Những điểm mới kỳ thi THPT quốc gia 2015 bản chính thức
28-02-2025
Tóm tắt Quy chế tuyển sinh 2015 chính thức có rất nhiều điểm thay đổi so với dự thảo công bố trước đó bao gồm:
►Thang điểm sử dụng là thang điểm 10.
►Hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi là trước ngày 30/4 hàng năm thay vì 1/4 như đã công bố. Dự kiến đăng ký làm hồ sơ từ 1/4
► Điểm liệt: là 1 điểm
► Được mang Atlat vào phòng thi
► Mỗi thí sinh chỉ có 1 số báo danh duy nhất
► Đối với xét tuyển vào đại học sau khi thi mỗi thi sinh được cấp 04 giấy chứng nhận kết quả thi tương đương 4 nguyện vọng.
Nguyện vọng 1 như quy định cũ trong dự thảo đó là NV1 chỉ được xét tuyển vào một trường, trong một trường xét tối đa 4 ngành hoặc nhóm ngành, còn các nguyện vọng bổ sung (Từ nguyện vọng 2 trở đi) Khác với việc đăng kí xét tuyển nguyện vọng 1, khi đăng kí xét tuyển nguyện vọng bổ sung, các em có thể đồng thời sử dụng cả ba giấy xác nhận kết quả thi để đăng kí vào 3 trường khác nhau. Mỗi trường có thể đăng kí tối đa 4 nguyện vọng
► Đề thi Ngoại ngữ sẽ bao gồm phần viết và phân trắc nghiệm
PGS-TS Trần Văn Nghĩa cục phó cục khảo thí cho biết: "Dự kiến với môn ngoại ngữ, đề thi vẫn sẽ gồm phần viết và phần trắc nghiệm như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014"
► Cấu trúc Đề thi THPT quốc gia 2015 tăng cường độ phân hóa, nhiều câu hỏi mở
- Có cấu trúc tương tự như đề thi tuyển sinh tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng năm 2014
- Bám sát chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 , không đánh đố, lắt léo. Trong đó các môn khoa học xã hội sẽ theo hướng mở, giảm chuyện học thuộc lòng mà yêu cầu học sinh phải biết phân tích sự kiện nhất sự kiện nóng trong xã hội. Đề các môn khoa học tự nhiên thì ngoài việc đánh giá kiến thức THPT, sẽ tập trung vào các câu hỏi vận dụng kiến thức, thực hành.
- Về cơ bản thời gian các môn thi trắc nghiệm 90; các môn tự luận 180 phút. Đề thi có 2 mục đích khác nhau nên sẽ đảm bảo độ phân hóa cao.
- Đề thi gồm 2 nhóm câu hỏi , nhóm 1 giống các câu hỏi đề thi tốt nghiệp năm 2014 đảm bảo học sinh trung bình có thể tốt nghiệp,nhóm 2 câu hỏi khó để phân loại thí sinh để tuyển vào Đại học, cao đẳng.
- Đề thi đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống.
- Đề thi các môn khoa học xã hội và nhân văn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí đã được ra theo hướng mở để khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng, đồng thời huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của học sinh vào việc làm bài (chẳng hạn, trong đề thi Ngữ văn có kiến thức về Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân...);
- Cụ thể, đối với đề Sử, Địa sẽ giảm học thuộc lòng và nhớ dữ liệu. Ví dụ đối với đề Sử, sẽ đưa ra sự kiện và yêu cầu phân tích sự kiện đó. Các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh sẽ tăng cường đánh giá việc vận dụng kiến thức của học sinh.
-Đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản cho hầu hết thí sinh, và yêu cầu nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Mỗi thí sinh chỉ có 1 số báo danh duy nhất
Thí sinh dự thi sẽ được lập danh sách theo thứ tự a, b, c,... của tên thí sinh theo từng môn thi để xếp phòng thi.
Mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất. Số báo danh của thí sinh gồm phần chữ là mã số của Hội đồng thi và phần số có 06 chữ số được đánh tăng dần, liên tục đến hết số thí sinh của Hội đồng thi, đảm bảo trong Hội đồng thi không có thí sinh trùng số báo danh
Có hai loại cụm thị cho các học sinh có mục đích thi khác nhau, danh sách cụm thi Bộ giáo dục sẽ công bố thời gian sắp tới.
Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh), do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GDĐT;
Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GDĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.
Đối tượng dự thi là người người đã học hết chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi; Người đã học hết chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước; người đã tốt nghiệp THPT; người đã tốt nghiệp trung cấp; các đối tượng khác được Bộ GDĐT cho phép dự thi (gọi chung là thí sinh tự do).
Các đối tượng dự thi không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi; đăng ký dự thi và nộp đầy đủ, đúng thủ tục, đúng thời hạn các giấy tờ và lệ phí đăng ký dự thi theo quy định.
Bên cạnh đó, đối với học sinh đang học THPT thì phải đảm bảo các điều kiện được đánh giá, xếp loại ở lớp 12: hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém. Riêng đối với người học GDTX thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thì không yêu cầu xếp loại hạnh kiểm.
Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT phải đảm bảo các điều kiện: Đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS); Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0, đảm bảo khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm đủ điều kiện về học lực theo quy định.
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận có đủ tư cách, phẩm chất đạo đức và nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.
Dự kiến đăng ký dự thi từ 1/4 và Đăng ký trước ngày 30/4
Học sinh đang học THPT đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12; Thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do sở GDĐT quy định.
Hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi: trước ngày 30/4 hằng năm.Khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc cho Hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.
Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị.
Hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT được thí sinh hoàn thiện và nộp tại nơi đăng ký dự thi theo quy định trong hướng dẫn hằng năm của Bộ GDĐT.
Chấm theo bài thi theo thang điểm 10, điểm liệt là 1,0
Quy chế thi THPT quốc gia cũng cho biết, bài thi của thí sinh được chấm thi theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GDĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.
Điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN): gồm điểm 4 bài thi thí sinh đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; được tính theo công thức sau:
Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy vi tính tự động thực hiện.
Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên, tất cả các bài thi đều đạt trên 1,0 điểm và có ĐXTN từ 5,0 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.
Học sinh được miễn thi ngoại ngữ sẽ được tính 10 điểm
Theo quy chế thi THPT quốc gia thì đối tượng được miễn thi ngoại ngữ là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT; Có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ GDĐT.
Thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ được tính 10 điểm cho môn này để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh không sử dụng quyền được miễn thi môn Ngoại ngữ thì phải dự thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT như thí sinh không được miễn thi.
Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ quyết định việc sử dụng hay không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.
Những điểm mới trong tuyển sinh ĐH,CĐ 2015:
Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ thì điều kiện để tham gia tuyển sinh đó là tính đến thời điểm xét tuyển, đã tốt nghiệp THPT (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc đã tốt nghiệp trung cấp (trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề), sau đây gọi chung là tốt nghiệp trung học.
Người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Đối với các trường sử dụng kết quả của kì thi THPT quốc gia thì duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi mà trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014 và các năm trước (sau đây gọi là khối thi truyền thống) để xét tuyển.
Nếu thay đổi các khối thi truyền thống, các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ GDĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng khác ít nhất 3 năm trước khi áp dụng.
Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống.
Việc thêm các tổ hợp môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc:
Sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển; các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành; Đối với trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hoá kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển; Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Sẽ có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ("Điểm sàn")
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ cũng cho biết, căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1,0 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.
Tổ chức xét tuyển đối với những thí sinh đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển sẽ tuân thủ nguyên tắc: Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GD-ĐT; Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.
Tổ chức nhận và trả hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh theo nguyện vọng; Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường và học sinh các trường Dự bị đại học được giao về trường), HĐTS trường xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển.
Các trường có thể xây dựng phương án điểm trúng tuyển chung cho toàn trường hoặc cho từng ngành, nhóm ngành của trường.
