Đọc lại truyện ngắn Mùa trái cóc ở Miền Nam của nhà văn Nguyễn Minh Châu với quan điểm nghệ thuật sau 1975
29-12-2014
ĐỌC LẠI TRUYỆN NGẮN “MÙA
TRÁI CÓC Ở MIỀN NAM”
CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN MINH CHÂU VỚI QUAN ĐIỂM NGHỆ THUẬT SAU 1975
1. Với chiến thắng lịch sử
30/4/1975, Bắc Nam
sum họp một nhà. Trong niềm hạnh phúc vô biên đó, nhiều nhà văn vẫn có xu hướng
thiên về quá khứ và tái hiện lại cuộc chiến hào hùng của dân tộc, do vậy văn
học hình như vẫn chưa thoát khỏi quán tính của ngày hôm qua.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu bước
vào giai đoạn sáng tác này khi mà tuổi đời và tuổi nghề đã chín. Bằng cảm quan nhạy
bén của người nghệ sĩ, Nguyễn Minh Châu đã nhanh chóng nhận ra những yêu cầu
mới của cuộc sống khi cuộc chiến đã đi qua. Trên cơ sở đó, nhà văn đã có sự
thay đổi, tìm đến những chân trời mới, không rơi vào “xu thế chung” của thế hệ
các nhà văn cùng lứa tuổi. Cùng với mạch cảm hứng ngợi ca, xuất phát từ sự nhìn
nhận hiện thực đã qua của dân tộc, trong văn học đã xuất hiện cảm hứng phê phán
và nỗi buồn trước nhân tình thế thái. Số phận của từng người trong cuộc sống
đời thường được ông quan tâm với niềm khắc khoải: “Tôi cảm thấy lòng mình bị
tổn thương nặng nề, và hình như cả con người tôi tự nhiên bị ngập chìm trong
nỗi lo âu, một nỗi lo âu sao mà lớn lao và đầy khắc khoải về con người” [1,
tr.99].
2. Lấy con người làm trung tâm,
Nguyễn Minh Châu quan tâm đến chiều sâu trong lòng con người, đặc biệt là về
mặt đạo đức và lối sống. Có lần, Nguyễn Minh Châu đã nói: “những biểu hiện
của lối sống, đạo đức và thậm chí là cả quan niệm sống của những người xung
quanh ta – nhất là thanh niên, khiến chúng ta không thế không quan tâm và lo
lắng” [2, tr 97]. Chính những điều đó làm cho nhà văn không thể yên tâm mà
còn lo lắng ở mức cao hơn, đó là sự suy thoái về nhân cách, về đạo đức truyền
thống của dân tộc: “Cái mà người ta thấy ngoài đường hay ở nơi công cộng, nó
sẽ vào từng nhà, và lâu ngày liệu nó có trở thành cốt cách của con người Việt
Nam hay không?” [2, tr. 98].
Sự thay đổi của đời sống đã
tác động không nhỏ đến mỗi cá nhân trong xã hội, con người lại trăn trở, nhận
thức để xây dựng cho mình một chuẩn mực đạo đức mới phù hợp. Thế giới vô định,
cuộc sống con người có nhiều nghịch lí, bất an, bất trắc mà bản thân con người
lại đầy rẫy những ngộ nhận. Nó luôn bị ảo tưởng về sức mạnh, về ý chí vạn năng
nên lại tham vọng vô cùng. Nhân cách và đạo đức của từng con người lúc này rất
khó xác định: “Với số đông người Việt Nam khi đứng trong một đội ngũ,
đứng dưới một lá cờ đại nghĩa thì mỗi người đều có thể là một anh hùng. Nhưng
khi cờ xí đã cuốn lại, ai về nhà nấy, sống cho riêng mình, cho vợ con thì coi
chừng, cái hạt mầm Chí Phèo hay Xuân Tóc Đỏ vẫn trú ẩn ở đâu đó trong tiềm
thức, trong huyết quản lại tìm dịp dần dà để trỗi dậy” [3, tr.69].
