Đ/c: Ba Đồn - Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình. Tel: 052.3514658 Email: contact@thpt-so1quangtrach-quangbinh.edu.vn
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Diễn đàn Ý kiến

Trang chủ >> Trang thơ,văn


Người thầy đầu tiên
28-03-2009

                      Người thầy đầu tiên

                                                

                                                                    

Chuyến xe muộn cuối ngày đã không giúp được tôi gặp lại thầy lần cuối. Thầy ơi! Một lần nữa em lại lỗi hẹn với thầy. Trong cái oi nồng của một ngày đầu thu gần tàn nơi nghĩa địa cuối làng, và sự tĩnh lặng của thế giới tâm linh. Tôi lại tìm về với những kỉ niệm ngày xưa của hơn 30 năm trở về trước.

Ngày ấy tôi học ở trường phổ thông cấp 1,2 xã Quảng Liên (tên gọi củ khi chưa tách tiểu học và THCS). Nhưng vì địa bàn xã tôi rộng, hơn nữa để tránh thương vong trong thời kì chiến tranh, nên những lớp ở cấp tiểu học thường phân tán có điểm trường lẻ. Và không có gì lạ trong những năm học tiểu học tôi chủ yếu chỉ được học ở trường làng.

Vào năm học lớp 4(năm cuối cấp tiểu học). Lớp 4B chúng tôi được chuyển đến học tại địa điểm trung tâm, và đón nhận một thầy giáo mới đã đứng tuổi, tóc đã pha muối tiêu với một cặp kính lão dày cộp. Sau mấy lời giới thiệu, cả lớp không ai bảo ai đều ồ lên chợ vỡ chợ. Có lẻ hiểu được tâm lí và nỗi lòng của chúng tôi, rất nhẹ nhàng thầy giơ cả hai bàn tay đẩy nhẹ về phía trước ra hiệu cho chúng tôi trật tự. Dưới lớp vẫn còn những tiếng xì xào to nhỏ chưa dứt hẳn. Tiếng ai đó như một lời oán trách: Thầy tra (già) quá chúng mày ơi! Cũng vì điều này mà mãi về sau chúng tôi cứ ân hận mãi. Lớp cuối cấp, tuy chưa đủ khôn nhưng chúng tôi cũng đã lớn lắm rồi (vì hầu hết đều đi học muộn). Có lớn nhưng chẳng có khôn, tâm lí được học với cô giáo trẻ đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi chúng tôi. Cũng rất dễ hiểu, từ lớp “ Vỡ lòng” cho đến lúc đó chúng tôi chỉ toàn được học với cô mà thôi. Buổi học đầu tiên cũng dần qua mau, nét đọng lại trong tôi về thầy lúc đó là những lời thăm hỏi về các thành viên trong lớp, cũng như kết quả học tập của năm học trước. Một điều tưởng như đơn giản, nhưng không phải nhà giáo nào cũng làm được...

Để thỏa tính tò mò, cũng như thể hiện vai trò của một thủ lĩnh (lớp trưởng). Cuối buổi học tôi mạnh dạn đứng dậy “phỏng vấn” thầy. Từng lời, từng chữ rất rành rọt và không “già” một chút nào, trái lại nghe rất vui tai và quá đỗi hóm hỉnh. Chậm rãi thầy nói như đọc: Tên thầy là KÍNH họ TRẦN lót DUY (Trần Duy Kính), năm nay tuổi ngoại tứ tuần, vợ con có đủ vừa tròn một mâm (6 người)...Qua tìm hiểu những anh chị lớp trên chúng tôi được biết thêm: Thầy từng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi nhiều năm. Với trên 20 năm công tác, nhưng thầy đã có trên 15 năm làm công tác chuyên môn và phụ trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi lớp 4 của nhà trường. Cũng như nhiều học sinh khác trong trường, trong lớp, tôi thấy được học với thầy là một niềm hạnh phúc lớn. Bởi thầy yêu thương chúng tôi như một người cha, mà vẫn không thiếu sự dịu dàng, đôn hậu của một người mẹ. Tôi vẫn không quên một lần đi học trễ, hớt ha, hớt hải chạy vào trường, một tay cắp cặp vào nách, tay kia với củ khoai luộc chưa kịp ăn, vừa đến trước cửa lớp thầy đã đứng đó tự bao giờ, lúng túng như gà mắc tóc tôi dự định vứt nó đi. Bất chợt thầy quay ra, thấy tôi, thầy vội vàng nói: - Ấy, sao lại vứt đi. Đằng nào cũng đã trễ rồi, đứng đó ăn xong rồi vào lớp.