Thí sinh có một nguyện vọng chính và 3 nguyện vọng bổ sung
Để tham gia xét tuyển thì sinh nộp hồ sơ và lệ phí ĐKXT cho trường qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại trường.
Đăng kí xét tuyển nguyện vọng I: Thí sinh dùng bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng I để đăng ký. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được ĐKXT ở các đợt xét tuyển tiếp theo;Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường khác.
Đăng kí xét tuyển nguyện vọng bổ sung:Thí sinh dùng 3 bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung để đăng ký; Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ ĐKXT để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.
Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.
Hồ sơ ĐKXT gồm có: Phiếu ĐKXT có ghi rõ đợt xét tuyển, cho phép thí sinh đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển. Các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4; Bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi tương ứng với đợt xét tuyển (nguyện vọng I hay nguyện vọng bổ sung); Một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển.
Tuyển sinh tại các trường tổ chức tuyển sinh riêng
Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ ĐH và 5,5 đối với hệ CĐ (theo thang điểm 10).
Trường ĐH, CĐ đóng tại các tỉnh biên giới, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và trường CĐ cộng đồng đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương có thể xét tuyển các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh, địa phương này ở mức thấp hơn 0,5 điểm so với mức quy định. Những học sinh này phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.
Đối với trường xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung cấp vào các ngành học trình độ CĐ, phải quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh cách thức xét tuyển vào ngành học phù hợp và các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào. Đối với các ngành năng khiếu thuộc khối ngành văn hóa - nghệ thuật, điểm xét tuyển của các môn văn hóa phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu để hoàn thành chương trình phổ thông và được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ GDĐT chấp thuận.
Về việc tổ chức thi đối với các trường tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển thì yêu cầu về đề thi thực hiện theo quy định tại Quy chế thi THPT quốc gia; Đối với các môn thi năng khiếu và các môn thi đặc thù khác: thực hiện theo quy định tại Quy chế tuyển sinh do Hiệu trưởng ban hành sau khi lấy ý kiến của Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường, báo cáo Bộ GDĐT và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường.
Việc tổ chức coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo thực hiện thực hiện theo Quy chế tuyển sinh của trường. Nội dung Quy chế tuyển sinh của trường không được trái với các quy định trong Quy chế thi THPT quốc gia.
Chế độ ưu tiên được thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ; Thời gian đăng ký thi tuyển, xét tuyển do Hiệu trưởng các trường quy định phù hợp với phương thức tổ chức đào tạo tại trường và khung kế hoạch thời gian năm học của giáo dục phổ thông. Thời gian kết thúc tuyển sinh được thực hiện theo lịch của Bộ GDĐT.
Thí sinh sau khi thi xong sẽ được cấp 04 giấy chứng nhận kết quả thi, 04 giấy chứng nhận tương ứng 4 nguyện vọng 1, 2, 3, 4 với 4 đợt xét tuyển
Đối với mỗi nguyện vọng nguyễn vọng xét tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường. Mỗi giấy có thể đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường hoặc 4 khối của cùng 1 ngành nếu ngành đó có xét tuyển nhiều khối.
Thí sinh khi xét vào một trường phải đánh số thứ tự 4 quyền của mình với 4 mức ưu tiên từ 1 đến 4. Tức là khi trúng tuyển ngành ưu tiên 1 sẽ không xét tới ngành ưu tiên 2, còn ngược lại nếu ưu tiên 1 không trúng thì được xét tiếp ưu tiên 2 tương tự các mức ưu tiên khác
► Phòng thi được xếp theo môn thi, mỗi phòng thi có tối đa 40 thí sinh; trong phòng thi phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa 2 Thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 m theo hàng ngang. Riêng phòng thi cuối cùng của mỗi môn thi được xếp đến 45 Thí sinh.
TS chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn địa lý; các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
TS không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.
-> Tải toàn bộ Quy chế Tuyển sinh 2015 tại đây: Tải quy chế tuyển sinh 2015 bản Full