Đ/c: Ba Đồn - Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình. Tel: 052.3514658 Email: contact@thpt-so1quangtrach-quangbinh.edu.vn
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Diễn đàn Ý kiến

Trang chủ >> Trang thơ,văn


Giáo viên Ngữ văn ...
06-04-2009

Giáo viên Ngữ văn cần tăng cường vốn ngôn ngữ Hán Việt,

  đặc biệt là thành ngữ - cách ngôn gốc Hán.

                   H.Trưởng - Hoàng Đình Bường

           

Như chúng ta đã biết, ngôn ngữ tiếng Việt được cấu thành bởi rất nhiều từ gốc Hán đọc theo âm Hán Việt. Mặc dù hầu hết đã được Việt hoá, đễ hiểu, thông dụng nhưng vần còn một bộ phận cần được làm rõ nghĩa. Đó là chưa kể phần văn học chữ Hán tồn tại trong tiến trình văn học Việt Nam. Giáo viên phải có vốn từ ngữ Hán Việt cần thiết để đáp ứng với yêu cầu giảng dạy và giao tiếp. Như vậy việc tăng cường vốn từ Hán Việt đối với giáo viên Ngữ văn là điều tất yếu.

            Yêu cầu trên đối với giáo viên Ngữ văn không mấy khó khăn nhưng nếu không quan tâm thì sẽ dẫn đến hiểu lơ mơ, đại khái, kém hiệu quả trong giảng dạy. 5 năm không trực tiếp lên lớp, những vấn đề sau đây nêu ra có thể chưa được lý giải thoả đáng nhưng tôi vẫn mạnh dạn trao đổi mong giúp được một điều gì đó có ích cho CBGV dù rất nhỏ. Trong khuôn khổ bài viết mang tính chất trao đổi, gợi ý, tôi xin nêu vài ví dụ và một cách tiếp cận làm giàu vốn từ ngữ gốc Hán, chủ yếu là thành ngữ - cách ngôn.

            Truyện Kiều, một kiệt tác văn học đồng thời cũng là một kiệt tác ngôn ngữ. Người ta ca ngợi, say mê đọc Kiều, ngâm Kiều, vịnh Kiều…một phần cũng vì điều đó. Cái hay của truyện Kiều về mặt ngôn ngữ thuần Việt ai cũng thừa nhận. Nhưng không dừng lại ở đó, trong truyện Kiều còn có cái hay ở những câu thơ có gốc gác ở những bài thơ chữ Hán, những điển tích, điển cố Trung Quốc.

            - Sông Tương một dải nông sờ

            Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia

            - Trước sau nào thấy bóng người

            Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

            Đọc 2 câu thơ trên, nếu chúng ta không có vốn Hán ngữ và không chịu khó tra cứu nguồn gốc văn bản thì chỉ phân tích trên bề mặt câu chữ mà Nguyễn Du đã viết. Vấn đề đặt ra cho giáo viên ngữ văn không phải dừng lại ở đó mà phải làm rõ lai lịch câu thơ và hiểu thấu đáo gốc gác của nó qua bản chữ Hán:

            - Quân tại Tương giang đầu

            Thiếp tại Tương giang vĩ

            Tương tư bất tương kiến

            Đồng ẩm Tương giang thuỷ

            - Khứ niên kim nhật thử môn trung

            Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

            Nhân diện bất tri hà xứ khứ

            Đào hoa y cựu tiếu đông phong

            Đến đây, có thể khẳng định rằng vốn Hán ngữ rất cần thiết đối với giáo viên ngữ văn trong việc giảng dạy thơ văn chữ Hán và văn học cổ Việt Nam.

Lại nói về tác phẩm văn học cổ. Chinh phụ ngâm là một tác phẩm văn học nguyên bản chữ Hán của Đặng Trần Côn do Đoàn Thị Điểm dịch. Tác phẩm dài, chúng ta không có điều kiện để nghiên cứu tất cả. Ở đây chỉ xin nêu ra một đoạn ở phần đầu tác phẩm:

            - Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

            Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

            …sứ trời sớm giục đường mây

            Phép công là trọng niềm tây sá gì.

