Đ/c: Ba Đồn - Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình. Tel: 052.3514658 Email: contact@thpt-so1quangtrach-quangbinh.edu.vn
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Diễn đàn Ý kiến

Trang chủ >> Văn


Phân tích truyện ngắn ...
28-12-2012

   PHÂN TÍCH TRUYỆN NGẮN CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA CỦA NGUYỄN MINH CHÂU TỪ GÓC    ĐỘ  THI PHÁP

I-ĐẶT VẤN ĐỀ

Có thể nói, dạy tác phẩm văn học trong nhà trường là một việc làm hết sức có ý nghĩa. Nó giúp học sinh có được thói quen và phương pháp để khám phá và tiếp nhận một cách khoa học về một tác phẩm văn học.Vì thế, khi dạy học sinh đọc hiểu tác phẩm, giáo viên phải đặc biệt quan tâm đến phương pháp - chìa khóa mở ra giá trị tác phẩm.  Dạy “đọc văn” trong nhà trường là cung cấp cho các em kỉ năng đọc để  có quan điểm, thái độ đúng đắn đối với đời sống , phát hiện ra những sáng tạo nghệ thuật mà nhà văn gửi gắm qua tác phẩm. Đọc văn chương là hoạt động chuyển đổi tác phẩm nghệ thuật thành tình cảm và cảm xúc thẩm mĩ trong tư duy hình tượng cho riêng mình. “Đọc văn” thực sự là một khoa học và nghệ thuật của tư duy ngôn ngữ liên tục được sáng tạo trong mỗi văn bản nghệ thuật. Việc giảng dạy văn học ở nhà trường góp phần đào tạo nên những bạn đọc có khả năng thưởng thức cái đẹp và tìm thấy ý nghĩa nghệ thuật của những tác phẩm có giá trị trong di sản văn học nhân loại.

    Thực tế  dạy văn ở nhà trường hiện nay cho thấy đã có nhiều biến chuyển . Giáo viên đã có ý thức bồi dưỡng, trau dồi về cách dạy để nâng cao hiệu quả tuy nhiên theo chủ quan, bản thân tôi thấy hiệu quả giảng dạy vẫn chưa được như mong muốn.Thậm chí ở một số giáo viên vẫn còn dấu hiệu trì trệ về phương pháp. Phương pháp phân tích tác phẩm văn học (TPVH) theo cách truyền thống không đem lại hiệu quả cao, năng lực vận dụng, kĩ năng thực hành của phần lớn học sinh còn thấp. Đây cũng là một nguyên nhân tạo nên tình trạng dạy học thụ động dẫn đến việc học sinh không lí thú đối với giờ văn. Chính vì vậy, việc đổi mới về  phương pháp dạy được đặt ra một cách bức thiết. Trên cơ sở những hiểu biết nhất định về thi pháp học, kết hợp với kiến thức văn học sử và những hiểu biết về tác giả, tôi đưa ra một cách tiếp cận tác phẩm tuy không mới nhưng có hiệu quả đó là tiếp cận tác phẩm dưới góc độ thi pháp. Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là tác phẩm mà tôi chọn để trình bày theo cách tiếp cận này.

Để đọc hiểu tác phẩm văn học bằng thi pháp thì phải đụng đến nhiều vấn đề rộng lớn, vả lại sự hiểu biết về thi pháp lại còn quá hạn hẹp, nhưng bản thân tôi vẫn mạnh dạn sử dụng thi pháp trong phân tích tác phẩm, mong giúp học sinh cảm nhận tác phẩm sâu sắc hơn và hình thành cho các em năng lực đọc văn chương để có thể tự đọc các tác phẩm khác.

                                             II-PHẦN NỘI DUNG

A-   THI PHÁP HỌC VÀ VIỆC ỨNG DỤNG THI PHÁP TRONG PHÂN TÍCH TÁC PHẨM VĂN HỌC

1- Khái niệm: ( Theo từ điển thuật ngữ văn học- nhà xb đại học quốc gia Hà Nội)

-Thi pháp là hệ thống các phương thức, phương tiện biểu hiện đời sống bằng hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học. Hệ thống đó có thể chia tách thành các phương diện: thể loại, kết cấu, không gian, thời gian, ngôn ngữ.

