ĐỒNG HỚI KHÚC HUYỀN TƯỞNG
06-04-2011
ĐỒNG HỚI - KHÚC
HUYỀN TƯỞNG
VÀI CẢM NHẬN
(Bài tham luận tại hội
thảo “Trường ca Đồng Hới – khúc huyền
tưởng của Thái Hải” do UBND TP. Đồng Hới
phối hợp với Hội VHNT Quảng Bình tổ chức ngày 11-5-2010)
Hoàng Đăng Khoa
1. Làm nên
tính chất "tầm cỡ" của thể loại trường ca là ở "dung lượng cảm
hứng", "quy mô cảm xúc". Đồng
Hới - khúc huyền tưởng là sự tổng kết những được mất mà thành phố đã đi qua:
"Phố trên bàn tay trắng/ Phố trên
đôi chân trần/ Phố thân cây máu ứa/ Phố rũ bùn thanh tân"; phố "Thấm mạch nguồn cho bời bời cây quả/ Cho vĩnh hằng bình yên"; phố "...phì nhiêu nhân nghĩa/ nên tiếng
cười muôn thuở phổng phao"; phố "Khoảng
trời vuông bao đời vẫn thế/ Lọc nắng tươi cho đất vẹn nguyên màu"; "Bao
thế hệ đi không hết phố/ Để cuộc đời mãi còn mắc nợ"... Tác phẩm đã kết hợp nhuần nhuyễn nhiều
hình thức phát ngôn, nhiều giọng điệu, nhiều cách cảm hứng, nhiều chủ đề với sự
tuôn chảy ồ ạt của nguồn mạch cảm xúc mãnh liệt đến dữ dội. Đọc Đồng Hới - khúc huyền tưởng, người đọc
bị thuyết phục trước hết bởi nguồn mạch cảm xúc cao độ được tác giả nuôi dưỡng
lâu bền, dài hơi, "ủ men và bốc lên" qua từng đoạn, từng chương nối
tiếp nhau, mảng này khơi gợi dẫn dắt cho mảng kia trong một thời gian dài với
nội dung phản ánh đa diện, với một trí tưởng tượng đa chiều và một trí tuệ, một
sự lịch lãm văn hóa xuyên suốt trong quá trình sáng tạo. Cảm xúc trào dâng của
tác giả đã ám dụ người đọc lần theo mạch trường ca. Mỗi chương của trường ca này
đều có số thứ tự và nhan đề riêng nhưng được nối mạch cảm xúc rất chặt chẽ,
không bộc lộ bất kỳ một sự chắp vá nào. Đọc tác phẩm, ta có cảm giác như Thái Hải
viết nó liền một mạch chứ không có thời gian dừng lại. Vì vậy, cái hay của trường
ca này không phải chỉ ở những đoạn thơ, những câu thơ đơn lẻ mà là cái hay của
cả một chỉnh thể cấu trúc. Đồng Hới - khúc
huyền tưởng sử dụng nhiều những ngôn ngữ ca dao, tục ngữ, thành ngữ, ngôn
ngữ của đời sống dân gian với giọng điệu đậm đà khí chất Quảng Bình; cho nên có
lẽ chúng ta không cần thiết phải liệt ra những câu thơ tài hoa, những câu chữ
độc sáng (mặc dù rất dễ dàng liệt ra) mà tác phẩm phải được cảm nhận trong
trường cảm xúc, trong những suy tư, ngẫm nghĩ. Cái "tâm thơ" (chữ
dùng của Thu Bồn) của Thái Hải bàng bạc trên từng trang sách trường ca.
