Nghiệp quản lý
08-11-2010
Nghiệp quản lý
Hoàng Đình Bường- Trường THPT
số 1 Quảng Trạch
Cuộc sống mỗi người một vẻ. Đường đời
như một dòng sông không phẳng lặng, chảy không ngừng nghỉ. Neo đậu ở cuộc đời
chính là nghề nghiệp của từng người. Ở đó chứa chất bao nhiêu nỗi niềm buồn
vui, sướng khổ, có cả hạnh phúc và bất hạnh. Người ta có thể trải qua nhiều nghề
nhưng chung quy lại cũng chỉ có một nghề chính nào đó. Và họ gắn bó suốt đời “
Sinh nghề tử nghiệp”
Tôi tuổi Kỷ Sửu, sinh năm Trâu, tháng Trâu, chọn vào
trường ĐHSP để dạy học, nhưng lại sớm dãi dầu với “ nghiệp quản lý”. Kể cũng hơi
lạ. Chuyện có thể dài nhưng tôi quyết không nói dại để ai khỏi bận lòng nghe.
Trước khi vào nghề dạy học làm thầy giáo tôi đã có thâm niên 4 năm quân ngũ tại
chiến trường Trị - Thiên - Huế đầy ác liệt, mịt mù khói lửa chiến tranh . Cái
chết luôn rình rập, tưởng chẳng có ngày về với quê hương và ngôi trường trong
trẻo tuổi ấu thơ. Nhìn dáng bề ngoài có vẻ hơi thư sinh, ít sôi nổi, mấy ai nghĩ
tới tôi với cái chức vụ “ đầu binh cuối cán” - Trung đội trưởng phụ trách đại đội
phó cầm súng trực tiếp đánh giặc giành giữ từng tấc đất Tổ quốc hoà quyện máu xương.
Tham gia trên dưới một trăm trận đánh, hai lần bị thương, có mặt trong cuộc tổng
tấn công giải phóng miền Nam
thống nhất Tổ quốc Xuân 1975. Không hiểu rồi đời sẽ chạm khắc cho chiến công
hay quy tội khi mà có người đã lãng quên quá khứ, thậm chí đòi “ xét lại” hành động xả thân cứu nước của cha
ông ? Nhưng tôi tin hoa hồng vẫn thắm đỏ mãi mãi trên các nghĩa trang liệt sỹ
như những vì sao toả sáng trên trời. Khói hương nghi ngút như vấn vương hồn người
tử trận phát sóng nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Đó là đạo lý của người
Việt Nam.
Ai đi ngược lại chắc khó bình yên
Năm
tháng trôi qua, chiến tranh đã kết thúc. Tiếng súng cách mạng không còn gầm thét
dội lửa lên đầu thù. Một phần ba trong số
giáo viên, sinh viên ra đi đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Tôi cũng
như nhiều đồng đội sinh viên may mắn được giải ngũ trở về với trường ĐHSP Vinh
trong sự hoành hành của những cơn sốt rét và vết thương đau nhức khắp người. Làn
da luôn tái mét, đôi bờ môi tím xám, đi bộ từng bước dài, dẻo dai, không mệt mỏi
là chân dung của Bí thư chi đoàn 14B khoa văn- Hoàng Đình Bường sau ngày giải
phóng miến Nam thống nhất Tổ quốc.
Tháng 9 năm 1977 tôi về công tác tại
trường Cấp 3 Bắc Quảng Trạch nay là trường THPT số 1 Quảng Trạch. Ngoài giảng dạy,
tôi được phân công làm nhiệm vụ Bí thư Đoàn trường. Phong trào phát triển tốt,
tôi được chọn báo cáo điển hình ở tỉnh đoàn Bình - Trị -Thiên và TW Đoàn TCSHCM
.