-Thi pháp học là khoa học nghiên cứu hệ thống thi pháp đó. Nó nghiên cứu hệ thống hình thức , biểu hiện hệ thống nội dung của các tác phẩm, tác giả, trào lưu, thời đại, dân tộc…

   Tóm lại: Thi pháp học giúp ta công cụ để thâm nhập vào cấu trúc tác phẩm, cốt cách tư duy của tác giả, cũng như nắm bắt mã văn hóa nghệ thuật của các thời kì văn học nghệ thuật, từ đó nâng cao năng lực cảm thụ tác phẩm.

2- Ứng dụng thi pháp học trong phân tích tác phẩm văn học:

    Trước đây, phân tích tác phẩm văn học thường chỉ quan tâm đến nội dung tư tưởng của tác phẩm còn hình thức chưa được quan tâm một cách thích đáng.

    Có thể khẳng định rằng mọi sự việc, hiện tượng, quá trình nội dung vẫn là cái cơ bản quyết định, nhưng thực ra sự tồn tại của nội dung không thể tách rời được hình thức, vì hình thức là hình thức của nội dung.

   Vì thế:

 - Khi phân tích TPVH phải quan tâm đến hình thức để tránh sự phiến diện và thiếu biện chứng.

 - Trong khi phân tíchTP, phải kết hợp cả hình thức lẫn nội dung, nếu phân tích tách bạch thì vẫn sa vào một sự phiến diện khác. Cho nên, khi phân tích TP phải luôn luôn gắn nội dung với hình thức, phải đặt nó trong một chỉnh thể văn học mà xem xét.

B- ỨNG DỤNG CỤ THỂ TRONG TRUYỆN NGẮN “ CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA” CỦA NGUYỄN MINH CHÂU.

     Như đã giới hạn về nội dung của đề tài, ở đây tôi chỉ trình bày về những vấn đề chủ yếu giúp người dạy có cái nhìn cơ bản khi phân tích tác phẩm nói chung và truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa nói riêng.

1-    QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI

Quan niệm nghệ thuật về con người là sự thể hiện một cách nhìn, một cách tiếp cận, cách lí giải đối với con người (Trần Đình Sử, Giáo trình thi pháp học, TP Hồ Chí Minh, 1993).

    Nguyễn Minh Châu ở giai đoạn sáng tác sau 1975, nhất là vào những năm 80, thì quan niệm nghệ thuật về con người của ông là lấy số phận cá nhân làm gương soi lịch sử và lấy nội tâm con người để nói về cuộc sống chung. Điểm nhìn nghệ thuật về con người đó tạo ra nhiều hướng khác nhau để tiếp cận hiện thực và đã nâng lên tầm khái quát triết học trong sáng tác của ông. Từ những câu chuyện không hề mang tính điển hình, ông vẫn tìm ra được các khía cạnh khác nhau của thế thái nhân tình, một thứ triết lí nhân sinh.

Trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, con người được chú ý hoàn toàn trên bình diện cuộc sống sinh hoạt đời thường. Đó là cuộc sống của một gia đình hàng chài trong cuộc mưu sinh đầy cam go: người đàn bà cam chịu, nhẫn nhục khi bị chồng đánh chỉ đơn giản vì những đứa con của bà cần được sống và lớn lên. Còn người đàn ông cứ khi nào khổ quá là đánh vợ…Những con người ở đây chỉ quan tâm đến những gì tác động trực tiếp vào cuộc sống hàng ngày của họ. Đây là chỗ Nguyễn Minh Châu nối tiếp truyền thống của những nhà văn như Nam Cao, Thạch Lam thời kì trước 1945.

Con người trong sự miêu tả của nhà văn là một trong những tâm điểm mà qua đó phong cách của nhà văn được thể hiện rõ hơn hết.

2-    NHÂN VẬT

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, HN- 1992  thì “Nhân vật văn học là một đơn vị văn học đầy tính ước lệ (…) thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người” “Nhà văn sáng tạo ra nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kì lịch sử nhất định” (Lí luận văn học, NXB Giáo dục, HN, 1993).

