Để học sinh yêu môn giáo dục thể chất
27-12-2014
ĐỂ HỌC SINH YÊU MÔN GDTC
Những năm gần đây,
công tác giáo dục thể chất trong nhà trường đã có những chuyển biến theo hướng
tích cực. Tuy nhiên so với yêu cầu thì còn nhiều bất cập : cơ sở vật chất nghèo
nàn, đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa yếu, hình thức tập luyện đơn điệu… Những
hạn chế này khiến học sinh không hứng thú với môn thể dục, thậm chí còn coi đây
là môn phụ, không cần phải học. Vậy giáo dục thể chất có quan trọng và vì sao
nó chưa thực sự thu hút được sự đam mê, yêu thích của học sinh ?
Quan trọng nhưng chưa đủ sức hấp dẫn…
Chúng ta thường nghe nói “Sức khỏe quý hơn vàng, có sức khỏe
là có tất cả”. Có thể nói, sức khỏe là vốn quý nhất. Ai cũng biết sức khỏe quý
thật đấy, nhưng đa số mọi người lại không quan tâm tới vấn đề rèn luyện sức
khỏe khi còn trẻ khỏe, mà chỉ khi đã cảm thấy cơ thể mệt mỏi, xuống sức mới bắt
đầu tìm đến các phương thuốc, các bài luyện tập để bồi bổ, để “tìm lại” cái
“vốn quý nhất” mà mình đã phung phí . E rằng như vậy là đã muộn, dù vẫn còn hơn
không. Vậy để có sức khỏe tốt, dẻo dai cần luyện tập từ khi nào là thích hợp ?
Chúng ta có thể thấy câu trả lời là, ngay từ khi học lớp mầm non, các cô giáo
đã dạy cho bé các bài tập thể dục buổi sáng. Ngành giáo dục đã nhận thấy tầm
quan trọng của môn giáo dục thể chất và đưa môn thể dục vào trường học ngay từ
mẫu giáo, thế nhưng, thực chất thì các giờ tập thể dục trong trường học hiện
nay chỉ mang tính hình thức và chưa cuốn hút được học sinh.
Mang những câu chuyện thực tại về giáo dục thể chất trong
trường học trao đổi với một số giáo viên của các trường họ thừa nhận thực tế là đa số học sinh không
thích môn thể dục vì nó quá đơn điệu. Bởi khi có sức khỏe, khi tinh thần sảng
khoái thì học sinh mới có hứng thú học các môn học khác và mang lại kết quả học
tập cao. Giáo dục thể chất nằm trong môi trường giáo dục toàn diện, nghĩa là
giáo dục thể chất và giáo dục các môn văn hóa khác phải đồng đều. Tuy nhiên,
“hiện nay các tiết thể dục trong hầu hết các nhà trường vẫn giữ nguyên hình
thức tập luyện như cách đây mấy chục năm, chưa cập nhật được các cách tập luyện
mới. Cho nên các tiết thể dục bây giờ chỉ như khởi động rồi ngồi chơi chứ chưa
phải là một tiết học thể lực thực thụ. Nếu các giáo viên (hoặc nhà trường) cập
nhật các bộ môn thể dục mà hầu hết các học sinh đều có thể tham gia một cách
hào hứng như Airobic hoặc cách điệu nhảy sôi động thì có thể thu hút hàng ngàn
học sinh tham gia các tiết học này. “Ngoài ra, cần phải thành lập các câu lạc
bộ thể thao cho từng môn để các em có thể lựa chọn môn học phù hợp và yêu
thích. Từ đó mới tạo ra được sự hứng thú luyện tập từ phía các em.
Có cùng quan điểm với chúng tôi hiện nay, môi trường giáo
dục toàn diện, đặc biệt là vấn đề giáo dục thể chất ở hầu hết các trường trên
toàn quốc chưa đáp ứng được yêu cầu, giáo dục văn hóa thì rất nặng nề, còn giáo
dục thể chất bị coi nhẹ, mang tính hình thức. Về phía học sinh thì đại bộ phận
cũng không có hứng thú với tiết thể dục bởi các tiết học này nhàm chán hoặc học
sinh phải học những môn thể dục các em không thích hoặc không có khả năng luyện
tập. Thí dụ như môn đá cầu, không phải em nào cũng khéo léo để có thể tập được
môn này, hay môn chạy, nhảy cao, nhảy xa, bóng rổ… thì cũng phải tùy vào thể
chất của từng em mới có thể tham gia được.
