Đ/c: Ba Đồn - Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình. Tel: 052.3514658 Email: contact@thpt-so1quangtrach-quangbinh.edu.vn
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Diễn đàn Ý kiến

Trang chủ >> Sinh


Đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học
31-10-2013

ĐỔI MỚI SINH HOẠT CHUYÊN MÔN DỰA TRÊN NGHIÊN CỨU BÀI HỌC

Theo sự chỉ đạo của ban chuyên môn nhà trường, vừa qua tổ Sinh – CN đã tiến hành tập huấn 02 chuyên đề:

1.Đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học.

2.Xây dựng kế hoạch hoạt động tổ chuyên môn

Buổi tập huấn thú vị và hữu ích, đặc biệt về nội dung “Đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học”  do đồng chí Trần Đại Nghĩa – tổ trưởng CM  báo cáo đã được đông đủ các thành viên trong tổ tham gia sôi nỗi.

Qua nội dung tập huấn, chúng tôi lĩnh hội được bản chất của sự đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học là xóa bỏ cách sinh hoạt chuyên môn truyền thống để tạo ra một cộng đồng học tập, không phê phán đồng nghiệp, không bỏ rơi học sinh.

Hiện nay SHCM ở các nhà trường vẫn thường diễn ra theo hai hình thức: tổ chức theo các chuyên đề và dự giờ trao đổi kinh nghiệm về bài học.

Ở hình thức thứ nhất, SHCM bao gồm việc triển khai học tập các văn bản chỉ đạo về chuyên môn của cấp trên, tập huấn phương pháp dạy học…

Đối với hình thức thứ hai là dự giờ trao đổi kinh nghiệm về bài học. Trong mỗi buổi dự giờ có sự tham gia của BGH, tổ trưởng và hầu hết giáo viên trong tổ. Sau dự giờ tổ chuyên môn tiến hành thảo luận rút kinh nghiệm và đánh giá xếp loại “tay nghề” giáo viên dạy.

Cả hai nội dung trên đều được thực hiện khá tốt góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên chất lượng các buổi SHCM chưa cao do các báo cáo chuyên đề, SKKN được nghiệm thu xong là để đấy. Còn đối với công tác dự giờ và đặc biệt là việc trao đổi rút kinh nghiệm tiết dạy giáo viên cũng không mấy hứng thú nên buổi thảo luận thường trầm lắng, ít ý kiến phát biểu.

Chính vì thế việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học là một hình thức sinh hoạt mà ở đó mà mỗi chúng ta đều thấy được:

Thứ nhất,  thay đổi mục đích của việc dự giờ từ dự giờ để đánh giá sang dự giờ để học tập, bởi dự giờ để đánh giá sẽ không thể tạo ra bầu không khí mà trong đó mọi giáo viên có thể thoải mái bày tỏ với đồng nghiệp những ý kiến, chia sẻ những khó khăn mà chúng ta gặp phải trong quá trình dạy học. Điều đó sẽ hạn chế việc phát triển năng lực chuyên môn của giáo viên. Dự giờ là dịp để chúng ta thiết kế lại bài học dựa trên thực tế đã xảy ra trong tiết dạy minh họa. Thực tế tiết dạy minh họa giúp chúng ta thấy rõ ý thức, thái độ, phản ứng của học sinh từ đó nghiên cứu xây dựng cách thức đáp lại phản ứng đó, xem xét lại cách tổ chức hoạt động học tập, ra bài tập cũng như việc hướng dẫn học ở nhà để cải tiến việc học của học sinh.

Thứ hai, làm thay đổi suy nghĩ của giáo viên về việc dự giờ. Từ chỗ SHCM để "phán xét" lẫn nhau thành SHCM để phản hồi.

Thứ ba, Khi dự giờ cần tập trung vào việc quan sát thực tế học tập của học sinh, quan sát cử chỉ, thái độ, nét mặt, hoạt động của học sinh. Do đó cũng cần lưu ý giáo viên chọn vị trí ngồi dễ quan sát nhất và phù hợp với không gian lớp học, nên là ngồi hai bên hoặc phía trên. Người dự không nên can thiệp vào việc học của học sinh như mượn sách vở, ghế ngồi hoặc trao đổi với nhau làm người dạy cũng như học sinh mất tập trung.

Khi thảo luận về tiết học học nên theo quy trình sau:

Mở đầu, cần tạo điều kiện cho giáo viên dạy nêu mục tiêu, ý tưởng xây dựng trong thiết kế bài dạy, những ý tưởng đã thực hiện được, những ý tưởng chưa thực hiện được, những tình huống phát sinh đã thực hiện trong khi tiến hành bài học; những điều thấy tâm đắc và cả những điều tự thấy mình chưa hài lòng.