Theo cách hiểu của tôi thì trong Chiếc thuyền ngoài xa có 2 loại nhân vật: Nhân vật tư tưởngnhân vật tính cách. Tiêu biểu cho loại nhân vật tư tưởng là nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng và loại nhân vật tính cách là người đàn bà vùng biển với người chồng độc ác.

a - Nhân vật tư tưởng

     Nhân vật tư tưởng là loại nhân vật tập trung thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống tinh thần của xã hội.( Từ điển thuật ngữ văn học- nhà XB ĐHQG Hà Nội)

     Đọc truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu vào những năm 80 có rất nhiều tác phẩm xuất hiện loại nhân vật này (người họa sĩ trong “Bức tranh”, nhà văn trong “Một lần đối chứng”, nhà báo trong “Mùa trái cóc ở miền Nam”…). Các nhân vật này hoặc mang nhu cầu được sống thực với bản thân mình hoặc đòi hỏi phải được nhận thức lại một số vấn đề của đời sống xã hội.

     Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong “Chiếc thuyền ngoài xa” vốn là người lính chiến đã từng vào sinh ra tử. Phùng căm ghét mọi sự áp bức, bất công, sẵn sàng làm tất cả vì điều thiện, lẽ công bằng. Anh thực sự xúc động, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khôi của thuyền biển lúc bình minh. Một người nhạy cảm như anh tránh sao khỏi nỗi đau đớn khi phát hiện ra ngay sau vẽ đẹp tuyệt đỉnh mà anh vừa thu được vào ống kính là sự bạo hành của cái xấu, cái ác. Mới đầu, chứng kiến  cảnh lão đàn ông đánh vợ và người vợ nhẫn nhục chịu đựng, Phùng hết sức “kinh ngạc”, anh “há mồm ra mà nhìn”, rồi sau như một phản xạ tự nhiên, anh “vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới”. Hành động ấy nói được nhiều điều.Chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa, một khoảng cách đủ để tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, nhưng sự thật cuộc đời đắng cay thì lại ở rất gần. Đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời, bởi lẽ nghệ thuật chân chính luôn là cuộc đời và vì cuộc đời. Trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp, hãy là một con người biết yêu ghét, vui buồn trước mọi lẽ đời thường tình, biết hành động để có một cuộc sống xứng đáng với con người.

  Chứng kiến hai cảnh đối lập là giữa bức ảnh tuyệt đẹp mà anh vui sướng thu được vào ống kính và cảnh đánh vợ dã man của người đàn ông mà anh vừa nhìn thấy, Phùng đã nhận thức ra được giữa nghệ thuật và đời sống là cả một khoảng cách.

     Phùng chính là kiểu nhân vật tư tưởng mà NMC muốn xây dựng để nhận thức lại một số vấn đề trong quan niệm sáng tác NT và trong đời sống xã hội. Nếu như trước đây, nhân vật Điền trong “Trăng sáng” của Nam Cao đã từng vật vã vì sự cách biệt giữa những trang văn của mình với sự thực đói rách nghèo khổ của đời thường trước mắt thì nhân vật Phùng đã mục kích một sự thực nghiệt ngã trong đời sống của những ngư dân. Tuy nhân vật không có những tuyên ngôn nhưng từ sau chuyến đi này, mỗi lần ngắm bức tranh, Phùng lại cảm nhận đằng sau “cái màu hồng hồng…” là vẻ lam lũ, khắc khổ, cam chịu của người đàn bà vùng biển. Cũng như Nam  Cao, Nguyễn Minh Châu muốn nghệ thuật phải cắm rễ sâu vào các nguồn mạch của đời sống. Trên ý nghĩa đó mà nhân vật tư tưởng đã thể hiện một cách trực tiếp nhất tư tưởng nghệ thuật, ý đồ nghệ thuật của tác giả.

b - Nhân vật tính cách:

     Nhân vật tính cách là kiểu nhân vật phức tạp được miêu tả trong tác phẩm như một nhân cách, một cá nhân có cá tính nổi bật. Nhân vật thường có những mâu thuẫn nội tại, những nghịch lí, những chuyển hóa, do đótính cách thường có một quá trình tự phát triển khiến cho nhân vật không đồng nhất đơn giản.

         Chính loại nhân vật tính cách này  chứng tỏ được độ chín của nhà văn về tài năng, bản lĩnh trên bước đường hình thành phong cách của nhà văn. Ở loại nhân vật này, tư tưởng của tác giả cũng như vấn đề đặt ra trong xã hội được thể hiện đằng sau cá tính, sau số phận của cá nhân. Có thể nói rằng các nhân vật tính cách này như là sản phẩm tất yếu của quan niệm nghệ thuật mới về con người của Nguyễn Minh Châu. Nó thể hiện sự độc đáo của cách nhìn hiện thực, con người, cũng như năng lực sáng tạo của ông. Đó là những tư tưởng đã được hóa thân bằng hình tượng nghệ thuật và tự nó  có một sức sống nội tại.