3. Trong Mùa trái cóc ở Miền
Nam, Nguyễn Minh Châu đưa người đọc đến cuộc gặp gỡ của “tình mẫu tử thiêng
liêng” giữa bà mẹ (sư già Thiện Linh) và người con trai- tiểu đoàn trưởng Toàn
sau hơn hai mươi năm xa cách. Sau hai mươi năm, mẹ con mất nhau khi gặp lại
nhau thì phải “vui vẻ, cảm động nhưng hoàn toàn bất ngờ và trái ngược như
một phiên tòa đại hình” [1, tr.545]. Người mẹ tội nghiệp hôm ấy ân hận cả
đời vì làm phật ý con. Sau 20 năm nương nhờ cửa Phật để tĩnh tâm và chuộc lại lỗi lầm của mình,
làm một “nhà sư khất thực giữa cõi đời và ngửa tay xin tình thương của thiên
hạ” [1, tr.567]. Bà gửi trọn niềm tin và niềm hi vọng được cứu rỗi vào đứa
con trai duy nhất của mình nay đã là một sĩ quan của quân đội giải phóng. Ngờ
đâu, niềm hi vọng ấy mới được nhen nhóm thì bị lụi tàn ngay do thái độ dững
dưng và vô cảm của Toàn. Nguyễn Minh Châu đã để cho người đọc thấy được cảnh
tượng gặp gỡ của hai mẹ con: “Người mẹ òa khóc, nhào đến ôm chầm lấy Toàn,
còn Toàn thì nét mặt thờ ơ và nghiêm khắc. Chợt hình như anh sực nhớ cần phải
bày tỏ một cử chỉ tình cảm gì đó trước mặt tôi, anh đến đứng sau lưng bà mẹ với
một động tác hơi khoa trương. Vòng hai cánh tay ôm lấy ngang lưng mẹ một cách
thật thắm thiết. Xong việc đâu đấy (…) thấy Toàn sau khi vuốt lại những sợi tóc
ở bên thái dương xong thấy những ngón tay ươn ướt, đang đưa mấy ngón tay lên
mũi ngửi” [1, tr.543]. Nhân vật kể chuyện đã không giấu được nỗi kinh hoàng
của sự bại hoại đạo đức không còn nhân tính đã kêu lên “hỡi trời ơi, có ai
trên đời này nhìn thấy đứa con đang ngửi giọt nước mắt của mẹ” [1, tr.542] Nhưng
cũng bàn tay ấy, khi đối diện với cấp trên thì lại “đầy vồ vập, đầy hồ hởi,
mười ngón tay của anh ôm trùm lên xoắn xuýt (…) có ngón thì cứ thít chặt lấy
như một sợi dây buộc, trong lúc ngón tay cái
vô cùng rắn chắc cứ quắp chặt vào như mỏ của một con chim ác” [1,
tr.529-530]. Căn bệnh trầm cảm “xơ cứng trái tim” trong Toàn cứ dần bộc lộ.
Trong suốt thời gian gặp mẹ, điều mà Toàn quan tâm nhất không phải là hai mươi
năm qua mẹ sống như thế nào, cực khổ,
chịu đựng ra sao mà thay cho những lời quan tâm ấy là vấn đề lý lịch của mẹ: “Nào!
Bây giờ mẹ nói cho tôi nghe, những năm tháng ở trong này mẹ đã làm những việc
gì, mẹ sống với ai” [1,tr.543].
Để lấy lòng cấp trên, Toàn và Đỉnh đã tìm mọi
cách để gây sự chú ý nhằm cầu lợi cho mình. Quan tâm người khác có vẻ chu đáo,
lo lắng kiểu giả tạo “ khổ quá, anh ướt hết rồi! Trên phòng chính trị đã báo
xuống anh đến. Tôi đã chuẩn bị đón anh từ sáng. Từ hôm vào đây anh có được khỏe
luôn không? Trong này thời tiết thất thường, anh phải luôn luôn chú ý sức khỏe”
[1, tr.530], trong khi đó, với “người mẹ tội nghiệp” thì không biết đang
ở nơi đâu. Cả những đồng đội cùng vào sinh ra tử như “những Phác, Lưu, cả
cậu đại đội trưởng mặt vuông, cả những người lính mắc chứng bệnh ngủ, những
người lính xếp hàng đi đều dưới mưa, họ đang ở nơi đâu?” [1, tr.557].