Đến 8-1979 tôi có quyết định bổ nhiệm
chức vụ phó hiệu trường ( nghiệp quản lý). Đành rằng vẫn là là người trực tiếp phấn
bảng nhưng không còn là công việc chính. Thay vào đó là những hội họp,
lên kế hoạch, triển khai chỉ đạo, kiểm tra đánh giá các hoạt động theo sự phân
công của Hiệu trường. Từ đây công tác quản lý đeo đẳng mãi với tôi hơn 30 năm
trời đằng đẵng. Đó là chưa kể đến việc Bí thư chi bộ, Đảng bộ, Huyện ủy viên,
Chủ tịch Hội CCB và nhiều chức danh khác. Quản lý lãnh đạo kể cũng lắm việc nhưng
có lẽ người ta ngán ngẩm nhất là khi làm
cấp phó ( kể cả phó thường dân). Ở chức vụ này, tính chủ động, sáng tạo ít
được phát huy vì chỉ giúp việc cho cấp trưởng. Ấy vậy mà tôi đã trải qua 25 năm
làm phó hiệu trưởng ( 1979-2004) vẫn vui vẻ, vẫn lạc quan yêu đời. Một phần tư
thế kỷ so với đời người đâu phải là ngắn ! Có nhiều đồng nghiệp thân tình hỏi và
khuyên tôi:
- Sao ông giữ mãi ghế phó hiệu trưởng, lì thể ?
- Xoay xở một chức danh gì đó cấp trưởng cho bạn
bè kiếm ly rượu giải sầu ?
Tôi cười, chậm rãi trả lời bằng một bài
thơ tếu táo mà tâm huyết:
…
- Sương nhuộm trắng mái đầu
Vẫn
nhởn nhơ hiệu phó
“Chạy” làm chi cho khổ
“ Kê vàng giấc mộng” mơ
- Chức danh là trời cho
Giàu sang đã có số
“ Chạy “ làm chi cho khổ
Tớ vui vẻ làm thơ !
Khoác
lên mình công tác quản lý ở một ngôi trường THPT mang tầm vóc bề thế với những
truyền thống quý báu, làm việc gì tôi cũng cần mẫn và cảm thấy hạnh phúc. Tôi
không nghĩ đến danh vị, bon chen vật chất. Những đồng đội nằm lại ở chiến trường
đã dạy cho tôi điều ấy. Gần đây, tại mảnh đất máu lửa Trị Thiên lại liên tiếp
khai quật được nhiều hài cốt liệt sỹ chôn tập thể. Ngậm ngùi, xót xa, bất giác
tôi nhớ về bài ca truyền thống của đơn vị:
Đây
Trường Sơn nâng bước ta đi
Phá
Tam Giang cuộn trào sóng biếc
Dải
cát vàng in dấu chân ta
Đây
người chiến sỹ quê nhà Trị Thiên
Ta
bước đi trên đất Ba Lòng
Qua
Đường Chín ta về Triệu Phong
Hải
Lăng vang lừng chiến công
Cầu
Nhi chiến thắng còn ghi
Trận
An Lỗ quân thù kinh hoàng
Lửa
hờn căm đốt thiêu Tứ Hạ
Vì
Tổ quốc thân yêu ta vượt lên
Đoàn
ta đang giương cao ngọn cờ chiến thắng oai hùng
Mùa
xuân quân ta reo trên Thành phố Huế kiên cường
Vì
độc lập, vì tự do!
Giục đoàn ta vươn trong phong ba
Trung
đoàn Sáu ta xông lên !
Tuổi trẻ chúng tôi một thời như thế. Vậy
có lý do gì để tôi chùn bước trong công việc của mình ở thời buổi thanh bình ?
Tôi suy nghĩ đơn giản như hành trang của người lính ra trận. Tôi coi việc làm là
chính yếu, không nói nhiều.
Số phận đưa đẩy. Tôi chẳng xoay chạy bôn
tẩu gì cả. Cái gì đến sẽ đến . Bình tĩnh. Thế rồi chức vụ Hiệu trưởng cũng được
đặt lên vai từ tháng 5/2004 cho đến nay. Ngày nghỉ hưu đã sắp đến, ngoảnh lại
sau lưng là một quãng đường dài công tác quản lý giáo dục nhọc nhằn nhưng cũng
không ít niềm vui. 34 năm trong ngành GD - ĐT thì có 32 năm làm công tác quản lý.
Duyên số này dễ mấy ai mang ?
