Đ/c: Ba Đồn - Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình. Tel: 052.3514658 Email: contact@thpt-so1quangtrach-quangbinh.edu.vn
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Diễn đàn Ý kiến

Trang chủ >> Văn


ĐỌC THƠ CÁCH TÂN ...
15-09-2010

 ĐỌC THƠ CÁCH TÂN,

RẤT CẦN MỘT TÂM THẾ KHÔNG ĐỊNH KIẾN

                                             HOÀNG ĐĂNG KHOA

 

Nhà thơ Inrasara từng quả quyết: "Thời thế thay đổi, thơ thay đổi. Thơ thay đổi, cách đọc thơ cũng phải thay đổi" [2]. Đúng vậy, mỗi thời kì văn học cần có một văn hóa đọc riêng, mà điều kiện tiên quyết là một môi trường lành mạnh. Đúng như Nguyễn Hưng Quốc nhận định: "Tiền đề của một văn hóa đọc mang tính cách tân là sẵn sàng đối diện với những thách thức đến từ những cái khác, cái lạ, cái nằm ngoài tầm kì vọng quen thuộc và cái mà mình, thoạt đầu có thể không hiểu gì cả" [4].  

Nếu bình tâm, chúng ta sẽ nhận thấy, “nổi loạn” là một hiện tượng mang tính quy luật của tiến trình văn học. Sự đột phá nhằm cưỡng lại quán tính của những thành trì quy phạm thẩm mỹ đã trở nên cũ, là hành động cần thiết để tạo một không gian rộng mở hơn cho cái mới được khai sinh và khẳng định. Chắc chắn chúng ta đã không có lịch sử văn học nếu thiếu đi các cuộc "nổi loạn" như vậy. Thơ Mới 1932-1945 chính là một cuộc "nổi loạn" công phá thành trì hệ thống thi pháp trung đại để làm nên "một thời đại trong thi ca". Song khi, đến lượt mình, cái mới của Thơ Mới đã bị quy phạm hóa, hình thức đã trở nên đông cứng của nó không còn vừa khuôn với cảm thức thẩm mỹ mới, không có khả năng mang chở hết cảm giác sống của con người hiện đại, thì thi pháp Thơ Mới cần thiết phải bị phủ định. (Nói "phủ định" Thơ Mới là nói "phủ định" hệ thi pháp mang tính lịch sử - cụ thể, hệ thi pháp đã đến lúc cũ của Thơ Mới, chứ hoàn hoàn không phải và cũng không thể là phủ định thành tựu của Thơ Mới. Cũng như ngày trước Trần Dần tuyên ngôn "chôn Thơ Mới" tức là ông và thi hữu cùng chí hướng như ông tham vọng bẻ ghi trượt thoát đường ray quen ga cũ, trượt thoát quán tính mĩ cảm Thơ Mới, vượt qua "đỉnh" Thơ Mới để hướng đến tạo "đỉnh" mới / khác, chứ thành tựu của Thơ Mới thì làm sao có thể [dám] "chôn"?). Ý hướng muốn vượt thoát cái "khung" thơ đã trở nên chật chội để tìm một cấu trúc mới, một ngôn ngữ mới, một thi pháp mới trở thành một nỗi bức xúc, một “khát vọng khẩn thiết” ở nhiều cây bút đương đại. Những ước vọng này không đáng bị phê phán, định kiến, cảnh giác mà hoàn toàn đáng được tôn trọng dẫu vẫn biết từ khát vọng đến thực tế sức bật tài năng bao giờ cũng có một khoảng cách. Nỗi bức xúc, khát vọng khẩn thiết đó có khi được giải toả bằng những hành động sáng tạo có vẻ cực đoan thì cũng dễ hiểu, đáng cảm thông hơn là định kiến. Mà, trong lĩnh vực sáng tạo, trên quan điểm lịch sử, chất cực đoan đôi khi cũng tạo được những xúc tác cần thiết, nói như Nguyễn Đăng Điệp, "...có những thứ cực đoan còn có ý nghĩa hơn rất nhiều những cái “đung đúng”, chừng mực đúng nhưng vô hồn và nhàm chán" [1]; hay nói như Chế Lan Viên "...có khi sai lầm lại phì nhiêu hơn khôn khéo, nghèo nàn, trật tự" [5].

