Đ/c: Ba Đồn - Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình. Tel: 052.3514658 Email: contact@thpt-so1quangtrach-quangbinh.edu.vn
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Diễn đàn Ý kiến

Trang chủ >> Văn


Nỗi niềm từ một tập văn
25-08-2013

Nỗi niềm từ một tập văn

Là một giáo viên dạy văn, có lẽ nỗi lo và công việc nặng nề nhất vẫn là chấm bài tập làm văn. Năm học này, trong tổ có người nghỉ hưu, người chuyển công tác, người đi học cao học bởi vậy số tiết của mỗi thành viên tăng lên. Mình được phân công dạy sáu lớp khối 10 nên việc chấm bài càng trở nên vất vả, nỗi lo càng nhiều. Không như những năm trước , thu tập bài nào về mình lại tranh thủ chấm luôn.

Mấy hôm nay trời lại tiếp tục những cơn mưa tầm tã. Những cơn mưa như khóc thương ai hay oán thán một điều gì mà cứ trút xuống mảnh đất miền trung quê mình. Những cơn mưa chặn lối bước chân đến trường của các em. Hôm nay, ngay từ sáng sớm, chưa có tí gì vào bụng, mình đã vội ngồi vào bàn để chấm tiếp tập bài còn lại của ngày hôm qua. Ngoài trời, những cơn mưa vẫn không ngừng nặng hạt, nhưng trong lòng, mình thấy ấm áp những niềm vui. Mình còn nhớ ,hai tuần qua trường phải cho học sinh nghỉ học nhiều ngày vì bão lũ. Các giờ văn của lớp 10A12 đều trùng vào những ngày nghỉ nên lớp này bị mất khá nhiều tiết. Bài viết số1 ,đáng lẽ làm bài tại lớp nhưng không bù được, mình phải cho các em làm bài ở nhà. Tin rằng được làm bài ở nhà các em sẽ có điều kiện làm bài tốt hơn, kết quả cao hơn. Thế mà khi chấm mình quá thất vọng vì điểm yếu khá nhiều. Phải chăng các em chủ quan, hay là mới chuyển cấp các em chưa quen với giáo viên mới, phương pháp mới? Hay tại đề ra khó? Bao nhiêu câu hỏi khiến mình suy nghĩ và lo cho chất lượng của lớp. Vả lại, mình nghĩ, lớp này gần cuối của khối 10 nên lực học yếu hơn các lớp chăng. Nhưng không, nghe cô hiệu trưởng bảo đã phân bố chất lượng các lớp khối10 tương đương nhau rồi kia mà. Lòng vẫn thấy buồn. Chiều thứ năm tuần này, lớp 10A12 viết bài làm văn số 2. Đề văn hôm nay, theo chương trình, các em phải viết thể văn tự sự. Mình đặt ra yêu cầu kể lại một câu chuyện mà các em trực tiếp chứng kiến về cuộc sống xung quanh, nhằm kiểm tra kĩ năng xây dựng cốt truyện, khả năng phản ánh và cảm nhận hiện thực cuộc sống xung quanh của các em. Ghi đề xong là có ngay một cơn mưa ập đến.

Từ trận bão trước, di chứng còn để lại, dãy nhà ba tầngbị tốc mái, cửa kính nhiều phòng học bị vỡ nát chưa kịp khắc phục nên mưa cứ theo gió mà tràn vào. Lớp học trở nên lộn xộn. Tiếng bàn ghế xô dịch. Tiếng học sinh chọc ghẹo xô đẩy. Tiếng mưa gió…Tất cả cộng lại làm cho nỗi tức bực trong mình dâng lên. Một lúc lâu, không khí mới trở lại như cũ, các em lại cắm cúi làm bài. Mình im lặng. Ngồi trên bàn giáo viên nhìn xuống bao quát lớp học, lòng thấy thương. Dưới chân bàn nước tràn lênh láng. Thỉnh thoảng tiếng dép di động nhóp nhép. Ngoài kia cơn mưa dường như đã ngớt, nhưng gió vẫn không ngớt tràn vào. Nhiều em co người lại trong những chiếc áo mỏng manh, tay run run đưa từng nét bút, những khuôn mặt cắm cúi, căng thẳng, tập trung. Càng nhìn mình càng thấy dâng lên một tình yêu thương lạ lùng. Mình lại nghĩ đến con. Chắc lúc này đứa con út của mình cũng đang run lạnh khi ngồi trên lớp học. Không biết con có mang theo áo mưa để trở về nhà? Nhưng không sao, nhà mình gần trường cũng không đến nỗi nào. Chỉ khổ cho học sinh ở xa, cứ mưa gió lụt lội mãi thế này. Rồi mình lại nghĩ, bài viết này các em không thể làm tốt được, mình sẽ cộng thêm điểm cho các em… Và chẳng mấy chốc, trống trường đã điểm, bóng chiều cũng nhanh chóng ập xuống cùng với cơn mưa cuối cùng trong ngày. Mình giục giã thu bài, lòng nặng trĩu ưu tư.