Nhân vật người đàn bà vùng biển trong truyện có một cá tính, số phận rõ nét.Tác giả chỉ gọi là “người đàn bà” một cách phiếm chỉ.Tuy không có tên tuổi cụ thể, một người vô danh như biết bao người đàn bà vùng biển khác, nhưng số phận con người ấy lại được tác giả tập trung thể hiện và được người đọc quan tâm nhất trong truyện này. Trạc ngoài 40 tuổi, thô kệch, rỗ mặt, lúc nào cũng xuất hiện với “khuôn mặt mệt mỏi”, người đàn bà ấy gợi ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ. Chị thầm lặng chịu đựng mọi đớn đau, khi bị chồng đánh  “không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn” và khi chánh án Đẩu khuyên li hôn thì người đàn bà đó đã  chắp tay lai vái lia lịa và nói : Quí tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đùng bắt con bỏ nó. chị chấp nhận và cam chịu chỉ đơn giản bởi trong cuộc mưu sinh đầy cam go, trên chiếc thuyền kiếm sống ngoài biển xa cần có một người đàn ông khỏe mạnh để chống chèo, vì những đứa con của chị cần được sống và lớn lên. Một sự cam chịu nhẫn nhục như thế thật đáng để chia sẻ, cảm thông như NMC đã viết :“…tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc thâu hiểu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài”. Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha, đức hi sinh. Cuộc đời đau khổ, bất hạnh nhưng chị không một lần oán thán.

NMC đã xây dựng nhân vật với một tâm trạng đầy mâu thuẫn với cuộc đời đầy trắc ẩn và nghịch lí. Chỉ là một nhân vật trong câu chuyện để thể hiện chủ đề của truyện nhưng nhân vật người đàn bà đã để lại một ấn tượng sâu sắc, khó phai trong cảm xúc người đọc.

  3- NHỮNG THỦ PHÁP XÂY DỰNG NHÂN VẬT

a - Yếu tố ngoại hình

     Tùy thuộc vào vấn đề, chủ đề và tính cách nhân vật mà Nguyễn Minh Châu chọn lấy một điểm sáng về ngọai hình hoặc cử chỉ phù hợp để rồi suốt truyện, đặc điểm đó trở đi trở lại nhằm thể hiện sâu sắc hơn tâm hồn, tính cách của nhân vật.

     Miêu tả ngoại hình người đàn bà, NMC đã hết sức chú ý đến thân hình cao lớn với những đường nét  thô kệch, xấu xí, nhất là gương mặt rỗ được nhắc lại ba lần. Từ ngoại hình người đọc có thể cảm nhận được cuộc đời, số phận, tính cách , nỗi đau của nhân vật. Chắc chắn với một vẻ ngoài như thế, người đàn này không thể có một cuộc sống sung sướng và hạnh phúc được.

    Miêu tả ngoại hình người đàn ông vùng biển, chi tiết được nhà văn khắc họa là mái tóc tổ quạ, chân chữ bát, hai con mắt đầy vẻ độc dữ. Dấu ấn của sự vất vả của nghề nghiệp, cuộc sống và nội tâm toát lên từ ngoại hình nhân vật.

    Khi xây dựng nhân vật, nhà văn thường tạo cho họ một vẻ hài hòa : đặc điểm tính cách, nhân cách, lối sống của nhân vật thường được toát lên qua thần thái, cử chỉ, thậm chí là một đặc điểm ngoại hình.

