Đ/c: Ba Đồn - Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình. Tel: 052.3514658 Email: contact@thpt-so1quangtrach-quangbinh.edu.vn
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Diễn đàn Ý kiến

Trang chủ >> Văn


Kí ức tuổi học trò
17-11-2013

Kí ức tuổi học trò.


Tuổi học trò, lứa tuổi đẹp nhất của đời người với vô vàn những kỷ niệm buồn vui đáng nhớ. Nhưng ở một góc nhỏ nào đó, đây là thời điểm con người dễ bị lung lay bởi cuộc sống bộn bề và đầy rẫy những khó khăn, nhọc nhằn, để rồi phạm phải những sai lầm đáng tiếc. Suốt gần mười năm ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã chứng kiến không ít những trường hợp như vậy. Thế nhưng đối với riêng tôi, câu chuyện của Quân, một người bạn trong lớp, đã để lại những ấn tượng sâu sắc.

Quân vào học lớp tôi từ đầu cấp hai. Trong hồi ức của tôi cậu là một cậu bạn hiền lành, thân thiện, đẹp trai và học rất giỏi. Quân là con của một gia đình khá giả, bố là giám đốc của công ty xuất nhập khẩu, mẹ ở nhà làm nội trợ. Nghe Quân và bạn bè kể, bố cậu ấy rất giỏi. Ngày xưa nhà bà nội Quân nghèo lắm, chật vật mãi mới đủ tiền cho con ăn học tử tế. Chính vì vậy, bố cậu đã cố gắng học tập để xây dựng công ty như ngày hôm nay. Quân rất yêu bố, kính trọng bố và coi bố như tấm gương để cậu cố gắng. Quân học rất giỏi, nhất là toán và lý, thầy cô đã chọn cậu vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Không chỉ học giỏi, cậu còn là một học sinh ngoan, gương mẫu và rất thân thiện với bạn bè. Nhớ là vào ngày 20-10 năm lớp chín, cậu cầm đầu đám con trai mua hoa tặng cô chủ nhiệm và các bạn nữ trong lớp khiến ai cũng vui và bất ngờ. Nhìn hai chiếc xe đạp chở đầy hoa đi vào cổng, rồi cả đám con trai túm tụm ôm hoa vào lớp mà ai cũng tủm tỉm cười. Lớp học nhờ thế cũng đoàn kết hơn.

Thế rồi, vào một ngày đông lạnh buốt, Quân không đi học. Tất cả mọi người đều lo lắng, băn khoăn. Ánh nắng mờ nhạt, yếu ớt rọi vào chỗ ngồi trống trơ lại càng làm không khí thêm nặng nề, buồn bã “Quân đã đi đâu? Liệu có chuyện gì xảy ra với cậu ấy không?”. Suy nghĩ đó cứ ám ảnh tôi và các bạn suốt buổi học. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày trôi đi, chỗ ngồi vẫn bỏ không, lạnh lẽo và hiu quạnh. Chiều ngày hôm đó, cô giáo và cả lớp đến nhà Quân nhưng không thấy ai. Một màu xám tro, u ám vắng vẻ bao trùm lên căn nhà vốn vui vẻ và tràn ngập màu xanh này. Không lâu sau, có thông tin công ty của bố Quân đã phá sản, giám đốc phải ngồi tù vì tội trốn thuế, hơn nữa lại là một khoản tiền khổng lồ. Quân đã đến lớp sau gần một tuần nghỉ học. Thế nhưng, cậu như biến thành một con người khác, lầm lì, buồn bã và không nói chuyện với ai. Thầy cô đến hỏi han, cậu chỉ ngồi im như tượng, không nói không rằng. Ngày này qua ngày khác, cậu đến lớp ngồi học rồi về như một cỗ máy đã được lập trình sẵn. Bỗng nhiên, cả lớp nhận được tin Quân bị đình chỉ học một tuần vì đánh nhau. Ai nấy sững sờ. Quân đánh nhau với một đám bạn lớp bên vì họ đã gọi Quân là con tội phạm, là đồ dối trá và nhạo báng bố của cậu. Cô giáo chủ nhiệm đã hết lời xin ban giám hiệu để cậu không phải nghỉ học, vì kỳ thi học sinh giỏi đã sắp cận kề. Kể từ đó, Quân trở nên nóng nảy, sẵn sàng đánh nhau với những ai tỏ ý gây sự. Hình ảnh một nam học sinh hiền lành, giỏi giang sụp đổ trong mắt thầy cô.