Khi thảo luận, nội dung trao đổi cần tập trung vào việc nhận xét các hoạt động học tập của học sinh: Hoạt động nào hiệu quả, hoạt động nào chưa hiệu quả? Câu hỏi nào hay? Tình huống nào tốt? Học sinh nào, nhóm nào hoạt động hiệu quả, lí do? Học sinh nào chưa tập trung chú ý vào việc học, vì sao?... Giáo viên dự giờ cũng cần trao đổi về những khả năng học sinh đạt được trong thực tế giờ học rồi đem đối chiếu với ý định của giáo viên dạy. Nên tránh cách nói: "Theo tôi phải thế này, thế kia...", "Nếu tôi dạy bài này, tôi sẽ làm thế này, thế kia..." bởi mỗi giờ học có rất nhiều cách dạy khác nhau.

Đối với người chủ trì, cần tạo cơ hội cho tất cả người dự được phát biểu; cần tìm hiểu ý nghĩa của những ý kiến đóng góp nhằm làm sáng tỏ những gì họ muốn phát biểu thì mọi người sẽ học hỏi được nhiều điều; không nhất thiết tổng kết buổi thảo luận mà khuyến khích mỗi giáo viên tự phát triển khả năng tổng kết của mình.

Các bước tiến hành sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học gồm: Bước 1: Chuẩn bị bài dạy nghiên cứu; bước 2: Tiến hành dạy minh họa và dự giờ; bước 3: Suy ngẫm và thảo luận giờ học; bước 4: Ứng dụng.

Như vậy, thành phẩm cụ thể của cách làm nghiên cứu bài học đó chính là giáo án dùng chung. Nó là khung nội dung kiến thức, là tư liệu và các phương pháp cụ thể áp dụng ở bài học đó. Và điều quan trọng  thành phẩm này là kết quả trí tuệ và tâm huyết của mọi thành viên trong tổ chuyên môn. Từ nội dung kiến thức đến phương pháp, cách thức tổ chức giờ dạy… trong giáo án chung đã được tổ chuyên môn suy ngẫm, thảo luận cùng xây dựng, thiết kế và kiểm chứng tính hiệu quả của nó sau khi dự giờ giờ dạy minh họa. Cái mà chúng ta đều nhìn thấy và nhất trí là quá trình tạo ra thành phẩm này chính là quá trình cọ sát thực tiễn và kết nối thân thiện giữa các thành viên trong tổ. Cả hai nhân tố này là con đường thiết thực để nâng cao chất lượng chuyên môn cho mỗi giáo viên. Cách làm này không đơn thuần và dễ dàng, ngược lại nó đòi hỏi sự đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ của mọi giáo viên. Để tạo ra được một giáo án chung – đòi hỏi cả tổ phải có một tinh thần và lộ trình làm việc rõ ràng, thậm chí làm đi làm lại, mới rút ra được một phương án dạy học phù hợp, hiệu quả. Chính sự trải nghiệm trong mỗi lần trao đổi, suy ngẫm và dự giờ đánh giá trong tổ về bài dạy sẽ làm cho mỗi giáo viên trưởng thành và cứng cáp. Tất nhiên, khi vận dụng giáo án chung đó, mỗi giáo viên tùy thuộc vào thực tế giờ học, đối tượng học sinh từng lớp mà có những điều chỉnh hợp lí, không cứng nhắc. Trước đây mạnh ai nấy dạy, độc lập tác chiến bây giờ có cả một cộng đồng học tập và tương tác để cùng nghĩ, cùng làm, rõ ràng chất lượng và tính khả thi của một bài dạy được nâng cao hơn rất nhiều.

Lí thuyết là thế, nhưng bắt tay làm thực không dễ. Làm thế nào luôn là câu hỏi đầy bức xúc và lo lắng của giáo viên. Hy vọng vì chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường mỗi chúng ta sẽ cố gắng hết sức.

 

 

                                                                                      Trần Thị Bích Hồng

 

 

 

Xem bài khác
  • Tích hợp giáo dục sử dụng NLTK&HQ trong môn Sinh học        (12-04-2013)
  • Sử dụng phương pháp ma trận trong ra đề kiểm tra...        (08-01-2013)
  • Nắm chắc khái niệm để học tốt các quy luật di truyền        (04-12-2012)
  • Phương pháp xác định số kiểu gen tối đa trong quần thể        (13-11-2012)
  • Các bài mới đăng
  • Chuyên đề tích hợp: Tiêu hóa với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe con người        (25-12-2014)
  • Vận dụng kiến thức tổ hợp để giải nhanh một số dạng bài tập trong di truyền học        (26-10-2014)
  • Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý và cải tạo môi trường        (27-04-2014)
  • Một số kiến thức liên quan đến bài Gen, mã di truyền và quá trình nhân đôi ADN        (13-02-2014)
  • Hướng dẫn học sinh làm bài tập chương I SGK 12 - Cơ chế di truyền và biến dị        (25-12-2013)
  • Lồng ghép giáo dục môi trường vào trong tiết học        (14-11-2013)
  • Đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học        (31-10-2013)
  • Tích hợp giáo dục sử dụng NLTK&HQ trong môn Sinh học        (12-04-2013)
  • Sử dụng phương pháp ma trận trong ra đề kiểm tra...        (08-01-2013)
  • Nắm chắc khái niệm để học tốt các quy luật di truyền        (04-12-2012)