Đ/c: Ba Đồn - Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình. Tel: 052.3514658 Email: contact@thpt-so1quangtrach-quangbinh.edu.vn
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Diễn đàn Ý kiến

Trang chủ >> Ngoại ngữ


Đổi mới phương pháp dạy đọc - hiểu môn tiếng Anh
26-01-2015

Chuyên đề

Đổi mới phương pháp dạy đọc - hiểu môn tiếng Anh

 

Kỹ năng đọc hiểu là một trong bốn kỹ năng hết sức quan trọng trong quá trình dạy và học tiếng Anh: nghe, nói, đọc, viết. Trong chương trình tiếng Anh, một bài đọc thường có rất nhiều từ và cấu trúc mới mà học sinh chưa được tiếp cận hoặc đã quên. Vì vậy, việc phát triển kỹ năng đọc hiểu cho HS là một nhiệm vụ thiết yếu để cho các em có khả năng không chỉ đọc, hiểu những bài trong chương trình mà còn có thể tự đọc ở nhà để mở mang vốn kiến thức.

Thành thạo kỹ năng đọc hiểu còn giúp cho việc phát triển tư duy, sáng tạo, tính độc lập tự chủ của các em, phục vụ cho quá trình học tiếng Anh nói chung, với mục đích biến tiếng Anh thành ngôn ngữ của chính bản thân mình trong giao tiếp, sử dụng nó như một chiếc chìa khoá vàng mở ra kho tàng tri thức quí báu vô tận của nhân loại. Để có thể giúp các em tiếp cận với các bài đọc trong chương trình tiếng Anh một cách dễ dàng, khoa học và tích cực hơn. tôi xin trình bày một số ý kiến về đổi mới phương pháp trong quá trình dạy đọc hiểu. Theo phương pháp mới, dạy một bài đọc hiểu thường được chia ra làm 3 phần: Pre - Reading, While Reading và Post Reading.

I. Pre - Reading

1. Giới thiệu từ vựng (Vocabulary)
Trước đây khi dạy từ mới, chúng ta thường sử dụng  phương pháp sau: Giáo viên đọc mẫu từ mới, đưa ra tranh ảnh, vật thực để nêu nghĩa của từ, sau đó yêu cầu HS đọc đồng thanh và đọc cá nhân rồi viết từ lên bảng.
Hiện nay, phương pháp dạy từ mới đã được thay đổi trên cơ sở phát huy mặt tích cực của phương pháp cũ đồng thời áp dụng  nguyên tắc lấy người học làm trung tâm, học mà chơi, chơi mà học, tạo không khí sôi nổi tranh đua lành mạnh giữa các em, giúp các em tự phát hiện ra kiến thức mới. Có như vậy từ mới khắc sâu được trong trí nhớ của HS và có thể vận dụng được trong thực tiễn chứ không sáo rỗng, hình thức.
Ví dụ: Giới thiệu chủ điểm từ mới “Going to the circus”
Bước 1: Đưa ra một bức tranh về hình ảnh rạp xiếc có các con thú và người thuần dưỡng thú... để giới thiệu từ. Ngoài ra có thể dùng phương pháp dịch, nêu tình huống, vật thực, từ đồng nghĩa trái nghĩa hoặc dùng hành động để minh hoạ. Hỏi xem HS có biết từ đó bằng tiếng Anh nói như thế nào.
Bước 2: Cho HS đọc đồng thanh và đọc cá nhân rồi viết từ lên bảng
Bước 3: Yêu cầu HS nêu nghĩa tiếng Việt của từ và đánh dấu trọng âm
-         a circus: rạp xiếc (trực quan)
-         nice- looking = beautiful (đồng nghĩa)
-         to attract: thu hút (dịch)
Trong một bài đọc thường có rất nhiều từ mới nhưng không cần thiết phải dạy hết các từ mà chỉ chọn từ 8 đến 10 từ trọng tâm, còn các từ khác có thể để cho HS tự đoán nghĩa. Một số em khá giỏi có thể tự đoán nghĩa của từ thông qua văn cảnh nhưng hầu hết các HS khác cần được hướng dẫn. Việc đầu tiên là giáo viên cần phải phân loại xem từ nào cần phải dạy, từ nào có thể đoán được qua ngữ cảnh và từ nào không cần thiết thì có thể bỏ qua.
Sau khi đã giới thiệu từ mới, có rất nhiều phương pháp để khắc sâu việc nhớ từ cho học viên: Matching, Rub out and remember, Slap the board,...