2. Đồng Hới - khúc huyền tưởng đã bắt kịp
nhịp vận động và phát triển của trường ca hiện đại, ở xu hướng nguyên tắc trữ
tình lấn át nguyên tắc tự sự, trữ tình hóa yếu tố tự sự, cái tôi của nhà thơ
chi phối mạch chảy của trường ca. Mai Bá Ấn nhận định: "Đọc trường ca lâu
nay, chúng ta dễ nhận thấy hiện tượng phổ biến là: "cái tôi" trong
trường ca đã phải thoát ra để "không phải là tôi" nhằm thực hiện chức
năng phản ánh khách quan hiện thực lớn mang tính sử thi, cho nên, đôi lúc nó là
"ta", "chúng ta", hoặc giấu "tôi" đi để mang lại
không khí khách quan cho sự kiện lịch sử được phản ánh" [1, tr. 33]. Ở Đồng Hới - khúc huyền tưởng thì không
như thế, hằn in hình tượng cái tôi trữ tình tác giả trên phông nền hình tượng tập
thể nhân dân đồng bào Đồng Hới - những số phận gánh chịu và làm nên lịch sử,
thăng trầm cùng Đồng Hới. Cái tôi trữ tình vừa "lặn sâu vào đất" Đồng Hới, vừa ngụp vào "dòng sông tuổi thơ" của mình để "lật trở không gian ký ức",
đào xới những kỷ niệm "trầm tích"
"đeo đẳng" "tắm táp đời người" "chảy suốt cuộc đời"...
vừa mong chạm được "lời của
đất", chạm được "linh khí
đất trời", "nết đất nết người", chạm được "hồn vía phố"; vừa mong tìm nhặt được
"bóng mình ngày xưa". Vì
vậy, Đồng Hới - khúc huyền tưởng cũng
đồng thời là cuốn biên niên ký của cái tôi trữ tình tác giả. Gương mặt cái tôi
trữ tình luôn bện quyện, soi chiếu, cộng hưởng cùng gương mặt của đất và người
Đồng Hới. Đây là một cái tôi với những liên tưởng lạ và ngộ: "Đèn hoa đăng kín sông kín bến/ Nến vật
vờ nhỏ giọt thâu đêm/ Nhấp nháy mắt người, mắt nến"; "Chén nước mắm
chắt từ mắt biển"; "Giọng đàn ông sóng vỡ/ Mà lành như hến ngày mùa";
"Ông từ quét lá/ Chòm râu như mái đình cong/ Chiếc mũ lợp ngói vảy
rồng"; "Nhật Lệ giọt mắt ngày
dài thảm lụa/ Quanh co đỏng đảnh vắt lên làng"; "Chiều ngoại ô sau
lũy tre làng/ Khói trắng lang thang vào phố"; "Làng nép cửa sông/ Úp
lên cát những mái nhà hình mắt lá khô cong"; "Đầu súng treo lá ngụy
trang như cây nêu đuổi tà ma ngày tết"; "Phố núi gập ghềnh đá/ Cá khe
quẫy đuôi như gặp bạn thân/ Cua cáy cởi trần/ Lơ láo kiếm mồi không biết có
người ngắm trộm"... Đây là một cái tôi phong tình: "Tôi buộc tôi vào góc phố/ Nơi gót chân
thiếu nữ mong manh/ Dạo bước bên hồ thành cổ/ Sau vòm liễu rũ mướt xanh";
"Con gái thôn quê gánh hàng hoa ra chợ/ Để lại đuôi mắt bên đường/ Nụ cười
trên cỏ/ Eo lưng/ Nắng hiện"... Đây là một cái tôi rộng mở, phóng
khoáng, thả mặc hồn giao hòa cùng thiên nhiên tạo vật: "Đêm lạc lối/ Theo gió/ Tôi kiếm tìm ngôi sao xanh trên ngọn nồm
khuya"; "Đêm mùa hạ nhà nghèo mở toang hết cửa/ Đón nồm lên/ Ủ giấc
mơ lành"... Đây là một cái tôi nồng hậu: "Người lớn uống rượu chén mắt trâu/ Con nít nhường nhau bánh lá/
