Hướng dẫn học sinh thực hiện thảo luận nhóm hiệu quả trong giờ địa lý
27-03-2016
HƯỚNG DẪN HỌC SINH THỰC HIỆN THẢO LUẬN NHÓM MỘT CÁCH HIỆU
QUẢ TRONG GIỜ ĐỊA LÍ
Thảo luận là trao đổi ý kiến về một chủ đề giữa học sinh và
giáo viên cũng như giữa những người học với nhau. Thông qua thảo luận giúp học
sinh mở rộng kiến thức trên cơ sở nhìn nhận vấn đề một cách có suy nghĩ, phân
tích những lý lẽ, phát triển được tư duy khoa học.
Phương pháp thảo luận còn phát triển kỹ năng nói, giao tiếp,
tranh luận. Thay đổi cách suy nghĩ của cá nhân thông qua cách lập luận chặt
chẽ, logic của học sinh khác. Quá trình thảo luận còn tạo ra mối quan hệ hai
chiều giữa giáo viên và học sinh, giúp giáo viên nắm được hiệu quả giáo dục,
thái độ hành vi của học sinh.
1. Các điều kiện thảo luận
Trong quá trình thảo luận thì phòng học là nhân tố rất quan
trọng. Việc thảo luận dễ dàng hơn nếu toàn bộ học sinh nhìn thấy nhau và thấy
giáo viên. Có thể sắp xếp theo hình móng ngựa để thuận tiện cho việc tiếp xúc
bằng mắt. Sự sắp xếp chỗ ngồi có tác động đến chất lượng học tập. Đặc biệt đối
với các chủ đề mang tính chất giải quyết vấn đề, phân loại giá trị đòi hỏi học
sinh tiếp xúc dễ dàng bằng ánh mắt.
Tuy nhiên, đối với thảo luận quan trọng nhất là vấn đề thời
gian, đòi hỏi giáo viên phải cân nhắc vấn đề thời gian và mục tiêu đạt được.
Nếu vấn đề đơn giản thì đưa ra các giải pháp còn những vấn đề phức tạp như thí
nghiệm, trò chơi... thì phải cân nhắc thời gian.
2. Các hình thức thảo luận
- Thảo luận theo nhóm nhỏ
Hình thức này
nhằm để học sinh tham gia một cách thoải mái và rộng rãi hơn so với thảo luận
theo lớp. Khi thảo luận theo nhóm nhỏ những người vốn dè dặt khi phát biểu
trước đám đông cũng cảm thấy thoải mái hơn. Có thể trình bày bằng lời hoặc kèm
theo tranh ảnh, bảng biểu, hình vẽ. Sau khi đại diện các nhóm lên báo cáo kết
quả giáo viên sẽ là người tổng kết buổi thảo luận.
- Thảo luận theo nhóm lớn
Hình thức này
có thể được tiến hành để tăng số lượng học sinh tham gia, tăng giá trị nhận
thức, thúc đẩy việc suy nghĩ có phê phán. Giáo viên phải bao quát tránh tình
trạng một số học sinh ngồi chơi, gây mất trật tự, tổng kết phải nói rõ ràng để
mọi học sinh nghe đều hiểu được.
3. Chuẩn bị nội dung thảo luận
- Chọn bài, chọn những vấn đề thích hợp
Đó là những bài những vấn đề không khó về mặt nội dung nhưng
có nhiều cách giải quyết khác nhau, để mỗi học sinh đưa ra những quan điểm của
mình, không nên chọn những bài đã quá rõ về mặt nội dung.
- Đề tài thảo luận phải thấy học sinh suy nghĩ như thế nào,
cảm thấy gì
Nội dung thảo luận thường là nhưng vấn đề về môi trường, dân
số, phát triển kinh tế xã hội của địa phương hay đất nước như sự ô nhiễm không
khí và nguồn nước, rác thải, đô thị hoá, khai thác rừng quá mức, khai thác tài
nguyên khoáng sản...
Khi đã chọn được đề tài cần cho học sinh thời gian chuẩn bị,
ý kiến của học sinh phải ghi ra giấy. Thông qua đó học sinh sẽ ý thức được yêu
cầu và nội dung của đề tài, phương pháp tiến hành, kế hoạch thực hiện của tập
thể và cá nhân mình.
Đối với học sinh cần nghiên cứu các sách báo, tài liệu liên
quan, quan sát các đối tượng cần thiết, đàm thoại với nững người cung cấp thông
tin, thu thập hiện vật có thể minh hoạ khi thảo luận
Đối với giáo viên phải kiểm tra từng chi tiết: Học sinh
chuẩn bị nội dung như thế nào? tinh thần đã chuẩn bị tham gia thảo luận
chưa?...
4. Tiến hành thảo luận
Trong quá trình thảo luận giáo viên nên để các em tự bầu ra
chủ toạ và thư kí sau đó yêu cầu đại diện của các nhóm sau khi đã thống nhất
các ý kiến trong tổ lên trình bày ý kiến của tổ mình.
- Mở đầu thảo luận:
Giáo viên thông báo về đề tài thảo luận, qui trình thảo luận
cho cả lớp biết.
- Hướng dẫn thảo luận
Giáo viên làm nhiệm vụ theo dõi mà không tham gia ý kiến
nào. Không cắt ngang lời học sinh, không phản ứng nếu câu trả lời sai. Tuy
nhiên để tăng thêm hứng thú GV có thể đưa ra các câu hỏi và nêu ra cách thảo
luận để không khí thảo luận thêm sôi nổi.
Nên tiếp xúc học sinh bằng ánh mắt, nụ cười và có cử chỉ
thân mật với những học sinh đang trả lời hoặc nêu câu hỏi khuyến khích học
sinh, tạo sự thích nghi dễ dàng với buổi thảo luận đó.
Khuyến khích sự tham gia của mỗi cá nhân học sinh, biểu thị
sự hài lòng thích thú với mỗi câu trả lời chính xác, tập trung vào những đóng
góp của học sinh
Đối với học sinh cố tình đưa ra những câu hỏi ngoài lề hoặc
không thích hợp giáo viên nhanh chóng làm cho học sinh hiểu được sự không phù
hợp của hành động đó, không làm tổn thương học sinh.
Giáo viên chú ý lắng nghe những điều học sinh nói để hiểu họ
nói gì. Nếu không rất khó nhớ để tổng kết ý kiến thảo luận. Nên ghi chép lại
những tổng kết của học sinh để phát hiện ra những mâu thuẫn không phù hợp,
tránh tình trạng thảo luận miên man ngoài lề.
Giáo viên thông báo cho học sinh kết thúc buổi thảo luận. Có
thể bằng các câu hỏi “ còn có em nào có ý kiến khác không? ”để cho những em nào
chưa được nói biết rằng họ cần nói ngay lúc đó.
- Tổng kết buổi thảo luận
Giáo viên nên
tổng kết buổi thảo luận , tổng kết những ý kiến phát biểu, nêu một cách súc
tích và có ý kiến thống nhất và chưa thống nhất.
Tham gia ý
kiến về những điều chưa thống nhất và bổ sung thêm những ý cần thiết. Những ý
kiến chưa thống nhất có thể sắp xếp vào buổi sau.
Đánh giá ý
kiến phát biểu, nhận xét về tinh thần làm việc chung của tập thể hoặc của nhóm,
cá nhân.
Hoàng Lê Mỹ Thủy - CĐGV