Đ/c: Ba Đồn - Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình. Tel: 052.3514658 Email: contact@thpt-so1quangtrach-quangbinh.edu.vn
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Diễn đàn Ý kiến

Trang chủ >> Trang thơ,văn


Như long lanh sương sớm
15-11-2010

"NHƯ LONG LANH SƯƠNG SỚM"

(Đọc Kiếp lá[1] và những bài thơ khác của Hoàng Đăng Khoa)

THỤY ANH

Học viên Cao học Lý luận văn học K.17 (2008-2010)

Trường ĐHSP Huế

 

Thơ khởi nguyên từ tâm. Nói như André Chénier: “Nghệ thuật chỉ làm được những câu thơ khéo léo. Trái tim mới làm nên thi sĩ”. Thơ Hoàng Đăng Khoa hướng nội. Tâm-thơ anh là những cuộc ngụp nhào miền kí ức. Kí ức dội tâm-thơ nổi sóng. Sóng từ Kiếp lá huyễn hoặc nối mạch đến những bài thơ khác.

 Khởi nguyên sự lệch chuẩn

Võ Tấn Cường khi bàn đến sự lệch chuẩn thi ca có viết: “Nhà thơ tạo sự lệch chuẩn tối đa về ngôn ngữ so với chuẩn mực ngôn ngữ xã hội và làm co giãn ý nghĩa, cấu trúc của ngôn từ, giúp chúng sinh sôi bất tận”[2]. Hoàng Đăng Khoa xem thơ mình khó đặt tên vì rằng chúng là những câu vần ngọng nghịu. Nhưng chính cái ngọng nghịu ấy lại làm nên gương mặt thơ anh. Ngọng nghịu để kiệm lời. Ngọng nghịu để xây toà ngôn từ riêng: đêm xâm xấp, lằn mưa quất, cuộc giao luồng, nhễ nhại sông, dùng dằng hạ sót, quạt mát tình riêng, đêm hoải hoang, niềm trắc ẩn rạn rơi, mở nắp hồn, khát khô hồn một hớp yêu xưa, huơ hoác con tim, rốn lũ cô đơn, bể lệ xâm thực, lạm phát nụ cười, giọt chất người thánh khiết long lanh, milimet hiện sinh, rỗng rượi, đồng trưa vung máu vàng roe, vô minh tự rán mình bằng vạc lệ, danh bạ bội thực đói meo kết nối....

Ngôn từ tự chế cùng kết cấu lỏng, đứt đoạn, khoảng trắng, Hoàng Đăng Khoa đã lệch thơ mình khỏi những thơ nhàm cũ. Lệch nhưng lại liên hoàn trong tâm thế sáng tạo của người-thơ. Đường lệch ấy là cơ sở để anh khẳng định cái nghiêng trong thơ mình, cái nghiêng được bộc giãi, trải phơi bằng một tâm thức thăng hoa.

Jacques Lacan - nhà phân tâm học cho rằng: “Vô thức được cấu trúc giống như ngôn ngữ” [3, chuyển dẫn]. Nghĩa là, vô thức của tác giả được định dạng qua những kí hiệu, những biểu tượng mang tính môtif. Cái môtif sẽ khai thông luồng chảy ngầm trong thơ. Khảo sát tập thơ Kiếp lá và các bài thơ khác của Hoàng Đăng Khoa, chúng ta thấy từ nghiêng xuất hiện khá nhiều. Cái nghiêng từ con người khúc xạ đến quê: ...dáng quê nghiêng chao sóng nước trời mây/ dáng chị gập người bên chậu quần áo ven bờ sông ngày nắng (Bóng quê). Cái nghiêng từ không gian chạm vào thời gian: tàu nghiêng tràn nỗi nhớ/ không thể chặt thêm nữa vòng tay; đêm nghiêng tràn tứ thơ/ câu chữ bất lực (Khúc giã bạn). Và chênh chao các thi ảnh. Mùa nghiêng: con nằm nhớ những ngày làng bạc nước/ mưa xé trời rách thõng mái hiên/ cần rau muống đo chiều cao của lụt...; ... con khó ngủ nghiêng mình nghe nước xối/ lợn góc nhà chốc chốc éc vô tâm// thẹp tỏi nổi nênh chưa kịp nảy mầm/ bò ngoan hiền nằm nhai rơm thay cỏ... (Khát vọng mùa). Thơ nghiêng: va đập tháng năm hồn mới rỉ giọt thơ/ ta bán đổi gì đâu mà đời rẻ rúng (Tự vấn); người thức thời/ ừ thì ta phù phiếm (Tự bạch); vớt hồn từ những vũng mê/ nhòe bức tự họa tỉnh khô nhân quần (Dọc đường thơ). Tình nghiêng: cây tình người đơm trái/ hắt bóng miền dư âm  (Giao luồng); ta muốn lên chỗ cao như nơi núi chạm trời/ ta muốn ra chỗ xa như nơi trời chạm nước/ gọi tên người/ ta muốn mách với càn khôn/ ta ngu ngơ vướng bùa mê thuốc lú/ rạo rực lối đi/ chếnh choáng lối về (Tình yêu); cây ngày mai mọc cuối đêm nay/ mầm hạnh phúc bao giờ mới nảy (Thơ khó đặt tên)... Đời nghiêng: mẹ về phía…/ gió im/ sóng lặng/ sông đặc nước mắt (Rùng nghĩ)…