Trở lại với công việc chấm bài. Trong thâm tâm mình nghĩ, trời mưa gió như thế, lạnh như thế, thời gian làm bài còn lại ít như thế làm sao học sinh đảm bảo được yêu cầu của đề ra. Khác với mọi hôm,những tờ giấy kiểm tra hôm nay ẩm ướt bởi nước mưa, chữ bị nhòe đi, khó đọc hơn. Nhưng thật bất ngờ, đằng sau những con chữ ấy là những câu chuyện, những dòng tâm sự được bật ra, cuốn hút mình. Hết bài này mình lại chấm sang bài khác. Tuy cũng có bài sơ sài, đơn giản, nông cạn, không bám sát đề ra, nhưng có nhiều bài viết làm mình ngỡ ngàng. Các em viết về ngày đi đưa tang cụ Võ Nguyên Giáp, về bão lũ, về bạn bè, về sự giúp đỡ nhau qua cơn hoạn nạn…chân thực quá, xúc động quá. Từ những con chữ mình hình dung ra cuộc sống và tâm hồn của các em. Nghĩ mà thấy thương nhiều hơn. Nói là nạn bão lũ kinh hoàng gây nhiều thiệt hại , nhưng nhà mình ở thị trấn, sống trong nhà lầu, cửa ngõ chắc chắn, xung quanh ít cây cối nên cũng ít bị hư hại hơn. Thế mà, dưới ngòi bút của các em, cảnh hoang tàn đổ nát của những vùng quê nghèo hiện lên chân thật đến nghiệt ngã. Cảnh đói khát , hoảng loạn , cảm giác lo sợ của các em khi lần đầu tiên chứng kiến cơn bão điên cuồng của thế kỉ…rồi cảm xúc của các em về tình người giúp nhau khi cơn bão đi qua… Tất cả, tất cả cứ cuốn hút mình. Trong quãng đời dạy học mình đã chấm biết bao bài văn, cũng có nhiều lần mình xúc động trước những bài văn hay, nhưng có lẽ phần nhiều các em viết theo lối đối phó để trả bài , để có điểm. Thế mà bài này các em đã viết, viết vượt cả yêu cầu của đề ra. Từ yêu cầu tự sự , các em đã biết lồng vào những dòng tâm tư, tình cảm, suy nghĩ một cách chân thực mà không hề gò ép gượng gạo gì. Chất lượng bài làm vượt mức bình thường. Có lúc mỏi mắt, mỏi lưng mình tháo kính đứng dậy vươn vai, định nghỉ, nhưng rồi nỗi đam mê, sự tò mò, háo hức lại cuốn hút mình, khiến mình không thể rời bàn làm việc khi tập bài chấm chưa xong. Bất chợt mình nghĩ, hay mình đã nghiện chấm bài, một điều hiếm thấy đối với giáo viên dạy văn. Nếu được thế chẳng hóa ra là niềm vui, điều may mắn? Hay bởi sự thúc bách của thời gian, của cơn mưa chiều hôm đó khiến các em làm bài tốt hơn ? Hay bởi chính tình cảm, sự chăm sóc ân tình, việc dạy dỗ chu đáo của mình đã có sức lay động, cảm hóa?Hay bởi tại ấn tượng quá kinh hoàng, quá mãnh liệt về những cơn bão lũ liên tiếp dội xuống mảnh đất miền trung hãy còn nóng hổi trong kí ức thơ dại của các em?Dù lí do gì thì sự tiến bộ của các em trong bài làm văn lần này cũng đã đem lại cho mình những niềm vui, những niềm tin yêu trong nghề dạy học.


Quảng Trạch ngày 24/10/2013

Hồng Châu -TPCM Tổ ngữ văn

Xem bài khác
  • Chương trình Truyền hình Quảng Bình về Hoàng Đăng Khoa        (09-05-2013)
  • Lớp học ơi,nhớ quá !        (06-05-2013)
  • Mùa xuân của cuộc đời        (01-03-2013)
  • Tự bạch        (28-02-2013)
  • Các bài mới đăng
  • Đọc lại truyện ngắn Mùa trái cóc ở Miền Nam của nhà văn Nguyễn Minh Châu với quan điểm nghệ thuật sau 1975        (29-12-2014)
  • Giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm Chí Phèo        (27-11-2014)
  • Cái hay trong bài thơ Biển của Xuân Diệu        (17-10-2014)
  • Hướng dẫn ôn thi TNTHPT 2014 môn ngữ văn        (22-04-2014)
  • Nét tài hoa của nhà thơ Tố Hữu trong nghệ thuật sử dụng cặp đại từ xưng hô “ta” – “mình” ở bài thơ Việt Bắc.        (25-03-2014)
  • Dấu ấn văn hóa lễ hội trong thơ Nguyễn Duy        (13-02-2014)
  • Kí ức tuổi học trò        (17-11-2013)
  • Vài điều về tình huống truyện ngắn trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu        (24-10-2013)
  • Nỗi niềm từ một tập văn        (25-08-2013)
  • Chương trình Truyền hình Quảng Bình về Hoàng Đăng Khoa        (09-05-2013)