Phê bình trẻ:Tồn tại hay không tồn tại
20-09-2011
PHÊ BÌNH TRẺ: TỒN TẠI HAY KHÔNG TỒN TẠI?
(Tham luận tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII)
Hoàng
Đăng Khoa
Văn
học tồn tại trong tiếp nhận, cũng tức là trong phê bình, bởi phê bình là hình
thức tiếp nhận cao nhất, tích cực nhất, tự giác nhất. Nhà phê bình [chính danh]
được coi là "người đọc lý tưởng", "siêu độc giả". Làm nên
sự giàu có [cả về số lượng và chất lượng] của một nền văn học không chỉ bởi sự
giàu có của sáng tác, mà còn bởi sự giàu có của phê bình. Đỗ Lai Thúy quả
quyết: "Một nền văn
học mà vắng các nhà phê bình là một nền văn học chết".
Văn
học trẻ Việt đang là một vấn đề thời sự. Để đời sống văn học trẻ vận động theo
hướng tích cực nhất, chuyên nghiệp nhất, không thể thiếu vai trò của các nhà
phê bình nói chung, các tác giả phê bình trẻ nói riêng.
Điểm danh lực lượng
Nhiều người tỏ ra bi quan
cho cái gọi là đội ngũ phê bình trẻ đương đại khi đưa ra các phản mỹ từ như
"khủng hoảng", "vắng bóng", "thiếu và yếu"… Tôi
thì lại đủ lạc quan để nói rằng, văn đàn Việt Nam đang hiện diện một lực lượng
tác giả phê bình trẻ khá - đông - và - mạnh. Đó là những Phùng Gia Thế, Đoàn
Cầm Thi, Cao Việt Dũng, Trần Ngọc Hiếu, Hoài Nam, Đoàn Ánh Dương, Trần Thiện
Khanh, Đoàn Minh Tâm, Phạm Xuân Thạch, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Mạnh Tiến, Hoàng Đăng
Khoa, Lê Thiếu Nhơn, Hoàng Thụy Anh, Nhã Thuyên, Nguyễn Văn Thuấn, Ngô Hương
Giang, Nguyễn Anh Dân, Mai Anh Tuấn, Thái Phan Vàng Anh, Trần Tố Loan, Miên
Di,… Họ là những tiến sĩ, nghiên cứu sinh, thạc sĩ trẻ, đang thực hành các vai
trò như dịch giả, nghiên cứu viên, giảng viên, phóng viên, biên tập viên, sáng
tác ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tòa soạn lớn. Bằng cảm thức
đương đại, họ dấn thân vào đời sống văn học đa nguyên, tìm gặp và giải phẫu các
đối tượng mình đặc biệt quan tâm bằng bút pháp của hứng khởi.
Phê bình trẻ có thể làm
được gì?
Đành rằng, người đọc ngày
nay đủ/thừa thông minh khi thực hành sự đọc; đành rằng cái nào văn chương thì tự
tin sống, cái nào ngụy văn chương thì èo uột chết yểu; và đành rằng tác giả phê
bình trẻ cũng chỉ là một - người - đọc - trẻ, đầy chủ quan và giới hạn; nhưng
không thể vì thế mà có thể cực đoan tuyên cáo: cái chết của phê bình trẻ. Bởi
các lẽ:
Thứ
nhất, chưa bao giờ đời sống văn thơ trẻ lại xôm trò như bây giờ. Một nữ ca sỹ
có thể góp mặt dễ như chơi trong làng tiểu thuyết khi viết tự truyện gây shock.
Rồi thơ nói bộ, thơ nói toạc, thơ nói tục chửi thề, thơ nghĩ sao viết nấy, thơ
thích viết thế nào viết thế ấy, thơ không cần chữ, thơ không cần nghĩa… bùng
phát dưới những mỹ danh, tân danh như tân hình thức, hậu hiện đại, nữ quyền
luận, ngôn ngữ cơ thể, dòng chữ, duy ngữ, vụt hiện, tự động, con âm, thị giác,
sắp đặt, trình diễn… hừng hực [nhiều khi nhân danh] cách tân, tuyên chiến [với
cái cũ, với "trung tâm", với chính trị]. Trước ma trận này, chắc hẳn
một bộ phận người đọc hoang mang, khó phân biệt vàng-thau, vàng thật-giả kim, văn
học-ngụy văn học, khó nhận diện đâu là tác giả có ý thức cách tân nghiêm túc,
đâu là kẻ liều lĩnh, phá bỉnh, thừa cơ ăn theo. Đây là lúc đòi hỏi phê bình trẻ
nhập cuộc, chí ít là cũng nhằm rung chuông, bật đèn vàng đối với những người
viết nào thừa thắng xông lên cùng hiệu ứng nhất thời của những trò lố PR, coi
thường độc giả.