Quá bất ngờ. Tôi đứng lặng yên hai mắt đầy ngấn nước, chẳng biết nói gì hơn tôi lí nhí: - Dạ! em cám ơn thầy.

Sau này lớn lên, và trở thành thầy giáo, tôi mới hiểu được vì sao thầy đã cản không cho tôi vứt củ khoai, mặc dù lúc đó tôi đang trễ học. Theo tôi, việc này có nghĩa: Thầy giáo thì nhất thiết phải nghiêm, nhưng điều này phải đi đôi với lòng nhân hậu. Yêu nghề, yêu người hay không cũng xuất phát từ đây.

Nhiều năm qua đi, và bây giờ đây thầy cũng đã mãi đi xa, nhưng trong lòng tôi vẫn còn in đậm những lời dạy bảo của thầy. Để cho chúng tôi dễ hiểu bài, thầy thường hay vận dụng văn vần, hoặc cách điệu hóa bằng những hình ảnh cụ thể rất sống động. Ví như để sửa lỗi chính tả cho chúng tôi chỉ với hai câu lục bát: Chị Huyền mang nặng ngã đau./ Anh không sắc thuốc hỏi đâu mà lành. Kể từ đó trở đi các qui phạm về dấu câu hầu như đã được khắc phục.

Một kỉ niệm khác đáng nhớ về thầy mà tôi còn nhớ mãi. Có lần thầy đặt câu hỏi trước lớp, nhiều cánh tay giơ lên xung phong trả lời. Nhưng thầy lại chỉ vào tôi, mặc dù lúc đó tôi không giơ tay, kết quả là tôi trả lời đúng. Thầy nhìn tôi và nghiêm nghị nói: - Nếu em trả lời sai tôi sẽ không cho điểm. Đằng này em trả lời đúng nên tôi cho điểm không. Lỗi của em là thiếu tự tin, biết mà không giơ tay. Thật là chí lí và rất khó cãi lại ý kiến của thầy. Với cách làm này của thầy và rút kinh nghiệm từ tôi, những giờ học sau lớp học trở nên sôi nỗi hẳn. Mỗi khi thầy đưa ra câu hỏi ai nấy đều xung phong trả lời, mặc dù lắm lúc còn trả lời sai. Vì điều này thầy còn nói thêm: - Hãy tự tin trong học tập, có trình bày ra mới biết đúng, biết sai để thầy còn sửa. Hơn là giữ cái sai trong đầu hoặc như dấu cái dốt là điều không nên..

Như một lời tri ân đối với thầy giáo của mình, 39 thành viên của lớp tôi ngày ấy giờ đã trưởng thành rất nhiều. Và vui hơn nữa trong số đó có rất nhiều người là giáo viên các cấp.

Đã hơn 30 năm đi qua. Kể lại một vài kỉ niệm về thầy mà tôi tưởng như đang đắm mình với những năm tháng tuổi thơ. Nơi ấy tôi may mắn được học với những thầy giáo giàu lòng yêu người, yêu nghề, mà bóng dáng và tư chất của thầy đã để lại trong tôi một dấu ấn khó quên. Xin cám ơn người: Người thầy đầu tiên.!..

 

                                                                    Quảng Liên: 7/ 2008.

                                                                         Đặng Viết Tiến

 

                                                 

Xem bài khác
  • Nhật ký Đặng Thùy Trâm ...        (09-02-2009)
  • Đôi điều trăn trở        (09-02-2009)
  • Nhắn gửi        (23-01-2009)
  • Khung trời bình yên        (20-01-2009)
  • Các bài mới đăng
  • Đọc lại bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy        (25-09-2026)
  • Cho đi và nhận lại        (29-12-2014)
  • Một chút hoài niệm        (29-12-2014)
  • Bài thơ: Số 1 Quảng Trạch        (27-11-2014)
  • Viết cho em bé mồ côi        (17-10-2014)
  • Chào xuân 2014        (24-01-2014)
  • Bộ đội cụ Hồ biểu tượng cao đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam        (19-12-2013)
  • Lời thú nhận muộn màng.        (22-11-2013)
  • Bà tiên của tôi        (20-11-2013)
  • Bố tôi        (17-11-2013)