Đ/c: Ba Đồn - Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình. Tel: 052.3514658 Email: contact@thpt-so1quangtrach-quangbinh.edu.vn
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Diễn đàn Ý kiến

Trang chủ >> Văn


Dấu ấn văn hóa lễ hội trong thơ Nguyễn Duy
13-02-2014

DẤU ẤN VĂN HÓA LỄ HỘI TRONG THƠ NGUYỄN DUY

Trần Thị Lệ Minh

Tổ Ngữ Văn- Trường THPT số 1 Quảng Trạch

Xã hội Việt Nam cổ truyền là xã hội nông nghiệp. Chính đời sống nông nghiệp đã chi phối rất lớn đến những nhu cầu cần thiết trong đời sống hằng ngày của cư dân nông nghiệp. Là những nông dân, sống với nghề trồng lúa nước nên nhu cầu về đời sống tâm linh trở thành nhu cầu lớn nhất đối với họ. Lễ hội được hình thành. Lễ hội nuôi dưỡng đời sống văn hoá của cả cộng đồng, là nơi thắt chặt tình cảm bởi vì không ở đâu sợi dây vô hình liên kết giữa cá nhân và cộng đồng bền chặt như ở nơi đây. Lễ hội là dịp con người được trở về nguồn, nguồn cội tự nhiên hay nguồn cội của dân tộc đều có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm trí mỗi người. Sinh hoạt lễ hội có vị trí rất quan trọng “trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Nếu cây đa giếng nước, sân đình là những thành tố gắn bó thân thiết với mỗi người từ thuở thiếu thời cho đến lúc giã biệt cõi đời, thì lễ hội lại là thành tố văn hóa gắn bó không những thân thiết mà vừa thiêng liêng, lại vừa mãnh liệt gần gũi”. Dường như lễ hội đã trở thành biểu tượng thiêng liêng cho một nét văn hóa đẹp, một biểu hiện văn hóa đặc biệt nhất ở làng quê Việt Nam; và là một biểu tượng văn hóa in đậm nét trong thơ ca. Bằng tiếng thơ của mình, Nguyễn Duy đã rất thành công trong việc tái hiện lễ hội dân gian truyền thống của dân tộc trên mảnh đất xứ Thanh. Đó là lễ hội Đền Sòng-lễ hội văn hóa tâm linh vào loại lớn nhất của vùng quê Thanh Hóa.

Lễ hội Đền Sòng xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẫu - thờ các Nữ thần (thường gọi là Thánh Mẫu) của cư dân Việt. Nguyễn Duy đã làm sống lại không khí ngày hội quê, ghi lại dấu ấn trong thơ của mình. Hồn thơ ông như bị hút vào không khí chung của làng quê vào hội mùa xuân. “Những ai có dịp sống ở làng, nhất là làng quê miền Bắc đều dễ có cảm nhận rằng Hội làng là một lễ hội sinh động sâu sắc lôi cuốn mọi người vào cuộc vận động quần thể náo nức ấy một cách tự nguyện và say mê đến mức nào”… Ở đó, mọi người đều quên đi công việc tất bật của đồng áng, quên đi cái vất vả nhọc nhằn thường ngày để cùng vui với lễ hội. Đến hội, họ có dịp để gặp gỡ, vui chơi và “tiến hành các hoạt động tín ngưỡng phong tục”.