Đặc biệt là Phác, trong trận
đánh cuối cùng kết thúc chiến tranh, Phác đã “không sợ chết, dám một mình
nhổm dậy giữa lưới lửa bắn quét dày như mặt sàng, quỳ ngay trước cửa mở, đội
nòng súng máy lên đầu cho mấy cậu xạ thủ bắn” [1, tr.554]. Thật đau đớn và
xót xa cho người chiến sĩ gan dạ, dũng cảm không chết vì đạn của kẻ thù mà chết
vì thói nhẫn tâm và ghen tị của Toàn. Với người sinh thành ra mình mà còn đối
xử như thế thì đối với bạn bè, đồng đội, Toàn ra lệnh gài mìn với đồng chí của
mình cũng là điều dễ hiểu. Với căn bệnh cứng nhắc, cực đoan, Toàn sẵn sàng chà
đạp lên đạo lí và tình người để đạt được mục đích của mình. Sự thoái hóa biến
chất trong mỗi con người ngày càng lộ rõ và Toàn là nhân vật điển hình cho số
đông trong xã hội mà Nguyễn Minh Châu xây dựng mang tính chất biểu tượng để
cảnh báo. Sự suy thoái đạo đức của con người trong cuộc sống đời thường sẽ là
mầm móng cho cái xấu, cái ác xuất hiện làm rối xã hội nếu như nó không được lên
án, không được tiêu diệt đến tận gốc rễ. Đây là vấn đề mà cả xã hội thời kì hậu
chiến lo sợ.
4. Khi cuộc chiến đã qua thì
những mặt trái của chiến tranh, những toan tính cá nhân, những giây phút yếu
hèn của con người, cả những số phận cuộc đời đổ vỡ hoặc thành đạt vì toan tính
cá nhân luôn luôn ẩn nấp và chờ dịp bùng phát. Trong ý thức thường trực gắn bó
với đời sống, người nghệ sĩ mẫn cảm, tâm huyết như Nguyễn Minh Châu đã sớm phát
hiện ra những vấn đề sinh tử của đất nước ngay trong thời điểm giữa chiến tranh
và hòa bình. “Tôi nghiệm thấy mỗi lần đất nước chuyển mình từ chiến tranh
sang hòa bình, chúng ta lại phải đặt vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân, nhưng so
với cái lần hòa bình sau 1954 thì cái lần hòa bình sau 1975 này, cái diện mạo
chủ nghĩa cá nhân nó to lớn hơn. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một
thời kì mà con người Việt Nam
chưa bao giờ đạt đến tầm vóc như vậy. Nhưng bên cạnh đó, cũng thấy những gì nằm
trong tính cách và tâm lí con người hiện nay đã tạo nên cái mà chúng ta thường
gọi là tiêu cực xã hội” [2, tr.98-99]. Do vậy, Nguyễn Minh Châu muốn dùng
ngòi bút tham gia trợ lực vào cuộc đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt bên trong
mỗi con người. Một cuộc giao tranh không có gì ồn áo nhưng xảy ra từng ngày,
từng giờ và khắp mọi lĩnh vực của đời sống. Nói như Nguyễn Trung Trực:
“Vui vẻ quá chợt bây giờ nhìn
lại
Lũy tre làng tưởng như bình
yên ấy
Chứa bao điều bão tố ở bên
trong”
5.
Từ cảm hứng sử thi đến cảm hứng thế sự trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau
năm 1975 là một biểu hiện của sự vận động và đổi mới trong tư duy nghệ thuật
của nhà văn trước yêu cầu xây dựng một nền văn học trong hoàn cảnh mới. Cảm
hứng ấy không chỉ mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực mà còn đi sâu khám phá
những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống và tâm hồn con người. Thể hiện một
cách nhạy cảm, sắc bén cảm hứng ấy, chứng tỏ tài năng và trách nhiệm của một
ngòi bút đầy bản lĩnh, đánh dấu một bước tiến mới trong sự nghiệp sáng tác của
Nguyễn Minh Châu.
Ba Đồn, ngày 10/12/2014
Đinh Hữu Ngọc
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1.
Nguyễn Minh Châu (2006), Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Văn học, Hà Nội.
2. Nguyễn
Khải (2003), Nghề văn cũng lắm công phu, Nxb Trẻ Tp Hồ Chí Minh.
3.
Tôn Phương Lan (1995), Nguyễn Minh Châu- Trang giấy trước đèn- phê bình và
tiểu luận, Nxb KHXH, Hà Nội.