b - Miêu tả tâm lí                       

          Miêu tả tâm lí nhân vật là một thủ pháp quan trọng trong việc xây dựng nhân vật. Trong Chiếc thuyền ngoài xa, nhân vật người đàn bà vùng biển được tác giả sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lí rất thành công, đặc biệt là đoạn người đàn bà được mời đến tòa án huyện. Diễn biến tâm lí của nhân vật đã khiến cho Phùng và Đẩu đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lúc đầu chị ta có vẻ sợ sệt, lúng túng, tìm đến một góc tường để ngồi, đến mức Đẩu phải nói đến lượt thứ hai mụ mới dám rón rén đến ngồi ghé vào mép chiếc ghế và cố thu người lại . Khi Đẩu có ý tốt khuyên chị bỏ người đàn ông độc ác kia thì người đàn bà chắp tay lại vái lia lịa, xưng con với Đẩu : “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…”. Lời khẩn cầu tha thiết và vô lí ấy khiến Phùng và Đẩu hết sức ngạc nhiên. Nhưng rồi sau đó lại xưng “chị” và gọi hai người kia là “chú” : “chị cám ơn các chú!” và lập tức người đàn bà đã mất hết cái vẻ ngoài khúm núm, sợ sệt .Nhưng rồi phút chót “lại vẫn là người đàn bà lúng túng, sợ sệt”. Qua các chi tiết đó đủ để thấy bên trong tâm hồn người đàn bà là một quá trình diễn biến tâm lí phức tạp, tồn tại những nghịch lí, và đó cũng chính là những nghịch lí của cuộc sống. Nhà văn tập trung miêu tả những cử chỉ, thay đổi, lời nói của nhân vật để bộc lộ tâm lí, nội tâm nhân vật và đã tạo ra một sự ám ảnh lớn về nhân vật đối với người đọc.

4. TÌNH HUỐNG VÀ ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT

a - Tình huống

          Đọc truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, người đọc dễ nhận ra được phong cách và tài năng của ông trong việc sáng tạo tình huống truyện. Trong rất nhiều truyện ngắn , nhà văn đã xây dựng được nhiều tình huống độc đáo và bất ngờ và giải quyết nó cũng rất bất ngờ. Chính sự am hiểu về hiện thực đời sống, sự nỗ lực tìm tòi sáng tạo để tạo nên nhiều tình huống truyện khác nhau làm nên những đặc trưng riêng cho NMC

          Với các sáng tác thời kì trước năm 1975 của ông, người đọc thường nói đến sự thành công của tình huống đặt ra trong truyện ngắn “ Mảnh trăng cuối rừng”. Cuộc gặp tình cờ với tất cả sự kiện xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi trước và sau trận không kích của máy bay Mĩ vào chiếc xe vận tải có cô gái đi nhờ là một tình huống”đắt giá” cho nhân vật bộc lộ phẩm chất. Đó là phẩm chất yêu nước của một thế hệ thanh niên biết đặt nhiệm vụ chống Mĩ cứu nước lên trên tình yêu đôi lứa.Tình huống truyện thể hiện được phẩm chất cao đẹp của cả một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, ta cũng có thể thấy được rằng đó là một tình huống mà người đọc thường gặp trong văn học thời kì này.

          Sau chiến tranh, Nguyễn Minh Châu băn khoăn, trăn trở tìm kiếm con đường riêng cho nghiệp bút của mình : nhà văn đã nhìn thấu những chấn động trong đời sống và tâm lí của con người. Ở tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa , tác giả đã tạo tình huống mang ý nghĩa khám phá phát hiện về đời sống. Đó là “ dạng huống nhận thức” vừa thể hiện cuộc hành trình tư tưởng của cá nhân ông lại cũng vừa thể hiện cách nhận thức của cá nhân con người về bản thân và xã hội với điểm nhìn hoàn toàn khác trước. Truyện có hai tình huống : Nghịch cảnh diễn ra ở bãi biển và câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện.

     Nếu coi tình huống là sự kiện có ý nghĩa bộc lộ mọi mối quan hệ, bộc lộ khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách, đôi khi tạo ra những bước ngoặt trong tư tưởng, tình cảm, trong cuộc đời con người, thì với Phùng, việc chứng kiến lão đàn ông đánh vợ là một sự kiện như thế. Trước đó, Phùng nhìn đời bằng con mắt của một nghệ sĩ, anh rung động say mê trước  vẻ đẹp “trời cho” của thuyền biển sớm mai. Chính trong giây phút tâm hồn thăng hoa những cảm xúc lãng nạn nhất, anh bất ngờ chứng kiến đôi vợ chồng từ con thuyền “thơ mộng” bước xuống, rồi lão đàn ông đánh vợ một cách dã man và vô lí. Tình huồng đó được lặp lại một lần nữa, Phùng không chỉ chứng kiến người đàn bà nhẫn nhục chịu đựng mà còn thấy được thái độ , hành động của chị em thằng Phác trước sự hung bạo của cha đối với mẹ. Tình huống càng trở nên “ đắt giá  hơn khi ở tòa án huyện, nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng lại bất ngờ hiểu được cái lí do sâu xa khiến cho cuộc sống vợ chồng của những ngư dân này luôn luôn là như vậy. Những người đàn bà sống trên thuyền cần phải có một người đàn ông dù hắn tàn bạo và man rợ. Còn người đàn ông theo thói quen lôi vợ vào chỗ khuất đánh chẳng một cách dã man để giải tỏa nỗi ức chế vì cuộc sống bế tắc và sự nghèo khổ triền miên của cuộc đời mình.     Từ đó đến cuối truyện, Phùng đã có một cách nhìn đời khác hẳn. Anh thấy rõ những cái ngang trái trong gia đình thuyền chài ấy, hiểu sâu hơn tính cách người đàn bà, hai chị em thằng Phác, hiểu sâu hơn bản chất người đồng đội của mình (Đẩu) và hiểu thêm chính mình. Tình huống truyện đã được Nguyễn Minh Châu đẩy lên cao trào và xoáy sâu hơn nữa để phát hiện tính cách con người, phát hiện sự thật cuộc đời.