Chén mắt trâu uống bao nhiêu để chùa chiền nghiêng ngả/ Bánh lá mỏng tang cho,
nhận tấm lòng thơm"... Đây là một cái tôi "thao thức", hoài
cảm: "Tôi nhè nhẹ trên nền đất ông
cha/ Nhớ nôn nao bóng ngô đồng lối nhỏ/ Nhớ bước chân lò cò đêm trăng lộng gió/
Giàn đồng ca líu ríu tiếng chim non"; "Tôi bới tìm nền nhà mòn vẹt
móng tay/ Kỷ niệm còn lại viên bi bỏ quên đêm sơ tán/ Chiếc bể cạn cha xây ngày
con sinh 1.9.5.2 vỡ rạn/ Chẳng còn giọt nước nào để tôi soi lại phố xưa";
"Ly rượu cụng vào đêm/ Ta chạm hồn vía phố"... Đây là một cái tôi
luôn dừng lại chọc xoáy vào những gì tồn tại hiển nhiên, đã được mặc định để
đưa ra những chiêm nghiệm bất ngờ, vừa tinh tế vừa tinh quái: "Gió đẩy ngọn nồm lên chợ/ Tiệm bạc,
tiệm vàng phập phồng hơi thở/ Nơi của hồi môn/ Vắt ra từ mồ hôi và máu/ Trao qua
đổi lại trong không gian lạnh/ Cái nhìn chẳng hề ngờ vực của người bán người
mua/ Ông thợ kim hoàn nheo mắt tìm thực hư sau ánh lửa"... Đây là một cái
tôi triết lý: "Lời của cây là
quả"; "Cuộc sống làm con người thay đổi là chuyện thường/ Đến mức
đánh mất mình là không thể/ Như gió biển không thể là gió núi/ Rừng đại ngàn
không thể cỏ trong vườn"; "Đời là cuộc chơi không có thấp cao/ Chỉ có
hai đầu thiên đàng - địa ngục"...
Làm nên vẻ hiện
đại của trường ca Đồng Hới - khúc huyền
tưởng còn là bởi sự song hành, đan xen của nhiều thể thơ. Các thể thơ 4
chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, lục bát, thơ mới, thơ tự do, thơ văn xuôi với
tỉ lệ đậm nhạt khác nhau đã làm cho hiện thực và con người trong tác phẩm trở
nên sinh động, hấp dẫn. Việc tác giả vận dụng đa dạng và sáng tạo các thể thơ
từ truyền thống đến hiện đại đã khiến trường ca có khả năng bao chứa hiện thực
trong sự tuôn chảy ồ ạt của những cảm xúc lớn... Chính yêu cầu tái hiện cho
được hiện thực mang tính sử thi đã khiến tác giả phải tích hợp trong trường ca
nhiều kiểu, nhiều dạng cấu trúc khác nhau nhằm thực hiện tốt chức năng thể loại
trước yêu cầu phản ánh hiện thực. Sự đa dạng trong ngôn ngữ, giọng điệu thơ
cũng tạo nên tính phức hợp của một chỉnh thể nghệ thuật độc đáo được biểu hiện
trên bề mặt hình thức của trường ca, chắt lọc nhiều giọng nói, kiểu nói: lúc tự
sự, lúc trữ tình; lúc buông thả bằng những câu thơ rậm rịt chữ nghĩa, lúc dồn
nén ý tưởng trong bước thơ đầy khoảng trắng... đã khiến cho trường ca của Thái
Hải tiệm cận cùng thơ hiện đại. Đồng Hới -
khúc huyền tưởng là một kiến trúc hoàn hảo, có đủ khả năng hiện thực và trữ
tình để phản ánh đất và người Đồng Hới. Ngôn ngữ và hình ảnh thơ trong tác phẩm
thoát khỏi lối diễn đạt trong thơ trữ tình để tự chuyển hóa và nâng mình lên để
mang một vẻ đẹp riêng, một nét duyên riêng.