 Cái nghiêng hữu thức và vô thức lặp đi lặp lại hoà vào câu chữ, mở điệu nghiêng Kiếp lá: ngổn ngang những lá về đất/ chiếc nào đã đi tận cùng kiếp lá/ chiếc nào kiệt sức sau ngả nghiêng gió dập mưa vùi/ chiếc nào vô ý sẩy chân giữa tiệc mừng nắng mới. Như vậy, tính chất nghiêng trở thành một kí hiệu, một mật mã để khai mở thế giới thơ Hoàng Đăng Khoa.

Mỗi bài thơ của Hoàng Đăng Khoa hoặc là một lát cắt của kí ức bản đàn dứt vọng ngân xao xuyến, hoặc là một lát cắt chiêm cảm về "thời tôi sống" - thời của những cuộc kết nối không thực hiện được. Nghiêng về miền dư âm, anh có những dòng thơ "thong thả, hồn nhiên" (đánh giá của Hoàng Vũ Thuật[4]) của giọt sương đêm mát lạnh đê mê/ làn nắng sớm ấm nồng ngây ngất. Nghiêng sang hiện tại, anh đặt chân vào một tâm thế thơ, một cách-thơ khác: rỗng rượi như lốt con rắn vắt lại khóm cây hoang.

Bóng quê, bóng người chông chênh thao thức

Cái nhìn ngoảnh lại của Hoàng Đăng Khoa chông chênh cả dáng quê, người quê.

Làng quê 17 năm gắn bó, nơi nưng nức nồi nước xông chị nấu bảy thứ lá cây, nơi có chuông nhà thờ dài như thể niềm mơ, nơi heo may thở chông chênh miền thiếu nữ... cứ lung linh thức, chênh vênh cả cõi tâm-thơ anh: ra đi từ làng quê chỉ đủ khoai thiếu lúa/ ta nợ nần gì mà trả mãi không xong (Tự vấn). Làng chông chênh ấy

rừng dương những trưa cào lá về nấu lợn

cảm giác trượt khỏi làng lạc chốn hoang

thèm bàn chân một lần chạm bờ bên ấy

khúc sông bí ẩn nguyên thủy một màu leo lẻo xanh

là miếu thờ Thành hoàng ngày không dám nhìn trong

gà gáy theo mẹ đi chợ nín thở bấm móng tay qua lùm cây trước cổng

là giếng đồng nứt nẻ dẳng dai mùa nóng

chắt nước các vũng bàn chân đánh phèn đem đun

(...)

là lò gạch có ông già trông giữ nghe đâu đã một lần chết

những buổi trốn cha đi bới đất sét cùng bọn trẻ đòi ông kể chuyện dưới ma

ra về qua nghĩa địa không đứa nào chịu đi sau

ôm chặt hai vạt áo đựng đầy đất hồng hộc chạy

                                                                                                (Làng)

Có trải nghiệm làng đến từng milimet, Hoàng Đăng Khoa mới có thể viết những câu thơ đẫm trĩu tình đến thế.  

Cũng một góc nhìn ấy, hình ảnh mẹ chông chênh dội vào thơ Hoàng Đăng Khoa. Từ chị anh thấu lòng mẹ: nhìn cái cách chị chăm cháu con mới biết mình nặng nợ/ trái sung quả khế chín tháng mười ngày mẹ tạc hình hài con/ con tép con cua củ sắn quả dưa/ hao gầy mẹ đánh đổi phổng phao con ngày tháng (Vẫn thiếu bài thơ mẹ). Chơ vơ nơi tha phương, trải thật giả sâu nông lòng thiên hạ, anh thấm thía tình mẹ mênh mông: ...quên phía mình đau đáu phía đời con// những đêm khuya bóng điện thức mỏi mòn/ cửa khép hờ phạc phờ giấc ngủ muộn/ niềm vui con nhẹ tênh theo gió cuốn/ quầng thâm mắt mẹ ở lại với ngày sau// chắt chiu con cơm ngọt canh ngon/ con đem đổi cơn say trào tiệc uống/ chăm chút con đệm êm chăn ấm/ con lấy về đêm mất ngủ khóc tình (...) mọi thứ chẳng lành nguyên chỉ lòng mẹ nguyên lành/ thao thiết chảy xuống đời con xanh tuổi (Mẹ). Năm qua đi, tháng qua đi, nhưng đôi vai tảo tần năm nào của mẹ cứ rát hồn thi sĩ: vai mẹ trầy buổi chợ thời xa ngái/ sao rát hồn ta đến tận bây giờ (Tự vấn).  