 

            Bản dịch như trên được đánh giá là tuyệt hay xưa nay ai cũng chấp nhận. Nhưng nếu chúng ta không soi chiếu với gốc bản chữ Hán của Đặng Trần Côn thì chưa thấy hết  toàn vẹn giá trị của tác phẩm qua phần mở đầu. Trong nguyên bản bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn viết:

Thiên địa phong trần

Hồng nhan đa truân

Du du bỉ thương hề thuỳ tạo nhân

Cổ bề thanh động Trường An nguyệt

Phong hoả ảnh chiếu Cam Toàn vân

Cửu trùng án kiếm khởi dương tịch

Bán dạ phi hịch truyền tướng quân

Thanh bình tam bách niên thiên hạ

Tòng thử nhung y thuộc vũ thần

Sứ tinh thiên môn thôi hữu phát

Hành nhân trọng pháp khinh ly biệt

Rõ ràng, nếu không có vốn Hán ngữ, chúng ta khó có thể giảng dạy tốt bộ phận văn học cổ liên quan đến vấn đề chữ Hán. Không chỉ trong văn học, ở cuộc sống đời thường chữ Hán vẫn còn tồn tại ở các dạng thức thành ngữ - cách ngôn. Gần gũi nhất là trong nhà trường, chẳng hạn như hai câu :

- Tiên học lễ, hậu học văn

- Tôn sư trọng đạo.

Về đại thể, ai cũng có thể hiểu được nội dung hai câu trên nhưng hiểu tường tận, nắm chắc gốc gác nguyên văn chữ Hán thì không phải ai cũng biết. Một lần nữa lại phải cần giáo viên ngữ văn. Có nhiều cách học, sau đây tôi chỉ nêu ra một cách mà bản thân mình đã áp dụng qua nhiều năm và đến bây giờ vẫn thấy có giá trị.

Trước hết phải chịu khó tìm tòi, tra cứu và tập hợp các từ Hán Việt đồng thời nghiên cứu kỹ các văn bản chữ Hán qua bản dịch nghĩa và thơ văn để có được một cái nhìn tổng quát về yêu cầu của một giáo viên đối với việc nghiên cứu học tập nâng cao trình độ Hán ngữ. Bước tiếp theo là tìm cách thu thập, sắp xếp, giải nghĩa các thành ngữ - cách ngôn gốc Hán theo vần a,b,c xếp thành những đoạn có vần điệu na ná như thơ theo kiểu các cụ ngày xưa học chữ Hán:

Thiên - Trời                                                    Tôn - Cháu

Địa - Đất                                                         Lục - Sáu

Cử - Cất                                                          Tam – Ba

Tồn – Còn                                                      Gia – Nhà

Tử - Con                                                         Quốc - Nước

Theo cách như vậy, ta  xếp các thành ngữ - cách ngôn gốc Hán có 2 chữ cái mở đầu là a và b như sau:

Các thành ngữ bắt đầu từ chữ a                     Các thành ngữ bắt đầu từ chữ b

Ái ốc cập ô                                                     Bài binh bố trận

Anh hùng mạt lộ                                             Biệt vô âm tín

Án binh bất động                                            Bách tuế vi kỳ

Lạc nghiệp an cư                                            Bách xuyên quy hải

An bần lạc đạo                                               Bất cộng đái thiên

Ác giã ác báo                                                  Bách niên giai lão

Cứ thế, ngày này qua ngày khác, năm nọ sang năm kia, bằng sự bền bĩ dẻo dai, chúng ta sẽ có một vốn liếng Hán ngữ cần thiết cho việc giảng dạy và gia tiếp trong cuộc sống.



Xem bài khác
  • Một số suy nghĩ...        (04-04-2009)
  • Nghị lực của cô học trò tật nguyền        (28-03-2009)
  • Người thầy đầu tiên        (28-03-2009)
  • Nhật ký Đặng Thùy Trâm ...        (09-02-2009)
  • Các bài mới đăng
  • Đọc lại bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy        (25-09-2026)
  • Cho đi và nhận lại        (29-12-2014)
  • Một chút hoài niệm        (29-12-2014)
  • Bài thơ: Số 1 Quảng Trạch        (27-11-2014)
  • Viết cho em bé mồ côi        (17-10-2014)
  • Chào xuân 2014        (24-01-2014)
  • Bộ đội cụ Hồ biểu tượng cao đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam        (19-12-2013)
  • Lời thú nhận muộn màng.        (22-11-2013)
  • Bà tiên của tôi        (20-11-2013)
  • Bố tôi        (17-11-2013)