3. Đồng Hới - khúc huyền tưởng quả là một
đột phá trong mảng văn học về đề tài Đồng Hới nói riêng, Quảng Bình nói chung. Mượn
cách nói của Thanh Thảo, chúng ta có thể lý giải sự ra đời của trường ca này
bằng "vô thức tập thể", bằng sự chuyển động âm thầm của "vô thức
tập thể", mà Thái Hải, với ăng-ten nhạy cảm của mình, đã bắt được sóng của
nó, và đã có sự tự thôi thúc bên trong muốn thể hiện nó dưới một hình thức
tương xứng, nghĩa là hoành tráng. Thái Hải chính là người đã hát lên sự thực,
hát hộ cho bao nhiêu người có tên và không tên đã làm nên Đồng Hới. "Sức
mạnh của một trường ca là ở sự thật mà nó kể lại, mà nó hát lên. Sức mạnh ấy
lại nằm ẩn sau từng con chữ, trong từng câu thơ, và nằm bàng bạc trong cả cấu
trúc trường ca" [2, tr. 50]. Đồng Hới
- khúc huyền tưởng là những mảng ký ức, là những trải nghiệm, chiêm ngẫm,
là tình yêu, niềm tự hào của tác giả dồn ứ, không nén nổi đã cất thành lời ca: "Cánh tay cát khổng lồ bên lưng sóng/
Đường chân trời mây bông/ Bảo Ninh/ Chắn giữ biển Đông/ Người thưa đất rộng/ Vẫn
cao xanh dừa"; "Cả làng cầm chèo/ Cả làng đan lưới/ Dệt nên mùa cá
mùa tôm/ Dệt nên xương rồng chang chang nắng/ Những động cát no nê mùa gió lộng/
Con trai vỡ giọng khúc khích bên chân sóng đêm hè"; "Chiều/ Gái dân
quân chưa một lần nói lời yêu/ Cùng trai làng chênh chao bến nước/ Vuột bùn đất/ Gót chân ngần lấp lóa dòng sông/ Mái tóc lấp
lóa dòng sông/ Tiếng cười lan mặt sông lấp lóa"; "Vườn nhà ai hoa
hồng thắm đỏ/ Ướp hồn vía phố long lanh/ Như giọt sương/ Trên nhành/ Xuân/ Rét/
Ngọt"; "Hồn vía phố sáng bao gương tiết liệt/ Vó ngựa sa trường, gươm
giáo chẳng nề chi/ Điệu hò đưa linh trầm buồn nức nở/ Chèo cạn múa bông thăm
thẳm bóng người về"; "Tôi bên em giữa lòng Đồng Hới/ Hai tay ôm cả
vạn mai vàng/ Như thấy phố in hình trên vỏ hến/ Biển ngàn năm quất sóng có hề
chi/ Cát trong cát vẫn chai lỳ gió bão/ Lá rừng xanh như thế tự lúc nào/ Xương
rồng cứ xây hoa và nở/ Câu hát ru cửa biển trăng treo"...
4. Đồng Hới - khúc huyền tưởng là sức mạnh
tinh thần của nhân dân Đồng Hới, làm sống lại những giai đoạn lịch sử một đi
không trở lại. Ở đó, đất và người Đồng Hới hiện lên chân thực, sống động, gắn
với từng hoàn cảnh cụ thể, từ "ròng
rã đạn bom đói nghèo" đến "rũ
bùn thanh tân". Mối liên hệ giữa hiện đại và truyền thống, giữa hiện
thực và lý tưởng, giữa bi và hùng, giữa lịch sử và văn hóa... hiện lên một cách
sâu sắc qua từng quan hệ, từng liên tưởng. Do vậy, Đồng Hới - khúc huyền tưởng sẽ là "kinh thánh của tâm
hồn" con người Đồng Hới, luôn đồng hành cùng họ, giúp họ luôn lắng nghe
"những buổi ngày xưa vọng nói về'' rì rầm trong từng tiếng thở của thành
phố, lắng nghe những câu chuyện trong
những thời khoảng căng thẳng, ác liệt cũng như thời khoảng sâu thẳm, yên bình, mà
ở đó, tâm hồn Đồng Hới, tính cách Đồng Hới, bản lĩnh Đồng Hới hiện lên vô cùng
cao cả và nhân bản./.
H.Đ.K
Tài liệu tham khảo
[1]. Mai Bá
Ấn (2009), Đặc trưng trường ca Thu Bồn -
Nguyễn Khoa Điềm – Thanh Thảo, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
[2]. Thanh
Thảo (2004), "Đổ bóng xuống mặt trời… và đất", Văn nghệ Quảng Ngãi, Số tháng Giêng, tr.49-51.