 b - Điểm nhìn trần thuật

          Điểm nhìn trần thuật liên quan chặt chẽ đến chỗ đứng nhà văn khi quan sát và phản ánh hiện thực.

     Trước những năm 80 của thế kỉ XX, sáng tác của Nguyễn Minh Châu cũng như của các nhà văn cùng thời, đều mang “cách nhìn sử thi” (Hoàng Ngọc Hiến, Văn học…gần và xa, NXB Giáo dục, HN 2006). Tức là cái chung, cái cao cả, điểm nhìn của nhà văn bắt đầu từ khi xuất hiện sự kiện và kết thúc khi sự kiện dừng lại; chủ thể trần thuật vừa là người dẫn truyện vừa là người hướng đạo cho độc giả. “ Khi đó nhà văn là người truyền phán chân lí, người duy nhất biết trước tất cả và luôn luôn đúng”, “Người kể chuyện vì thế thường đứng cao hơn bạn đọc”(PGS.TS. Nguyễn Thị Bình, Văn xuôi Việt Nam 1975-1995 những đổi mới cơ bản, NXB Giáo dục, HN 2007).

     Thời kì văn học đổi mới, những sáng tác sau này đã có sự chuyển biến trong sáng tác. Từ quan điểm trần thuật mang tính chất sử thi, Nguyễn Minh Châu đã dần dần chuyển sang quan điểm thế sự - nhân sinh, do vậy mà các hình thức trần thuật của ông cũng có những chuyển đổi cơ bản.

     Với “Chiếc thuyền ngoài xa”, NMC đã sử dụng lối trần thuật mà chủ đề trần thuật được “nhân vật hóa”, lối trần thuật theo ngôi thứ nhất mà cụ thể ở đây là nhân vật Phùng với tư cách là một nhân chứng. Năng lực khám phá của nhân vật mở dần theo truyện. Từ cảm tính đến lí tính và lí tính ngày càng khẳng định điều nhận thức từ cảm tính buổi đầu. Thông qua điểm nhìn của nhân vật Phùng, thái độ cam chịu nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài hay thói vũ phu hung bạo của chồng chị ta được Nguyễn Minh Châu luân phiên đánh giá qua các nhân vật: đứa con trai, đứa con gái, nghệ sĩ nhiếp ảnh, viên chánh án. Mỗi người có một cách phán xét nhưng tất cả lại nông nổi hơn người đàn bà thất học, từng trãi vì bà biết rằng cuộc sống lênh đênh trên sông nước không thể thiếu người đàn ông và đàn bà sống vì con cái chứ không phải vì mình: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn…”. Qua câu chuyện của người đàn bà, ta càng thấy rõ: không thể dễ dãi, đơn giản trong việc nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng của cuộc sống. Nhà văn đã tạo ra được cái nhìn đa chiều khi nhìn nhận sự vật , hiện tượng.

