Đ/c: Ba Đồn - Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình. Tel: 052.3514658 Email: contact@thpt-so1quangtrach-quangbinh.edu.vn
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Diễn đàn Ý kiến

Trang chủ >> Trang thơ,văn


Đọc lại bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy
25-09-2026

Đọc lại bài thơ “Đò Lèn” của Nguyễn Duy

Trước đây, khi ngẫm đến với các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Duy như “Tre xanh”, “Ánh trăng” hay “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, tôi cứ cảm giác như có một cái gì đó hao hao giống nhau, có lẽ là do âm điệu gần gũi, nhẹ nhàng, trầm lắng. Nhưng sau này, khi gặp lại Nguyễn Duy với bài thơ “Đò Lèn” trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 (ở phần đọc thêm) thì tôi nhận ra ngay một điều khác biệt. Cũng là thứ âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng thế giới trong thơ không chỉ trong suốt một màu mà cảm xúc trong bài thơ khá phức tạp với những lớp kí ức tuổi thơ và thực tại,  hư và thực,  cuộc sống và tâm trạng, hôm qua và hôm nay, hữu hạn và vô cùng, cõi người và cõi Phật..v..v.. Nó được cấu tứ trên hai phương diện, hai hệ thống hình ảnh tương phản.

Hệ thống thứ nhất là không gian hư ảo, huyền hoặc, chập chờn trong nghi ngút khói hương. Trong hai khổ thơ đầu là tuổi thơ hồn nhiên, đẹp nhẹ nhàng của nhân vật tôi, tức tác giả. Cả tuổi thơ ngụp lặn trong miên man những tượng Phật, chùa Trần, đền Cây Thị hay lễ đền Sòng. Không phải chỉ đến chơi, bày những trò tinh nghịch như bao đứa trẻ khác, nhà thơ tương lai của chúng ta còn bị cái chất hư ảo, huyền diệu của nó ngấm sâu vào tiềm thức:

“Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm

Điệu hát Văn lảo đảo bóng cô đồng”.

          Hệ thống thứ hai là một không gian thực tại lam lũ, cơ cực của hình ảnh bà ngoại:

“Bà mò cua xúc tép ở đồng Quan

Bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn”.

Đọc lên, thấy dáng dấp, thân phận sao cứ giông giống như “thập loại chúng sinh” trong thơ của đại thi hào Nguyễn Du thuở nào?

Vậy là, trong kí ức tác giả có hai thế giới khác nhau. Một thế giới của Tiên, Phật, thánh thần và một thế giới của trần tục, của thực tại, của bà ngoại tháng ngày lặn lội với nỗi lo cơm áo. Hai hình ảnh này đan xen lẫn nhau trong không gian tuổi thơ nơi làng quê hiền lành, xa ngái, vừa cụ thể, vừa sinh động lại vừa vô tư:

“Tôi trong suốt giữa hai bờ hư thực

Giữa bà tôi và Tiên Phật, thánh thần

Cái năm đói củ dong riềng luộc sượng

Cứ nghe thơm mùi hệ trắng, hương trầm”.

Ở đây chúng ta thấy một nghịch lý: Trong khi đói khát, lép cả ruột gan, phải nuốt cả miếng khoai (dong, riềng) hãy còn luộc chưa chín, hãy còn sượng, để khỏi cồn cào, khỏi hoa mắt…vậy mà đầu óc vẫn lảng vảng đâu đó “mùi huệ trắng, hương trầm”…nghĩ mà thấy tội, thấy thương. Thêm một thực tế nữa, cuộc chiến tranh tàn khốc ập đến, làm cho:

“Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết

Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”…

Thực tế quá lớn. Cái màn sương khói, thánh thần hư ảo bao bọc bấy lâu nay trong tiềm thức bỗng đột nhiên tan biến. Con người phải đối diện với một thực tế trần trụi, phũ phàng đó là cuộc mưu sinh nhọc nhằn, vất vưởng, bấp bênh và những đe doạ luôn rình rập.

Rồi thời gian và sự trưởng thành đã làm cho anh lính- nhà thơ dần dần nhận ra:

“Khi tôi biết thương bà thì đã muộn

Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”…

Bài thơ dừng lại trong khi mạch suy nghĩ, mạch cảm xúc đang dâng trào. Kết thúc nhưng lại có sức lan tỏa cho người đọc sự suy nghĩ, tiếc nuối. Nếu như đây là một câu chuyện của tuổi thơ thì nó lấp lánh những kí ức hồn nhiên, đẹp đẽ. Nhưng nếu đây là câu chuyện của một kiếp người thì đằng sau nó là dằng dặc những nỗi niềm của cõi nhân sinh…



 

Đinh Hữu Ngọc- Giáo viên tổ Ngữ Văn

Trường THPT Lương Thế Vinh.

Xem bài khác
  • Cho đi và nhận lại        (29-12-2014)
  • Một chút hoài niệm        (29-12-2014)
  • Bài thơ: Số 1 Quảng Trạch        (27-11-2014)
  • Viết cho em bé mồ côi        (17-10-2014)
  • Các bài mới đăng
  • Đọc lại bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy        (25-09-2026)
  • Cho đi và nhận lại        (29-12-2014)
  • Một chút hoài niệm        (29-12-2014)
  • Bài thơ: Số 1 Quảng Trạch        (27-11-2014)
  • Viết cho em bé mồ côi        (17-10-2014)
  • Chào xuân 2014        (24-01-2014)
  • Bộ đội cụ Hồ biểu tượng cao đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam        (19-12-2013)
  • Lời thú nhận muộn màng.        (22-11-2013)
  • Bà tiên của tôi        (20-11-2013)
  • Bố tôi        (17-11-2013)