 Viết về mẹ, anh càng quặn thắt về cha. Nếu bóng mẹ chông chênh sớm khuya, mưa nắng thì bóng cha chông chênh những ngày làng bạc nước. Lụt về: thất bát mùa bố rít điếu dài hơn. Lụt đi bố ngả nong trải sách ra phơi/ từng cuốn nặng đẫm giấc mơ cày cuốc (Khát vọng mùa). Dáng cha được xâu chuỗi bằng những kỉ niệm: "xưa nồi cơm độn cha nhận phần màu về mình/ để bát con ngọt ngon phần trắng" "xưa mưa bão về nhà mình như thể không có mái/ cha ôm chặt con hâm ấm làn môi" "xưa đi làm cha thường bách bộ/ để chiếc xe đạp cũ con được cưỡi đến trường" "xưa nhà mình thiếu thốn nhưng luôn đầy đủ/ nay nhà mình đủ đầy nhưng lại thiếu cha/ cái bóng hạnh phúc ngày con đuổi bắt/ đêm về lòng quặn thắt khi kí ức gọi cha ơi" (Khoảng trống). Xưa đối sánh với nay, càng làm vết sẹo của nỗi đau tấy lên nhức nhối. Một khoảng trống không gì có thể lấp đầy.

Nghiêng về mẹ, nghiêng về cha, Hoàng Đăng Khoa còn nhập lồng hai cái nghiêng về một:  

năm xưa cha dọn cỗ đón giao thừa

con ngây ngô xúng xính chiếc bánh đòn bé tẹo

nay con tự tay dọn cỗ

đón gia tiên và cả đón cha

trầm hương dậy tim con lạnh buốt

 

con vịn tình thương ngập tràn của mẹ

để khỏi chết đuối vũng không cha

mẹ vịn đức tài đầu mùa con tặng

đi qua khoảng trống tuổi chưa già

 

rồi sẽ ngày mẹ về nơi cha nghỉ

rồi trong con mùa mãi… tàn đông

(Không về nữa mùa xuân)

 Khát cuồng điên một bờ môi khác

Cái nghiêng trong sáng của miền mơ, miền khát, miền nhớ đồng đẳng với cái nghiêng khát cuồng điên một bờ môi khác. Hai góc độ nghiêng làm nên tâm thế thơ Hoàng Đăng Khoa. Anh luôn ý thức tự làm mới mình để thơ thoát xác: năm mới thoáng chốc thành năm cũ/ niềm mơ này rồi cũng rong rêu (Đôi khi). Gói bóng quê làm hành trang lơ ngơ phố, những mảng kí ức tinh sạch và mong manh/ như long lanh sương sớm dần nhường chỗ cho cái tâm thức, cảm quan thơ lấm láp, rỗng rượi, hoang hoác. Hoàng Đăng Khoa lộn trái nỗi đam mê/ dốc kiệt cùng câu chữ  dấn thân vào một cuộc-thơ khác.

Thế giới của phố, của-người-lớn là thế giới của những cuộc kết nối không thực hiện được. Cuộc sống hiện đại là những mảnh ghép rời rạc: nhà dài như gì không biết nữa/ khóa cổng buông màn cho bớt bất an// sách cong mông úp mặt/ tô canh ngày thêm nhạt// láp tốp cố đấm ngồi lên bụng/ cụp cánh nghiêng mình mặc cảm nằm im/ gã bất lực tính dục/ sống cạn trách gì thơ cơm nguội// điện thoại ngủ vùi bên gối/ danh bạ bội thực/ đói meo kết nối// ti vi xếp bằng nói nhảm/ dẫu sao nhà có tiếng người (Những cuộc kết nối không thực hiện được 2). Cái tôi thi sĩ rệu rã, cô đơn: gom nối tràng tràng kinh của chúng sinh kiếp kiếp cũng không chạm nổi thiên đàng/ con sóng đa đoan cô đơn sông đi mãi không gặp bể/ con thằn lằn khó ở nhảy trần nhà tự tử/ anh bất an đứa trẻ sơ sinh tiếng bộp rùng mình/ thằn lằn không chết thằn lằn đứt đuôi (Những cuộc kết nối không thực hiện được 3). Anh và em là hai mảnh vỡ cô đơn. Em kết nối với anh không được. Anh kết nối với người anh yêu cũng không thành:

em cộng anh bằng thừa em

anh cộng em bằng thiếu người anh thiếu

em biển triều cường

anh đồng trưa hạ khát

 

anh nối bao nhiêu khói thuốc cho tới nổi người dưng

em nhắn bao nhiêu lời yêu thương cho lấp nổi hồn anh hoang hoác

anh không thể yêu em anh thêm lần tan nát

anh thêm lần tan nát em thêm lần nát tan

 

người dưng vô can

 

biển đêm nén bung tiếng thở

đồng trưa vung máu vàng roe

                                                  (Những cuộc kết nối không thực hiện được 1)

