô “ta” – “mình” ở bài thơ Việt Bắc.        (25-03-2014)
  • Dấu ấn văn hóa lễ hội trong thơ Nguyễn Duy        (13-02-2014)
  • Kí ức tuổi học trò        (17-11-2013)
  • Vài điều về tình huống truyện ngắn trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu        (24-10-2013)
  • Nỗi niềm từ một tập văn        (25-08-2013)
  • Chương trình Truyền hình Quảng Bình về Hoàng Đăng Khoa        (09-05-2013)