Toàn cảnh náo nức của lễ hội được tái hiện sinh động: “Phiêu bồng dạt ngã ba Bông/đền Hàn đền Thị đền Sòng đền quê /thần linh nườm nượp trở về” (Tôi và em, và...). Không chỉ có vậy, Nguyễn Duy còn đưa ta trở về kí ức tuổi thơ đầy kỉ niệm - về “thần hồn” của một vùng quê xưa. Các địa danh thân thuộc của quê hương thân yêu từng gắn bó với tâm hồn của tác giả thời thơ bé, từng in dấu chân trong những ngày lễ hội được nhắc lại xiết bao nỗi ân tình: chùa Trần, đền Hàn, đền Cây Thị, đền Sòng…Thấp thoáng trong tuổi thơ bình yên ấy là không gian của những ngôi chùa mang đậm dấu ấn văn hoá đặc trưng của quê hương và cùng với hình ảnh người bà hồn hậu giàu tình yêu thương. Nguyễn Duy đã gợi lên ở người đọc những rung động về cái hồn nhiên, trong sáng, ngộ nghĩnh của một cậu bé nơi làng quê trước đây: "níu váy bà đi chợ Bình Lâm/bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật/và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần"(Đò Lèn). Cũng đã từng "lên chơi đền Cây Thị". Với đôi chân đất của con nhà nghèo, vẫn háo hức trong mùa lễ hội, vẫn "đi đêm xem lễ đền Sòng". "Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh" (Tản Đà), giáp giới với tỉnh Ninh Bình thế mà chú bé vẫn lặn lội "chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng" (Đò Lèn). Bàn “chân đất” đã trở thành hình ảnh không thể nào quên đối với mỗi người, cái cảm giác được trực tiếp chạm chân vào đất mát lạnh đến vô cùng, nó ghi dấu hành trình những đêm lễ xa xôi. Và mùi huệ trắng, làn khói trầm, điệu hát văn đã đi vào trong vô thức của con người. Phải chăng hoài niệm tuổi thơ còn là sự yên bình, nhẹ nhàng nhưng cũng mang chút gì đó sâu thẳm, lắng trầm đọng trong sắc huệ trắng tinh khiết và mùi nhang trầm thoang thoảng. Cùng với đôi chân nhỏ bé thoăn thoắt khắp nơi, đắm chìm trong làn hương và miên man trong điệu hát, tuổi thơ của cậu bé Duy cứ thế trôi qua bình yên cùng năm tháng. Đi hội, xem hội thực sự là niềm hạnh phúc mê say với những ai đã trải qua năm tháng sống ở làng quê. Nguyễn Duy đã cảm nhận được điều đó một cách sâu sắc bằng cả niềm vui sướng của chính mình. Có thể nói, lễ hội dân gian truyền thống đã được nhà thơ xứ Thanh ban cho sự trường tồn trên những trang thơ.

Lễ hội Đền Sòng trong thơ Nguyễn Duy đã ghi dấu ấn biết bao nhiêu sinh hoạt văn hóa dân gian. Nhưng cái hồn quê sâu đậm nhất làm nên khuôn mặt văn hóa của làng quê mà Nguyễn Duy đặc biệt nâng niu chính là nghệ thuật hát Chầu văn. Đọc Đò Lèn, gợi lên kí ức tuổi thơ của cậu bé Duy đắm chìm vào những trò chơi; ngụp lặn trong miên man những tượng Phật, chùa Trần, đi lễ đền Sòng, hay xem hát Chầu văn: “mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm /điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng” (Đò Lèn). Chẳng biết từ bao giờ, không chỉ với cậu bé Duy mà cả du khách về dự hội đền Sòng đều bị cuốn hút và say hồn với những làn điệu Chầu văn.

Hát văn, còn gọi là (chầu văn, hát bóng), loại hình nghệ thuật âm nhạc diễn xướng tâm linh của người Việt. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu thánh (hầu đồng, hầu bóng) của văn hóa thờ Mẫu. Giai điệu của hát văn với ba hệ thống làn điệu riêng Cồn- Dọc- Xá, khi thì mượt mà, hấp dẫn, khi lại dồn dập, khoẻ khoắn vui tươi: “xanh xanh đỏ đỏ bừng bừng /tứng từng tưng tửng từng tưng đã đời” (Cung văn). Chính vì thế hát chầu văn luôn tạo ra một không khí tươi vui, háo hức, tưng bừng chứ không ai oán, trầm lắng như ca trù. Nếu như không khí nhịp điệu trong ca trù thính phòng là êm đềm, réo rắt, trầm bổng thì trong hát văn ngược lại hẳn. Nó mang tính chất sôi nổi, kích động cộng với trống phách, thanh la rộn ràng làm cho buổi hầu đồng luôn trong không khí tưng bừng. Hát văn giống như những vũ điệu của thánh thần, dìu dặt và mê hoặc lòng người…Dập dìu trên nền nhịp phách lúc ẩn lúc hiện; nhiều làn điệu mang đậm tính trữ tình, như dáng vẻ của những gì ngọt ngào, mềm mại, thân thương, rất nữ tính của Thánh Mẫu trong hệ thống thần điện Tứ phủ…Điệu hát khiến cả cung văn cùng các con nhang đệ tử như tỉnh như say trong sự hòa quyện đồng điệu: “phím dây từng bậc lên trời /rủ nhau quên tóc rối bời cỏ rơm” (Cung văn). Bởi vậy giai điệu tiếng đàn, giọng hát Chầu văn có một sức quyến rũ đặc biệt với con người khi tìm đến với cõi tâm linh. Chính sự gắn bó máu thịt với vùng đất xứ Thanh, thơ Nguyễn Duy hiện rõ từng cảnh vật, con người cùng bao giá trị văn hóa tinh thần hàng nghìn đời mà cha ông để lại. Người đọc qua đó mặc sức mà ngắm nhìn, thưởng thức và rồi yêu thích thực sự nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của vùng quê thân thương này.

