Đ/c: Ba Đồn - Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình. Tel: 052.3514658 Email: contact@thpt-so1quangtrach-quangbinh.edu.vn
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Diễn đàn Ý kiến

Trang chủ >> Địa


Câu chuyện nhỏ của tôi
23-11-2012

Câu chuyện nhỏ của tôi

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn soi sáng cuộc đời một giáo viên có hoàn cảnh cá biệt.

           Tôi được sinh ra trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh chống Mỹ. Những căn hầm chữ A luôn phải di chuyển để tránh bom, điều kiện sống khắc nghiệt của chiến trường cùng nhiều lần viêm phổi đã làm cho cô bé- Tôi xưa- ốm yếu, còi cọc và cả đôi mắt khác bạn bè.

Những năm tháng tuổi thơ đi học, tôi được bố mẹ gửi cho các cô nuôi ở một miền quê nghèo khó. Ngày ngày, tôi thường nhìn lên ảnh Bác. Những câu chuyện về Bác và cả ánh mắt trìu mến của Bác đã giúp tôi vượt lên hoàn cảnh phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi.

Ngày tôi bước chân vào cổng trường Đại học là ngày tôi hiểu được câu:”Người không có sức khỏe thì không có gì cả”. Tôi đã đọc nhiều lần những vần thơ trong bài “Mới ra tù, tập leo núi” của Bác để vừa học tập , vừa chăm chỉ tập luyện thể thao để cải tạo sức khỏe. Tôi đã ra trường với danh hiệu là một trong hai sinh viên đứng đầu khóa học.

        Ngày tôi vào nghề là lúc cả nước xóa bỏ cơ chế bao cấp lương tháng giáo viên mới ra trường có lúc chỉ mua đủ 10 kg gạo. Một bộ phận giáo viên lặng lẽ ra đi. Tôi đã ở lại với lí do đơn giản: Bố tôi là con trai một của gia đình nhưng vẫn xung phong đi bộ đội, mẹ tôi đã để lại những năm tháng tuổi thanh xuân nơi chiến trường bom đạn để cứu thương tải đạn và chăm sóc thương binh nặng. Còn tôi? Học cho nhiều chữ nhưng đã làm gì cho Đất nước, cho xã hội này tố đẹp hơn? Cuộc sống khó khăn và bệnh tật thực sự là những thử thách lớn đối với tôi. Tôi luôn luôn  tâm niệm lời Bác dạy: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người” nên “dù khó khăn tới đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt” . Tôi hiểu cái từ ”cao quý” trong nghề dạy học: nếu bạn là một nhà giáo đúng nghĩa, bạn giáo dục thành công bao nhiêu học trò cá biệt là cứu vớt bấy nhiêu gia đình. Bạn góp phần đào tạo những lao động tốt cho đất nước và bạn thực sự là nhà từ thiện cho xã hội.

    Trong cuộc sống khó khăn, tôi nhớ tới một viên gạch hồng, Bác ủ ấm cả mùa đông xứ Pari lạnh giá và thấy mình mạnh mẽ hơn. Tôi đã luôn lấy tấm gương sống thanh đạm, giản dị, tiết kiệm và đầy nghị lực của Bác để rèn luyện mình trở thành một cô giáo dạy giỏi, một cán bộ Đoàn xuất sắc của trường Nam Quảng Trạch. Tôi cũng vinh dự là giáo viên duy nhất của trường được nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT về công tác bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên PTTH.

        Tôi nhớ lần dự thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, một vị giám khảo đã chất vấn tôi; “Cô suy nghĩ gì khi sử dụng một tấm bản đồ Thái Lan vẽ tay rất cũ làm dụng cụ trực quan? Tôi đã dự giờ dạy thi từ đầu đến cuối tỉnh ai cũng làm mới đồ dùng dạy học”. Tôi đã trả lời: “Bác Hồ dạy chúng ta luôn phải tiết kiệm, ngay cả manh chiếu nằm rách rồi mà Bác vẫn vá để dùng đó thôi”. Và tôi đã vượt qua kỳ thi để trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

        Tôi nhớ lần đầu ra Hà Nội chữa bệnh, tôi được đến thăm bảo tàng Hồ Chí Minh, đến khu nhà sàn Bác ở. Tôi rưng rưng cảm động khi nhìn thấy: đôi dép cao su, bộ quần áo kaki đã cũ và những vật dụng thường nhật của Bác. Với tôi, cuộc đời giản dị của Bác vừa là tấm gương vừa là nguồn động viên lớn. Bởi cơ chế thị trường đầy những cám dỗ, cuộc sống của một cô giáo mắc bệnh hiểm nghèo thật chẳng dễ dàng gì.Tôi đã phải sống thật tiết kiệm mới đủ thuốc thang chống chọi với bệnh tật và giữ mình “đói cho sạch, rách cho thơm”. Tôi dã luôn phấn đấu đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng lớp học thân thiện và trung thực trong kiểm tra đánh giá. Tôi đã dạy cho học sinh của tôi những kiến thức địa lí, những kĩ năng sống. Tôi đã luôn thắp lên cho các em ngọn lửa của niềm say mê, lòng nhiệt tình và ý chí vươn lên để thành đạt trong tương lai.

        Tự đáy lòng mình, con xin cảm ơn Bác, vì dù đã đi xa nhưng tình yêu của Bác còn ở lại và tấm gương đạo đức của Bác còn sáng mãi trong lòng nhà giáo chúng con.

 

                                                Trần Thị Thương

                                                    Tổ: Địa lý

Xem bài khác
  • Một vài suy nghĩ về công tác chủ nhiệm lớp        (02-11-2012)
  • Phong trào thi đua dạy tốt - học tốt        (26-10-2012)
  • Xây dựng và sử dụng sơ đồ ...        (20-05-2012)
  • Nâng cao hiệu quả sử dụng bản đồ ...        (04-11-2011)
  • Các bài mới đăng
  • Lòng đất nước ta        (23-11-2014)
  • Tích hợp kiến thức địa lý Quảng Bình vào bài giảng lớp 10        (05-11-2014)
  • Rèn luyện kỹ năng sử dụng Atlat cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy học bộ môn Địa lý tại trường THPT        (25-03-2014)
  • Các biện pháp để tăng cường liên hệ thực tế trong dạy học địa lý THPT đạt hiệu quả        (19-12-2013)
  • Bão nhiệt đới        (14-11-2013)
  • Sử dụng kênh truyền hình trong dạy học địa lý 12        (26-10-2013)
  • Kinh nghiệm trong dạy kỹ năng sống cho học sinh qua bộ môn địa lý 11        (21-10-2013)
  • Câu chuyện nhỏ của tôi        (23-11-2012)
  • Một vài suy nghĩ về công tác chủ nhiệm lớp        (02-11-2012)
  • Phong trào thi đua dạy tốt - học tốt        (26-10-2012)