Vào một ngày cuối tuần, cô giáo và cả lớp tìm đến nhà Quân, phải tìm đường khá lâu vì căn nhà nằm trong một hẻm nhỏ. Đó là một căn nhà nhỏ, hẹp và có vẻ rất tồi tàn. Trong nhà cũng chẳng có gì, trơ trọi bộ bàn ghế gỗ nhỏ, chiếc giường đơn và vài cái bát đĩa soong nồi. Duy chỉ có góc phòng học của Quân là vẫn gọn gàng, ngăn nắp và đầy ắp sách vở. Nhưng có vẻ như lâu rồi cậu chưa đụng đến chiếc bàn này. Ánh sáng từ ngoài rọi qua khung cửa sổ sắt chiếu vào góc phòng làm nổi lên một lớp bụi mờ của sự quên lãng. Quân không có ở nhà, chỉ có mẹ cậu đang ngồi đan lát rổ rá ở bên thềm. Khi chúng tôi đến hỏi thăm, mẹ Quân đã khóc rất nhiều. Bà khóc vì gia đình, vì người chồng và hơn hết là vì Quân. Cậu đi suốt, tối về lầm lũi như người vô hồn, cũng chẳng học hành gì. Bà rất lo cho tương lai của Quân, sợ không đủ sức vực Quân dậy sau nỗi mất mát quá lớn và không đủ tiền cho cậu ăn học. Nắng trưa vẽ lên khuôn mặt người đàn bà khắc khổ sự lo lâu và cả nỗi bất lực. Bất chợt trời đổ mưa, Quân chạy về nhà trong bộ quần áo ướt đẫm, vẻ mặt không có gì ngạc nhiên trước sự có mặt của chúng tôi. Đợi Quân lau khô người, chúng tôi xin nói chuyện riêng với cậu. Cậu ngồi im như bức tượng rỗng tuếch như nhìn vào một khoảng không xa vời nào đó trước mặt. Hết lời khuyên can không được, tôi bất chợt giơ tay lên và tát vào má của cậu. Quân giật điếng người, chằm chằm nhìn tôi. “Tại sao cậu lại như vậy chứ?”, tôi nói. Rồi cậu ta hét lên: “Bố tôi vào tù, mấy người có thấy không? Giờ tôi là con tội phạm, mấy người còn đến đây làm gì? Đến để cười vào tôi à?”. “Không, tụi mình chỉ muốn Quân tiếp tục học thôi”. “Học để làm gì cơ chứ! Cứ như bố tôi, cố gắng tất cả vì gia đình, giờ được gì? Niềm tin của tôi không còn, học tập chẳng còn ý nghĩa gì với tôi hết. Mấy người về hết đi!” cậu ta hét lên, tiếng hét hòa vào tiếng mưa, làm cho lòng tôi như thắt lại, đau đớn. “Được, bố cậu vào tù nhưng còn mẹ cậu thì sao? Cậu đã nhìn thấy bàn tay rớm máu của mẹ cậu vì làm việc quá sức chưa? Cậu đã thấy mẹ cậu khóc chưa? Cậu nương tựa hết vào mẹ mình như vậy đã bao giờ cậu nghĩ mẹ cũng rất mệt mỏi hay chưa? Mẹ cần lắm bờ vai của cậu để dựa vào, vậy mà cậu lại đang trở thành gánh nặng, nỗi lo của mẹ, cậu có biết không?” .Quân lặng người đi, không nói gì nữa. Ngoài trời mưa cứ rơi còn trong nhà, từng bóng người đứng im lặng, lay lắt. Chúng tôi ra về mà lòng chua xót, chỉ mong sao Quân sớm trở lại như ngày xưa.

Ngày hôm sau, cậu đến lớp với một vẻ mặt khác, nụ cười lại thân thiện như ngày nào. Cậu đứng trước lớp, nói với chúng tôi lời xin lỗi chân thành và hứa sẽ cố gắng thật nhiều. Ai cũng sung sướng. Năm đó Quân đạt giải nhì môn Toán và giải ba môn Lý cấp tỉnh. Đó là kết quả xứng đáng cho những cố gắng của cậu.

Câu chuyện của Quân là một câu chuyện vô cùng xúc động và sâu sắc trong kí ức của tôi. Đó là bài học lớn lao về niềm tin, ý chí vươn lên vượt qua sai lầm của chính mình để thực hiện ước mơ. Tết năm đó, khi đến nhà Quân, chúng tôi không còn thấy nét mặt khắc khổ trên khuôn mặt người mẹ. Căn nhà vẫn bé nhỏ, đơn sơ nhưng lại đầy ắp hạnh phúc. Nhìn cảnh Quân giúp mẹ sửa sang, trang trí nhà cửa đón tết, chúng tôi thật sự tin rằng niềm tin đã trở lại trong con người đó.

Lê Thị Minh Hạnh- lớp 10A-THPT số1- QUẢNG TRẠCH

 

Xem bài khác
  • Vài điều về tình huống truyện ngắn trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu        (24-10-2013)
  • Nỗi niềm từ một tập văn        (25-08-2013)
  • Chương trình Truyền hình Quảng Bình về Hoàng Đăng Khoa        (09-05-2013)
  • Lớp học ơi,nhớ quá !        (06-05-2013)
  • Các bài mới đăng
  • Đọc lại truyện ngắn Mùa trái cóc ở Miền Nam của nhà văn Nguyễn Minh Châu với quan điểm nghệ thuật sau 1975        (29-12-2014)
  • Giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm Chí Phèo        (27-11-2014)
  • Cái hay trong bài thơ Biển của Xuân Diệu        (17-10-2014)
  • Hướng dẫn ôn thi TNTHPT 2014 môn ngữ văn        (22-04-2014)
  • Nét tài hoa của nhà thơ Tố Hữu trong nghệ thuật sử dụng cặp đại từ xưng hô “ta” – “mình” ở bài thơ Việt Bắc.        (25-03-2014)
  • Dấu ấn văn hóa lễ hội trong thơ Nguyễn Duy        (13-02-2014)
  • Kí ức tuổi học trò        (17-11-2013)
  • Vài điều về tình huống truyện ngắn trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu        (24-10-2013)
  • Nỗi niềm từ một tập văn        (25-08-2013)
  • Chương trình Truyền hình Quảng Bình về Hoàng Đăng Khoa        (09-05-2013)