Lễ hội được coi là thời điểm cuốn hút nhất, tưng bừng nhất với những nghi thức tôn nghiêm và thuần Việt, nối từ đời này qua đời khác bằng những hình thức tế lễ, rước, trò vui và hát xướng. Cũng như mọi lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội Đền Sòng diễn ra nhiều cuộc tế lễ, đặc biệt là lễ Rước bóng Mẫu, cô Bơ, cô Chín…lấp lánh vẻ đẹp nghệ thuật và tâm linh huyền bí. Mùi hương hoa huệ cùng khói trầm bay đã gợi ra một không gian linh thiêng, không gian tâm thức, không gian cầu nối giữa cõi đời phàm tục và cõi tâm linh huyền ảo. Quyện trong mùi thơm của hoa huệ, điệu hát văn trầm bổng, sâu lắng là những giá đồng làm say lòng người. Hoa huệ trắng, khói trầm, điệu hát văn và bóng cô đồng "lảo đảo" dường như đã in sâu vào tâm hồn tuổi thơ của Nguyễn Duy để rồi được khắc vào vần thơ Đò Lèn: “mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm/điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”.

Đạo Mẫu quan niệm Thần Thánh không hiện hình tướng mà chỉ có “bóng”, trong nghi thức hầu đồng, người ngồi đồng thể nhập vào trạng thái ngây ngất của tâm lý trong tiếng nhạc hầu để Bóng Thánh ngự vào. Hầu đồng là một lễ thức đặc trưng và tiêu biểu nhất của tín ngưỡng dân gian thờ thánh Mẫu của dân tộc Việt. Chính các màn diễn xướng này tạo nên không khí linh thiêng, hứng khởi và thăng hoa của lễ hội. Nó là sự thăng hoa từ đời sống hiện thực và trần tục, vượt lên thế giới hiện thực, trần tục của đời sống thường ngày. Tái hiện lễ hội Đền Sòng, Nguyễn Duy không quên khắc họa hai tính chất cơ bản của mọi lễ hội. Đó là chất thiêng liêng và chất trần tục hòa vào nhau trong một không gian của lễ hội. Đời sống tâm linh với người dân như một cõi riêng, một điểm tựa về tinh thần, để họ thoát tục, lãng quên phiền muộn trong đời thực, phiêu bồng vào cõi mơ ước. Tính thiêng liêng của lễ hội hướng tâm hồn con người đến sự trong sáng đẹp đẽ; hướng con người về cái cao cả - chân thiện mỹ - cái mà con người ngưỡng mộ, ước vọng, tôn thờ, trong đó có niềm tin tôn giáo tín ngưỡng. Thêm vào đó, nó đã đưa con người vào cõi thiêng của sợi dây liên kết vô hình giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, để từ đó con người tìm về với cội nguồn.

Nếu ai có may mắn một lần được tham gia nghi lễ hầu đồng hẳn sẽ không khỏi trầm trồ thích thú trước trang phục và trang sức của các cô Đồng, bà Đồng mỗi khi thể nhập một vị Thánh. Có bao nhiêu giá đồng thì tương ứng với ngần ấy bộ trang phục và trang sức đi kèm. Hình ảnh các cô Đồng, cậu Đồng dường như càng “đẹp” hơn trong các màn vũ đạo đặc sắc. Ba mươi sáu giá đồng sẽ tương ứng với ba mươi sáu vũ điệu khác nhau. Lễ hội thiêng liêng là vậy, nhưng lễ hội lại thấm đượm chất đời, tươi nguyên nhựa sống. Giờ khắc lễ hội cũng là giờ khắc thăng hoa của những con người đi hội, xem hội: “thần linh nườm nượp trở về/chắp tay lạy thánh tôi mê cô đồng” (Tôi và em, và...). Không chỉ bản thân người thể nhập “bóng Thánh” - những người tham dự nghi lễ phấn khích, hào hứng mà người đi xem lễ hầu đồng cũng dường như càng xốn xang, càng náo nức đến phải “mê cô đồng”- những con người thật đang thác mình vào thế giới tâm linh huyền ảo, đưa con người hợp nhất với Thần linh.