Thứ
hai, văn thơ trẻ Việt đang nỗ lực thay lớp áo đã cũ/chật của mình bằng cách vừa
phát huy nội lực, vịn vào mạch nguồn truyền thống, vừa cởi mở tiếp biến các giá
trị văn học mới trong một "thế giới phẳng". Trên hành trình tìm tòi,
thể nghiệm, bước đầu, trong một chừng mực nhất định, đã có những thành tựu kết
tinh. "Cái mới, cái mở đường thường là cái chưa phổ biến, không phải ai
cũng tiếp nhận dễ dàng" (Lã Nguyên). Những khi cái thước cũ phê bình "già"
đo khập khiễng những giá trị mới, dẫn đến văn thơ trẻ bị lớn tiếng phủ định
sạch trơn, thì phê bình trẻ phải vào cuộc để bảo vệ, bênh vực, khẳng định và
gọi tên những hạt giống mới, lạ, giàu hàm lượng tính nghệ thuật, có giá trị
khơi mở, có sức tạo trường ảnh hưởng của thế hệ mình. Chúng ta thấy rõ vai trò "hướng
đạo" của phê bình đối với tiếp nhận qua hồi âm của một bạn đọc về bài phê
bình của Nguyễn Việt Chiến: "Bài phê
bình mang tính khai sáng cho những ai còn biết ít, đọc ít về thơ cách tân, như
tôi chẳng hạn. Trước, tôi cứ nghĩ thơ cách tân là khùng khùng gàn gàn, ngông
ngông, băm chặt, thia lia, tung tóe, lung tung xoè… Bài viết này mang đến cho
độc giả những hiểu biết rất hay về thơ cách tân. Cảm ơn tác giả bài viết"
[1]. Lời cảm ơn sau đây của bạn đọc Huỳnh Văn Thống về bài giới
thiệu thơ Lê Vĩnh Tài của Nguyễn Việt Chiến cũng minh chứng thêm vai trò của
phê bình trong việc đưa công chúng gần lại và
mở rộng tầm nhìn với thơ, nhất là những dạng thơ tìm tòi cách tân: "Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Chỉ cần
một đoạn văn ngắn ấy thôi, với tôi, anh đã trở thành người dẫn đường và với Lê
Vĩnh Tài, tôi đã là người bạn… tuy vẫn còn bỡ ngỡ sơ giao" [2].
Và bản thân tôi cũng đã bất ngờ thú vị, hoàn toàn bị Trần Ngọc Hiếu thuyết phục
khi anh công phu giải phẫu "thơ hình ảnh" của Tam Lệ, thơ "chữ
cái" của Từ Huy, "thơ ngoài lời" của Dương Tường [3]
(trước đó tôi cứ đinh ninh tưởng rằng thơ phải là sự ngân rung của một trạng
huống cảm xúc, được vật chất hóa bằng những dòng ngôn từ nghệ thuật giàu nhạc
điệu). Khi chưa bao giờ như bây giờ, tính chất "đa nguyên",
"giải trung tâm" về văn hóa, văn học và thẩm mĩ càng phát triển, cộng
đồng người đọc càng phân hóa sâu sắc và mãnh liệt, thì người phê bình trẻ càng cần
thiết thể hiện dứt khoát, rõ ràng, công khai chính kiến của mình và biết cách
tự bênh vực cho chính kiến đó. Bởi nói như Nguyễn Hưng Quốc, có những thành tựu
chỉ có thể nhìn ra được một khi người ta nâng tầm nhìn, đổi góc nhìn, hướng
nhìn.
Thứ ba, văn học Việt đang
"lạm phát" chính bản thân cái gọi là phê bình. Trong "cuộc sống số" ngày nay, chỉ cần
vào Google gõ tên tác phẩm được dư luận quan tâm chẳng hạn, thì ngay lập tức,
tác phẩm đó sẽ hiện ra quy tụ lăng kính phê bình dưới mọi hình thức. Từ các bài
nghiên cứu - phê bình dung lượng hoành tráng đến các bài điểm sách, thông cáo
báo chí, bài giới thiệu đến các tản mạn cảm luận cá nhân trên các blog, comments.
Từ các bài phê bình giàu hàm lượng tính chuyên môn khoa học, tính biện chứng khách quan đến các bài phê
bình chỉ có giá trị thương mại, phê bình cánh hẩu [nhờ vả, thù tạc, bốc thơm,
vùi dập…]. Đối diện với loạt bài phê bình cùng một đối tượng nhưng phân hóa dữ
dội thành hai thái cực: khen nghi ngút và phủ định sạch trơn, một bộ phận người
đọc dễ bị nhiễu, hoang mang, lạc hướng. Lúc này rất cần sự lên tiếng của những
nhà phê bình trẻ am tường lĩnh vực của mình để có thể đưa ra sự thẩm định một cách
công tâm và giàu sức thuyết phục nhất, cung cấp một góc nhìn, hướng nhìn, một hệ
lý thuyết làm quy chiếu để người đọc tham khảo trong quá trình tiếp nhận.