     Từ những góc nhìn này, nhà văn đã tập trung soi vào phần khuất lấp trong ý nghĩ của nhân vật, trong cái phần lặng lẽ để làm sáng lên các phẩm chất mà cảm nhận bình thường không thể thấy được, thậm chí có thể nhìn thấy nhưng không thể cắt nghĩa được. “Con đường khái quát hóa của Nguyễn Minh Châu là phân tích các quan hệ sâu kín của những hiện tượng và tình huống cá biệt để làm nổi bật lên cái đẹp và nội dung phong phú của nó”. (Nguyễn Minh Châu, Con người và tác phẩm, NXB Hội Nhà văn, HN 1991)

5- GIỌNG ĐIỆU VÀ NGÔN NGỮ

    a-Giọng điệu

          “ Quan niệm nghệ thuật về con người gắn với phương tiện nghệ thuật” (Trần Đình Sử, Giáo trình Thi pháp học, TP Hồ Chí Minh, 1993). Nghĩa là khi quan niệm nghệ thuật về con người thay đổi đã kéo theo những thay đổi khác về các biện pháp nghệ thuật, về tư tưởng, thẩm mỹ…

          Trước những năm 80, giọng điệu trong tác phẩm của NMC là giọng văn sử thi trang nghiêm, ngợi ca với hình cảnh tráng lệ hào hùng đã trở thành chủ âm. Và nhân vật bao giờ cũng ở ngôi thứ ba. Đó là những lí do khiến cho hình tượng người kể chuyện bao trùm lên tất cả, thay mặt cho tất cả, nói tiếng nói của tác giả.

          Từ quan điểm thế sự- nhân sinh, trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” nhà văn đã chọn chỗ đứng bình đẳng với nhân vật để cho nhân vật nói thật tiếng nói của mình.Thật khó mà phân biệt được đâu là giọng tác giả, đâu là giọng nhân vật. Nhưng nổi bật lên vẫn là giọng điệu khắc khoải, thâm trầm với những điều nhức nhối trong tâm hồn và suy nghĩ của một tâm hồn bị nỗi đau tinh thần giằng xé. Càng về sau, truyện ngắn của ông có xu hướng đi vào triết lí. Giọng điệu triết lí đó cũng thể hiện rõ ở thiên truyện này. Đoạn miêu tả cảm nhận của Phùng về vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm mờ sương là một ví dụ: “cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại”, anh chiêm nghiệm: “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”, “ tưởng chính mình vừa khám phá cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ chính là cái hạnh phúc của khám phá và sáng tạo, của sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu. Dường như trong hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa giữa trời biển mờ sương, anh đã bắt gặp cái tận Thiện, tận Mĩ, thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên thật trong trẻo, tinh khôi bởi cái đẹp hài hòa, lãng mạn của cuộc đời. Đến phát hiện thứ hai của nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh lại bất ngờ và trớ trêu như trò đùa quái ác của cuộc sống. Phùng đã từng có cái khoảnh khắc cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu vậy mà hóa ra đằng sau cái đẹp “toàn bích” mà anh ta vừa bắt gặp trên mặt biển xa lại chẳng phải là “đạo đức”, chẳng phải là “chân lí của sự toàn thiện”.

    Trong sáng tác, giọng điệu có tác dụng biểu lộ thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả . Nó cũng là yếu tố cần thiết để tạo nên phong cách của nhà văn.

b - Ngôn ngữ

          Nguyễn Minh Châu là người “mải miết với cái Đẹp”, là người “biết say sưa đón lấy mọi vẻ đẹp của đời sống con người…đồng thời rất tinh tế về ngôn ngữ văn học” (Nguyễn Minh Châu, Con người và tác phẩm, NXB Hội Nhà văn, HN 1991).

          Ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn này cũng rất đáng chú ý. Người kể chuyện ở đây là nhân vật Phùng, hay nói đúng hơn, đó là sự hóa thân của tác giả vào nhân vật Phùng. Việc chọn lựa cách kể chuyện như thế đã tạo ra một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, tăng cường khả năng khám phá đời sống của tình huống truyện, lời kể chuyện trở nên khách quan, chân thật, giàu sức thuyết phục. Ngôn ngữ các nhân vật phù hợp với đặc điểm tính cách của từng người: giọng điệu lão đàn ông thật thô bỉ, tàn nhẫn với các từ ngữ đầy vẻ cộc cằn, hung bạo; những lời của người đàn bà thật dịu dàng và xót xa khi nói với con, thật đớn đau và thấu trải lẽ đời  khi nói về thân phận của mình; những lời của Đẩu ở toàn án huyện rõ là giọng điệu của một người tốt bụng, nhiệt thành,… việc sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo như thế đã góp phần khắc sâu thêm chủ đề -  tư tưởng của truyện ngắn.