Thơ Nguyễn Duy đã miêu tả hội Đền Sòng trang trọng và sôi động, ẩn chứa cả một hành trình văn hóa của một xứ sở. Đó không đơn thuần là sự nhìn thấy và ghi lại, mà là kết quả của cả một hành trình văn hóa dân tộc lắng đọng trong tâm thức nhà thơ. Trang thơ Nguyễn Duy như mang cả không khí nô nức, rộn ràng của lễ hội. Âm hưởng thiêng liêng và rộn ràng của lễ hội Đền Sòng làm nên âm hưởng rộn ràng và thiêng liêng trong thi phẩm Nguyễn Duy. Để rồi câu ca “Tháng sáu hội Gai/ Tháng hai hội Mía” vọng mãi trong lòng người như lời chào mời, đến hẹn lại về dự hội Đền Sòng; xem hát Chầu văn nơi miền di sản xứ Thanh. Nếu lễ hội là nơi để con người trở về với cội nguồn văn hóa cổ truyền, thì lễ hội trong thơ Nguyễn Duy chính là nơi bảo lưu và trao truyền các giá trị văn hóa đó cho muôn đời sau. Thơ Nguyễn Duy tiếp tục khẳng định vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc sống con người không thể tách rời tâm thức và cội nguồn văn hóa dân tộc.

Có thể nói, lễ hội cổ truyền như một dòng nước mát lành, dịu ngọt chảy mãi từ trong cội nguồn văn hóa dân tộc, xuyên suốt trong hành trình văn hóa Việt Nam cho đến hôm nay và mai sau. Đọc thơ Nguyễn Duy, cùng những lễ hội cổ truyền đất Việt như: Lễ hội Đền Sòng, lễ Tết Nguyên Đán…ta như trở về với văn hoá dân tộc; tận hưởng những giây phút thiêng liêng, ngưỡng vọng những biểu tượng siêu việt cao cả - Chân Thiện Mỹ, được sống những giờ phút giao cảm hồ hởi đầy tinh thần cộng đồng. Và những vần thơ Nguyễn Duy thực sự đã đi vào lòng người đọc Việt Nam bởi vì nó đã chạm đến cái phần như là vô thức và vô cùng da diết trong mỗi người dân Việt.../.

 

(Trích Luận văn Th.s)

Xem bài khác
  • Kí ức tuổi học trò        (17-11-2013)
  • Vài điều về tình huống truyện ngắn trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu        (24-10-2013)
  • Nỗi niềm từ một tập văn        (25-08-2013)
  • Chương trình Truyền hình Quảng Bình về Hoàng Đăng Khoa        (09-05-2013)
  • Các bài mới đăng
  • Đọc lại truyện ngắn Mùa trái cóc ở Miền Nam của nhà văn Nguyễn Minh Châu với quan điểm nghệ thuật sau 1975        (29-12-2014)
  • Giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm Chí Phèo        (27-11-2014)
  • Cái hay trong bài thơ Biển của Xuân Diệu        (17-10-2014)
  • Hướng dẫn ôn thi TNTHPT 2014 môn ngữ văn        (22-04-2014)
  • Nét tài hoa của nhà thơ Tố Hữu trong nghệ thuật sử dụng cặp đại từ xưng hô “ta” – “mình” ở bài thơ Việt Bắc.        (25-03-2014)
  • Dấu ấn văn hóa lễ hội trong thơ Nguyễn Duy        (13-02-2014)
  • Kí ức tuổi học trò        (17-11-2013)
  • Vài điều về tình huống truyện ngắn trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu        (24-10-2013)
  • Nỗi niềm từ một tập văn        (25-08-2013)
  • Chương trình Truyền hình Quảng Bình về Hoàng Đăng Khoa        (09-05-2013)