 Viết là một dự phóng. Đổi mới càng là một dự phóng. Mọi dự phóng đều hướng tới tương lai. Bởi vậy, những luận điệu đại loại: đừng bận tâm vấn đề mới hay cũ, chỉ cần viết hay, viết "văn chương" là được; thơ phải tạo được sức đồng cảm đối với quảng đại quần chúng,v.v... xem ra trong thời điểm hiện nay không mấy sức thuyết phục. Bởi, thế nào là “hay”? Hay là khái niệm trừu tượng và chủ quan. Cái này hay với anh nhưng chắc gì đã hay với tôi? Và, trong cái cộng đồng người đọc chưa bao giờ có sự phân hóa sâu sắc và mãnh liệt như bây giờ thì quần chúng là quần chúng nào? Những chị ngồi ở các sạp vải chợ thì mê mẩn chuyền tay những cuốn sách diễm tình tay ba tay tư thuê tiệm, không đọc [được] Tình ơi là tình của Elfriede Jelinek; trong khi những nhà chuyên môn lại vô cùng thích thú với cuốn tiểu thuyết giải Nobel 2004 của nữ văn sỹ người Áo này, khái niệm văn chương đối với họ không có chỗ cho những cuốn diễm tình gối đầu của các chị sạp vải kia. Đối với thơ, càng không thể có cái gọi là "hay" thỏa mãn quảng đại quần chúng. Người này thích những vần lục bát trong trẻo, tinh ròng của Đồng Đức Bốn, người khác thích cái gân guốc, bạo liệt của thơ Trần Dần. Người này thích thơ 4 câu ngắn gọn dễ hiểu thời sự sự kiện lịch sử kiểu Nguyễn Văn Dinh, người khác thích thơ đa thanh, ám gợi, thao thiết, chạm thấu tận cùng bản thể của con người [hậu] hiện đại kiểu Hoàng Vũ Thuật... Có bao nhiêu người đọc thơ thì có bấy nhiêu định nghĩa về thơ, quan niệm về yếu tính của thơ, về hay dở của thơ, và cũng sẽ có chừng ấy cách đọc thơ. Các cụ thơ Câu lạc bộ quan niệm về thơ, có cách đọc thơ không giống các vị tham gia bỏ phiếu Giải thưởng Nhà nước đối với thơ Trần Dần, Lê Đạt... Cái "hay", cái được đông đảo người đọc yêu thích không hoàn toàn trùng khít với cái mới lạ, có giá trị nghệ thuật cao, có ý nghĩa khai mở, có sức tạo trường ảnh hưởng. Cái hay của hôm qua khác với cái có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của hôm nay. Những kiệt tác của ca dao, của thơ trung đại, của Thơ Mới, của thơ chống Pháp chống Mỹ thì cứ vẫn là kiệt tác, cứ vẫn là niềm kiêu hãnh trong bảo tàng thơ dân tộc, nhưng rõ ràng, chúng trở nên bất lực trong việc làm đầy cảm giác sống của thế hệ người đọc mới. Thái Doãn Hiểu, tác giả công trình Thi nhân Việt Nam hiện đại hoành tráng đồ sộ 12 tập sắp ra mắt cho rằng câu thơ Sông Hương hóa rượu ta đến uống / Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say của Nguyễn Trọng Tạo "rằng hay thì thật là hay" nhưng không mới, chất Đường thi thấy rõ (xem [3]). Rõ ràng, nhu cầu được thay đổi thực đơn cho giác quan đọc đang là một nhu cầu tất yếu, bỏng thiết. Trước thực tế này, những ai đang đọc thơ theo thói quen, theo quán tính mĩ cảm cứ dùng thước cũ để đo giá trị mới, lớn tiếng nhân danh giá trị một thời để phê phán, phủ nhận cái đang làm nên giá trị của một thời khác, sẽ không những thành kẻ ngoại cuộc trong cuộc vận động đổi mới mà còn, nguy ngại hơn, thành lực cản trong cuộc vận động này.  

Đến với thế giới thơ cách tân đương đại, vượt lên định kiến, cứ chịu khó đọc, chúng ta sẽ gặp những điểm sáng, điểm mới của những đỉnh thơ đang hình thành. Ở Quảng Bình, những năm gần đậy, Thặng dư mùa xuân của Phan Văn Chương, Đồng Hới khúc huyền tưởng của Thái Hải chẳng hạn, theo chủ quan của người viết bài này, là những điểm như thế. Viết được như thế không phải muốn là được, mà đòi hỏi nỗ lực, nội lực thâm hậu, sự lịch lãm văn hóa cần thiết. Đâu phải cái mới nào cũng hay. (Ngay thời Thơ Mới, Hoài Thanh phải loại thải bao nhiêu bài thơ dở để tinh tuyển vào Thi nhân Việt Nam chừng bấy bài hay, mà hay - dở ở đây cũng chỉ là dựa theo ấn tượng chủ quan của người tinh tuyển). Không thể không chấp nhận thực tế hiển nhiên là thơ ca hôm nay nội dung và hình thức không còn như xưa nữa. Theo ý Hoài Thanh, đừng lấy một người ra so với một người, hãy lấy một thời đại ra so với một thời đại, chúng ta sẽ thấy thơ ca đang trưởng thành, đang muốn thay lớp áo đã cũ của mình, muốn tạo cho mình một diện mạo mới. Không còn nghi ngờ gì nữa, đổi mới để tồn tại đang là con đường tất yếu của thơ. Người đọc thơ hôm nay, do vậy, một cách ứng xử tích cực là sẵn sàng đối diện với cái mới, cái khác lạ, nâng tầm đón nhận, thiết tạo một cách đọc mới. Ở Quảng Bình, nhìn kĩ một chút sẽ thấy, phần đông những người làm thơ đang ít hoặc nhiều bất an với thi pháp đã / sắp định hình của mình. Họ đang nỗ lực để mỗi lần xuất hiện là mỗi lần không cũ. Nhưng lực không phải lúc nào cũng tòng tâm. Chúng ta cứ chịu khó chờ đợi.  