          Lối ví von, so sánh của ông thường bao giờ cũng phù hợp với đề tài của truyện. Nhà văn sử dụng những hình ảnh, sự vật ngay trong môi trường cảnh quan mà nhân vật sống. Trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, tác giả miêu tả người đàn ông làng chài có “vàng hoe có chỗ đỏ quạch như mớ lưới tơ đã bợt bạt”, cô gái miền biển “cặp mắt thật đen gợi cho tôi nghĩ đến con mắt người ta vẽ lên đầu mũi thuyền”. Vì vậy văn ông rất giàu tính biểu cảm với nhiều hình ảnh biểu trưng, đặc sắc. Ngôn ngữ trong sáng tác của NMC là một thứ ngôn ngữ được tinh lọc và được nuôi dưỡng trong lòng tiếng nói của đời sống nên gần gũi với cuộc sống.

III-PHẦN KẾT LUẬN

     Trên đây là những việc làm của bản thân tôi khi giảng dạy một tác phẩm văn học, giúp cho học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp toát ra từ nội dung và hình thức của tác phẩm. Như vậy, vấn đề đặt ra đối với người giáo viên khi giảng dạy tác phẩm văn học nói chung và truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa nói riêng là làm sao vừa đảm bảo được tính khoa học trong quá trình tiếp nhận tác phẩm, vừa phải phù hợp với trình độ học sinh trung học. Để giải quyết điều này, người dạy phải vận dụng thi pháp học (ở đây là thi pháp hiện đại) để khám phá, lĩnh hội tác phẩm.Vì thi pháp học không cho phép người đọc dựa vào những cảm nhận cá nhân có tính chủ quan, sự suy diễn áp đặt; hạn chế được võ đoán tùy tiện, không chú trọng đúng mức cấu trúc hình tượng nghệ thuật mà áp đặt từ bên ngoài vào khi phân tích tác phẩm.

    Từ mỗi tiết dạy cụ thể, giáo viên cung cấp cho học sinh phương pháp đọc hiểu tác phẩm văn học. Học sinh cũng tự mình hình thành được những kỉ năng đọc hiểu khi tiếp xúc với các văn bản văn học nói chung và những văn bản văn học được học trong chương trình. Các em thực sự được thưởng nếm hương vị  nghệ thuật dựa vào năng lực cảm thụ của chính mình. Sức mạnh của sự hình thành nhân cách và giáo dục ý thức thẩm mĩ văn học chỉ có thể trở thành hiện thực khi chúng ta tạo nên mối quan hệ sáng tạo và tích cực của học sinh với văn học nghệ thuật.

     Nội dung mà tôi vừa trình bày trên trên không mới nhưng nó thực sự cần thiết đối với việc cảm thụ văn học. Vì thế làm đề tài này là tôi mong muốn khi dạy giáo viên chú trọng hơn về phương pháp khai thác văn bản để tiết dạy phát huy hơn về hiệu quả. Với khả năng hạn hẹp, việc trình bày chắc chắn còn nhiều thiếu sót, rất mong sự góp ý và giúp đỡ của quý cấp trên để bản thân tôi giảng dạy ngày càng tốt hơn.

 

                                                                 Mai Lan Hương

 

 

 

Xem bài khác
  • ƯỚC MƠ        (19-05-2012)
  • NÓI VỚI EM        (19-05-2012)
  • Nhớ về tổ ấm        (18-05-2012)
  • Cảm tác        (18-05-2012)
  • Các bài mới đăng
  • Đọc lại truyện ngắn Mùa trái cóc ở Miền Nam của nhà văn Nguyễn Minh Châu với quan điểm nghệ thuật sau 1975        (29-12-2014)
  • Giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm Chí Phèo        (27-11-2014)
  • Cái hay trong bài thơ Biển của Xuân Diệu        (17-10-2014)
  • Hướng dẫn ôn thi TNTHPT 2014 môn ngữ văn        (22-04-2014)
  • Nét tài hoa của nhà thơ Tố Hữu trong nghệ thuật sử dụng cặp đại từ xưng hô “ta” – “mình” ở bài thơ Việt Bắc.        (25-03-2014)
  • Dấu ấn văn hóa lễ hội trong thơ Nguyễn Duy        (13-02-2014)
  • Kí ức tuổi học trò        (17-11-2013)
  • Vài điều về tình huống truyện ngắn trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu        (24-10-2013)
  • Nỗi niềm từ một tập văn        (25-08-2013)
  • Chương trình Truyền hình Quảng Bình về Hoàng Đăng Khoa        (09-05-2013)