Bắt mạch phê bình trẻ
- Những kiểu "tuy nhiên" chiếu lệ, nghèo sức thuyết phục. Đại
loại: sáng tác trẻ "còn thiếu hơi thở thời đại", hay nói bóng bẩy,
hình tượng như Lê Vĩnh Tài thì tác giả trẻ "viết cho chính những ngõ hẻm
nhỏ của tâm hồn mình nhiều quá mà không té lên té xuống trên ngõ ngách lầy lội
PMU18 của cuộc đời này". Theo tôi, văn học đích thực trước sau vẫn tràn ra
từ thẳm sâu những cái tôi thấm đẫm đời, thấm đẫm cảm thức đương đại. Không phải
chỉ khi nào nhà văn trẻ thay nhà báo, nhà làm phim lao vào những điểm nóng như
PMU18, bô-xít Tây Nguyên, Vinasin, biển đảo, vàng bão giá… để “đại tự sự” thì
tác phẩm của họ mới mang "hơi thở thời đại", và họ mới hoàn thành
"trách nhiệm xã hội" của mình. Thân kiếp những người đàn bà nông thôn
nơi truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư; cơn bất an, rỗng rượi, hoang hoải, lạc loài của
một bộ phận giới trẻ thành thị trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú… chẳng lẽ lại
không hôi hổi tính thời sự? "Trách nhiệm xã hội" của nhà văn trẻ, tôi
nghĩ, đơn giản chỉ là anh ta phải viết được những tác - phẩm - tử - tế theo
cách của người trẻ để khách tri âm có thể tạm trú linh hồn đôi lúc đôi khi, thế
thôi.
- Đằng nào cũng nói được. Ví dụ, tả sex trực diện như nó vốn thế thì
bảo là viết nhầy nhụa, thô thiển, tự nhiên chủ nghĩa, phản cảm; tìm tòi cách
diễn đạt hình tượng, gợi chứ không tả thì lại bảo là viết dè dặt.
- Không chịu nhìn gần. Chẳng hạn, những người phê bình trẻ miền Trung
dường như quên một phần "trách nhiệm xã hội" của mình là phát hiện,
giới thiệu, quảng bá những sáng tác trẻ miền Trung. Hay như một vài tác giả lại
cố chứng tỏ mình cao tầm bằng cách trình ra những bài viết dông dài, luận bàn
về thứ lý thuyết khô cứng, câu sai ngữ pháp, sai logic ngữ nghĩa, rối rắm, mù
mờ, người đọc "hiểu chết liền". Có nhiều người lại định kiến, đánh
giá thấp nên không đọc, không bao quát được sáng tác của những người cùng thế
hệ trong nước.
- Bác nhưng không uyên. Người phê bình trẻ nhiều lúc ôm đồm, phô
trương; họ đọc nhiều, biết rộng nhưng chưa mấy người lựa chọn cho mình một lĩnh
vực để chuyên sâu, tạo dựng được thương hiệu theo kiểu các nhà phê bình thế hệ
trước, ví dụ Trần Đăng Khoa với phê bình chân dung, Đỗ Lai Thúy với phê bình
phân tâm học…
Một vài đề xuất
- Ban Lý luận - Phê bình,
Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam phải tập hợp, quy tụ, điểm danh đội
ngũ phê bình trẻ dưới nhiều hình thức, tránh quan liêu mặc định một vài cái tên
mà bỏ sót những người có đóng góp nhất định đang hành nghiệp ở các vùng miền xa
trung tâm. Cần có động thái tích cực tiếp lửa, để các tác giả phê bình trẻ "kiên
định" dấn thân cô đơn trong sự đọc, sự viết.
- Các diễn đàn chính
thống trong nước cần mở rộng "đất" cho phê bình trẻ; Hội Nhà văn sớm cho
ra đời tạp chí Phê bình văn học nhằm hạn chế hiện tượng "chảy máu"
khi phê bình trẻ phải tìm đến các trang văn học điện tử ở hải ngoại để hiện
diện.
- Nâng cao chất lượng các
bài phê bình trên các tờ báo, tạp chí chuyên ngành bằng cách cải tổ lại bộ phận
biên tập viên phụ trách mảng phê bình; thay thế những người "ngồi nhầm
chỗ" bằng những người trẻ đủ tầm, đủ tâm, nói không với các kiểu loại tiêu
cực trong chọn đăng bài, trong đó những năm gần đây báo động có thêm kiểu đăng
nhờ, đăng giúp "cháu nó cần có một bài báo để hoàn thiện bộ hồ sơ xét
tuyển nghiên cứu sinh", "em nó cần thêm bài báo này nữa để đủ điểm
cộng cho mùa bảo vệ luận án"… Cần thay thế những bài viết tư duy mòn cũ,
tâm thế định kiến, kiến văn lỗ mỗ, thiếu cảm thức đương đại bằng những bài phê bình
trẻ giàu sức lay động, truyền cảm, soi sáng và thức tỉnh để dần lấy lại thiện
cảm của người đọc đối với cái gọi là phê bình.
- Trăm nghe không bằng
một thấy. Sau Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, các ban chức năng
nên rộng đường mời gọi các tác giả gửi bài viết tâm đắc để xuất bản một đầu
sách đặc tuyển phê bình trẻ và đăng đàn những phản hồi dư luận. Đó là động thái
có sức thuyết phục nhất để khẳng định cái sự đang tồn tại, nên tồn tại của phê
bình trẻ./.
H.Đ.K
[1], [2], [3] Bạn đọc có thể vào Google gõ từ khóa để xem.