Đúng như Trương Văn Hà nhận định: “Khoa viết bằng bút pháp "truyền thống" đã thuyết phục, Khoa thử nghiệm bút pháp "hiện đại" cũng bước đầu thành công. Khoa miêu tả cái cô đơn tột cùng của con người thời đại với những so sánh liên tưởng lạ và ngộ” [5]. Tuy nhiên, Hoàng Đăng Khoa luôn biết vượt lên chính mình bởi anh ý thức được rằng, thơ là một cái gì như thể bờ bên kia của biển, cuộc dấn thân thơ bất tận đòi hỏi phải trường vốn, "nỗ lực, nội lực thâm hậu và sự lịch lãm văn hóa cần thiết"[6].

          Một điều dễ nhận thấy trong thơ Hoàng Đăng Khoa là cái tâm thế an nhiên, tự tại của một người thơ sớm nhận chân được ý nghĩa đích thực của cuộc tồn sinh. Vừa ngụp nhào trong lấm láp nhân gian trái đất chật chội, vừa tự thương lấy mình từng milimet hiện sinh. Giữa guồng quay thời cuộc, Hoàng Đăng Khoa cứ hồn nhiên đi hết miền say, hồn nhiên hành trình về phía thiện. Tâm thế người thơ chạm tâm-thế-Thiền.

Thiền hướng con người đến cõi cao khiết, thánh thiện. Tâm-thơ Hoàng Đăng Khoa thể hiện vòng luân hồi chảy trôi khoẻ khoắn:                                         

                   và sau cuối lá hồn nhiên về đất

làm hạt mùn tinh túy đỡ chồi lên

                                                          (Kiếp lá)

có gì tinh túy hơn giọt sương

chưng cất từ bầu vú đất sau cuộc giao hoan cùng trời

thanh thản vỡ khi bắt đầu nắng mới

chảy ngọt lành trong gân cốt cỏ cây

                                                           (Sương)

Mang tâm thức Thiền để dấn thân tìm tòi, thử nghiệm, Hoàng Đăng Khoa bước đầu ít nhiều kiến tạo được từ trường thơ riêng mình. Người đọc đang kì vọng, chờ đợi ở anh cái ngày lưng túi vỡ òa/ mùa gom nhặt mới.

                                                                                              T.A

 

                                                                                                  

--------------------

[1]. Hoàng Đăng Khoa, Kiếp lá, NXB Thuận Hoá, 2005.

[2]. Võ Tấn Cường, Sự lệch chuẩn của ngôn ngữ thi ca, http://phongdiep.net/

[3]. Đỗ Lai Thuý, Theo vết chân những người khổng lồ, NXB Văn hoá Thông tin, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật Hà Nội, 2006, tr. 431.

[4]. Hoàng Vũ Thuật, Thơ và cái đẹp của thơ, Nhật Lệ, số 12.2005.

[5]. Trương Văn Hà, Hoàng Đăng Khoa và cái nghiệp "chữ nghĩa", Quảng Bình chủ nhật, số 50 (6318), ra ngày 12/3/2010.

[6]. Hoàng Đăng Khoa, Đọc thơ cách tân rất cần một tâm thế không định kiến, Nhật Lệ, số 11.2009.

                      (Bài đã đăng: http://vanchuongviet.org; http://bichkhe.org)

Xem bài khác
  • Vết tích thời gian        (14-11-2010)
  • Hoàng hôn đá nhảy        (14-11-2010)
  • Hành khất thời gian        (14-11-2010)
  • Phố huyện trường tôi        (09-11-2010)
  • Các bài mới đăng
  • Đọc lại bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy        (25-09-2026)
  • Cho đi và nhận lại        (29-12-2014)
  • Một chút hoài niệm        (29-12-2014)
  • Bài thơ: Số 1 Quảng Trạch        (27-11-2014)
  • Viết cho em bé mồ côi        (17-10-2014)
  • Chào xuân 2014        (24-01-2014)
  • Bộ đội cụ Hồ biểu tượng cao đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam        (19-12-2013)
  • Lời thú nhận muộn màng.        (22-11-2013)
  • Bà tiên của tôi        (20-11-2013)
  • Bố tôi        (17-11-2013)