vì còn thiếu và yếu:
Nhưng, xét về mọi khía cạnh thì môn giáo dục thể chất chưa
tạo được sức hấp dẫn cũng có nguyên nhân từ phía khách quan. Bởi không phải
ngôi trường nào cũng có đầy đủ cơ sở vật chất, có bể bơi, có sân bóng đá, bóng
rổ… Ngoài cơ sở vật chất thì giáo dục thể chất cũng đòi hỏi giáo viên phải có
chuyên môn sâu. Một giáo viên không thể dạy hết được các môn thể dục, do đó với
mỗi môn thể dục cần một giáo viên có chuyên môn sâu đảm nhiệm mới đạt được yêu
cầu và tạo ra sự hứng khởi cho học sinh và sự yên tâm của phụ huynh. Ngoài ra,
hằng năm, giáo viên cũng cần phải tham gia các lớp tập huấn cho bộ môn của mình
để nâng cao kiến thức và trau dồi kinh nghiệm để có thể dạy tốt hơn bộ môn của
mình. Nhưng hiện nay, đội ngũ giáo viên trong các nhà trường còn thiếu và yếu,
đặc biệt ở cấp tiểu học. Theo một số thống kê thì chỉ có khoảng hơn 10% trường
cấp tiểu học có giáo viên chuyên trách môn thể dục.
Ngay như những giáo viên hiện tại đang dạy giáo dục thể chất
trong các trường cũng được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau. Có nhiều giáo viên
giáo dục thể chất được đào tạo không phải từ trường Cao đẳng, đại học thể dục
thể thao và các bộ môn thể dục trong trường sư phạm.
Một vấn đề quan trọng để giáo dục thể chất trong nhà trường
phát triển đó là sân tập và phương tiện hỗ trợ học tập. Nhưng hầu hết các
trường học lại thiếu đi điều kiện này. Trước đây, khi quy hoạch và xây dựng nhà
trường, người ta mới chỉ tính đến diện tích để xây các lớp học, các phòng, ban…
mà không tính đến không gian dành cho học sinh tập thể dục. Ngay tại các thành
phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… hầu hết các trường học đều thiếu sân tập chứ
chưa nói đến các trường học thuộc các tỉnh, các vùng xa xôi.
Hơn nữa, đặc thù của giáo dục thể chất là sự vận động và gây
ra tiếng ồn trong lúc tập luyện. Không có phòng tập riêng biệt nên đến tiết thể
dục các em đều phải tập ở ngoài sân, do vậy một lớp tập thể dục ngoài sân
trường sẽ gây mất trật tự, ảnh hưởng đến các lớp chung quanh.
Cần nhận thức đúng về tầm quan trọng môn giáo dục thể chất:
Trong một cuộc hội thảo gần đây, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã
hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) Đào Ngọc Dũng cho rằng, cần không ngừng đổi mới
hình thức, nội dung và các biện pháp giáo dục thể chất cho học sinh ngày càng
sinh động, phong phú, sáng tạo, thiết thực để xã hội đồng tình, các thầy cô giáo,
các em học sinh ủng hộ và tham gia tích cực…; huy động mọi nguồn lực trong công
tác TDTT, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học nhằm phục vụ tốt hơn nữa
nhằm đáp ứng được yêu cầu mục tiêu của môn học.
Chúng tôi nghĩ rằng, chỉ khi nào công tác giáo dục thể chất
và hoạt động thể thao trong trường học được được đặt đúng vị trí và tầm quan
trọng của nó, ít nhất là ngang bằng với những môn học khác, không còn bị coi là
môn phụ nữa thì chúng ta mới có một sự nghiệp giáo dục toàn diện, đào tạo ra
lớp người trẻ có đầy đủ tâm lực, trí lực và thể lực để phục vụ sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo tôi, một bài tập
thể dục bao gồm các bước : Khởi động – Luyện tập bài chính – Thư giãn thả lỏng.
Tất cả các bước này đều phải tập luyện theo quy trình chuẩn
mới mang lại hiệu quả cao trong luyện tập. Trong đó quy trình thả lỏng để hồi
phục sức khỏe là rất quan trọng. Một trong các bài tập thư giãn thả lỏng hiệu
quả nhất đó là ngồi thiền. Với động tác ngồi nghỉ, thư giãn, tĩnh lặng từ tinh
thần tới thể chất cùng với động tác hít thở sâu trong khoảng từ 2- 5 phút sẽ
giúp cho ô-xy tới được các tế bào, các cơ trong cơ thể nhiều hơn, giúp cơ thể
nhanh chóng cân bằng và hồi phục.
Quảng
Trạch ngày 15 tháng 12 năm 2014
Trân
trọng cảm ơn!
GV:Phạm
Trung Thao