Nắng đã vắt sang bên kia đồi. Trời chiều
bóng ngả. Tất cả chỉ còn lại trong thời gian, hao mòn ghê gớm! Soi mình trong
quá khứ để xem sướng khổ, vui buồn, thủy chung tình nghĩa đong đếm được bao nhiêu.
Có chút gì để lại cho đời?
Không tự huyễn hoặc mình, ngắm nhìn những tấm
Huân Huy chương, mấy chục Bằng khen, Giấy khen, Giấy chứng nhận CSTĐ, GVG. Đó
chỉ là những kỷ vật ghi dấu ấn một thời đã qua. Lục soát tâm tư, đào xới dĩ vãng
để mà làm gì ? Tôi vui sướng vì thấy mình đã vượt qua tất cả những chướng ngại
trên đường để vươn lên. Nó như những ranh giới mà nhà văn Nguyễn Khải viết
trong tác phẩm Mùa Lạc: “ Ở đời không có
con đường cùng, chỉ có những ranh
giới . Điều cốt yếu phải là có đủ sức mạnh để bước qua những ranh
giới ấy”. Vâng ! Đúng vậy. Cũng như những người bình thường, cán bộ QLGD
cũng phải phấn đấu vượt qua những ranh giới. Ranh giới sâu nhất, khó vượt
nhất có lẽ là giữa sự sống và cái chết trong thời buổi chiến tranh ác liệt. Chính
vì thế nhà văn cựu chiến binh Xô Viết đã
khẳng định: “ Nếu trong cuộc đời ta, ta đã
một lần lấy thân mình chắn viên đạn quân thù đang bay về phía Tổ quốc. Chỉ chừng
ấy thôi cũng đáng để cho ta tự hào sống
trên cõi đời này.”
Đất nước hòa bình, thống nhất, xây dựng
cuộc sống mới có nhiều ranh giới đặt ra, mỗi CBQL chúng ta
phải vượt qua.
Đó là cái khó cái khổ của nhà
giáo và lương tâm nghề nghiệp.
Đó
là giục vọng đồng tiền trong cơ chế thị trường
Đó
là vấn đề chức danh, thành tích và chất lượng giáo dục…
Vì chức danh, đồng tiền nhiều người đã sa ngã, trâng tráo làm méo mó hình ảnh của
mình: Quân phiệt, gia trưởng, cá nhân, chụp mũ phê bình người , tô son đánh bóng
mình thành “ thần tượng”
Nếu quản lý là một nghề ( nghiệp quản lý)
thì nghề này không hề đơn giản. Nó cũng có cái khó, cái dễ nhưng theo tôi khó
nhiều, dễ ít. “ Đã mang lấy nghiệp vào thân cũng đừng trách lẫn trời gần trời
xa” ( Nguyễn Du). Phải xác định tự ta và tại ta tất cả. Giám đốc một doanh nghiệp
nằm trong tay bạc tỷ phải vắt óc suy nghĩ để có doanh thu cho đơn vị và bản thân
. Cán bộ quản lý giáo dục cũng vậy. Dưới tay mình là hàng trăm CBGV và hàng nghìn
học sinh không lo sao được. Muốn làm chất lượng phải lao tâm khổ tứ vì nghề.
Ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ đòi hỏi cán bộ quản lý phải có tâm huyết và bản lĩnh quản lý cần thiết.
Nhiều hay ít tùy từng người và từng hoàn cảnh cụ thể nhưng nhất thiết phải có.
Ai đã làm quản lý rồi thì rõ. Ai chưa làm
quản lý, muốn làm quản lý cũng phải tỏ tường để khỏi bỡ ngỡ, hẫng hụt khi vấp
phải thực tế.
Ngày nay, sách vở, tài liệu nhiều với vô
vàn các đợt tập huấn cộng với lương tâm nghề nghiệp trong sáng chắc chắn các nhà
quản lý sẽ thăng hoa theo sự nghiệp giáo dục của nước nhà trong những năm sắp tới.
Đừng để “ Nghiệp quản lý ” ra đi khỏi một
nghề cao quý.
Ra về thanh thản, xin gửi lại các đồng
nghiệp, đăc biệt là CBQL mấy dòng tâm sự riêng tư, có gì sai sót mong được lượng
thứ.
Ba Đồn , tháng 10 năm
2010