Với một tâm thế không định kiến, một thái độ không phủ nhận sạch trơn, chúng ta hoàn toàn có thể ghi nhận đóng góp của các nhà thơ cách tân đương đại trên ba cấp độ: 1) qua ý thức cách tân, nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm cái mới của họ. 2) qua thành tựu: những bài thơ thành công, tiêu biểu minh chứng cho những nỗ lực cách tân đó. Không thể bằng vài trích dẫn câu/đoạn/bài thơ dở rồi đi đến phủ định sạch trơn. Bởi như Hoài Thanh đã có lần phát biểu chí lý: “… đã dở thì không tiêu biểu gì hết. Đặc sắc mỗi nhà thơ chỉ ở trong những bài hay”. Thơ ca tồn tại và thành công nhiều khi không phải ở diện mà ở điểm, mỗi câu/bài thơ thành công đều hóa thành những nấc thang đi tới của nền thơ; và 3) qua tiến trình: những hạt giống mới, lạ so với thơ ca trước đó và thơ ca cùng thời. Bởi văn chương, giá trị đôi khi chính là sự khác biệt. Những hạt giống ắt tạo ra những mùa màng, ít ra cũng gây bất an cho những cây bút vẫn còn bám trụ vào hệ mĩ học cũ bằng sự xô lệch có ý thức những ý niệm và giá trị đã ổn định, hoặc tưởng là ổn định. Ngày trước Phan Khôi không thành tựu, nhưng ông đã khai mở. Như vậy cũng đã là nhiều. 

Chúng ta tin rằng thông qua sự xuất hiện các cây bút cách tân đích thực đang nỗ lực tháo dỡ và lắp ráp ngôn ngữ Việt để thơ có khả năng nói được nhiều nhất cảm giác sống của con người hiện đại, đa chiều đa diện đa thanh nhất, trải qua những định kiến, bắt bẻ, kháng cự và khước từ, những độc giả phi truyền thống sẽ được hiển lộ ngày một nhiều, nhập cuộc, đồng hành, góp tạo lực đẩy để cỗ xe thơ không gián đoạn trong hành trình về phía trước./.

(Bài thu hoạch lớp bồi dưỡng lý luận-phê bình văn học do Hội đồng Lý luận-phê bình, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Huế, tháng 9 năm 2009)

                                                                                  

 

 

 

 

Tài liệu trích dẫn

[1]. Nguyễn Đăng Điệp, Thơ Việt Nam sau 1975 - từ cái nhìn toàn cảnh, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 11/2006.

[2]. Inrasara, Nhập lưu hậu hiện đại không quá độ hiện đại hậu kì (Tham luận tại Hội thảo “Thơ Việt Nam đương đại”, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, TP Hồ Chí Minh, ngày 19.02.2008).

[3]. Nhụy Nguyên (thực hiện), Trò chuyện với Thái Doãn Hiểu - tác giả Thi nhân Việt Nam hiện đại, Tạp chí Sông Hương số 233 - 07 / 2008.

[4]. Nguyễn Hưng Quốc, Mấy vấn đề phê bình và lí thuyết văn học, Văn Mới, 2007.

[5]. Chế Lan Viên, Thi pháp trẻ, Di cảo thơ III.

 



Xem bài khác
  • HOA VƯỜN NHÀ        (14-11-2009)
  • HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH        (28-10-2009)
  • Suy nghĩ về phần đầu truyện ngắn ...        (18-03-2009)
  • Các bài mới đăng
  • Đọc lại truyện ngắn Mùa trái cóc ở Miền Nam của nhà văn Nguyễn Minh Châu với quan điểm nghệ thuật sau 1975        (29-12-2014)
  • Giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm Chí Phèo        (27-11-2014)
  • Cái hay trong bài thơ Biển của Xuân Diệu        (17-10-2014)
  • Hướng dẫn ôn thi TNTHPT 2014 môn ngữ văn        (22-04-2014)
  • Nét tài hoa của nhà thơ Tố Hữu trong nghệ thuật sử dụng cặp đại từ xưng hô “ta” – “mình” ở bài thơ Việt Bắc.        (25-03-2014)
  • Dấu ấn văn hóa lễ hội trong thơ Nguyễn Duy        (13-02-2014)
  • Kí ức tuổi học trò        (17-11-2013)
  • Vài điều về tình huống truyện ngắn trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu        (24-10-2013)
  • Nỗi niềm từ một tập văn        (25-08-2013)
  • Chương trình Truyền hình Quảng Bình về Hoàng Đăng Khoa        (09-05-2013)