2. Một số phương pháp mới để thu hút sự chú ý của HS trước khi đọc bài (Pre-Reading Technique):
- True or False Statement Prediction
- Ordering Statement
- Ordering Vocabulary
Ngoài ra còn có rất nhiều cách khác cũng rất hiệu quả như: Ordering picture, Open Prediction, Listen and Draw...
II. While Reading

Mục đích của phần này là đọc để hiểu nội dung của bài, kiểm tra phần dự đoán ở Pre-Reading và thực hiện một số hoạt động để khắc sâu nội dung của bài.
Đọc có nhiều cách: đọc to, đọc thầm và đọc đồng thanh. Nhưng với trình độ của học sinh chúng ta không nên cho các em đọc to, các em có thể đọc thầm để tìm hiểu nội dung của bài. Hàng ngày, mọi thứ mà chúng ta đọc hầu như đều bằng cách đọc thầm. Khi đọc thầm, mắt chúng ta có thể nhìn lướt từ trên xuống dưới để nắm bắt thông tin, điều mà khó có thể làm được nếu cứ đọc to từng từ một. Tôi có thể nêu ra đây rất nhiều lý do khiến chúng ta không nên cho HS đọc thành tiếng trong tiết đọc hiểu:
-         Khi đọc to, HS chỉ luyện được cách phát âm thay vì hiểu rõ nội dung bài đọc.
-         Làm mất nhiều thời gian dành cho các hoạt động khác
-         Giáo viên sẽ phải ngắt quãng học viên để sửa lỗi phát âm
Bản thân giáo viên cũng không nên đọc mẫu cả bài cho HS trong khi đang muốn rèn kỹ năng đọc hiểu cho các em bởi vì:
-         Giáo viên có thể đọc quá nhanh HS không theo kịp, với việc đọc thầm các em có thể dừng lại chỗ nào các em chưa hiểu để đọc lại
-         Sau này sẽ còn nhiều lần các em phải tự đọc lấy bài, đọc thầm sẽ giúp các em chủ động trong quá trình học mà không phải phụ thuộc vào giáo viên.
Trên đây là những lý do chúng ta nên cho HS đọc thầm trong một tiết dạy kỹ năng đọc hiểu. Sau khi cho các em tự đọc, ta có nhiều hoạt động để kiểm tra việc đọc của các em: “WH Questions”, “Multiple Choice”, “Gap Filling”,... Tất cả các hoạt động trên có thể  cho HS hoạt động theo cặp hay nhóm hoặc tổ chức thành các trò chơi như “Lucky Number”, “Noughts and Crosses”, “Chain Game”... để tạo không khí học tập sôi nổi, thu hút sự chú ý của các em thì tiết học mới có hiệu quả, không hình thức, tất cả các em ở mọi trình độ đều có thể tham gia vào hoạt động học tập. Việc này còn đáp ứng được nhu cầu tâm sinh lý lứa tuổi của các em thích giao lưu, thích tự khẳng định mình.
 III. Post Reading

Trong phần này giáo viên có thể tổ chức một số hoạt động như “Role Play”, “Matching”, “Rewrite”, “Discussion”..... để củng cố kiến thức và liên hệ thực tế. Có thể cho HS đóng vai để phỏng vấn, thảo luận về chủ đề của bài,... Thông qua những hoạt động này, các em không chỉ hiểu bài mà còn có cơ hội rèn luyện thành thạo kỹ năng đọc hiểu phục vụ cho việc tự học ở nhà hoặc khi làm bài kiểm tra, biết vận dụng linh hoạt trong thực tế. Những tiết học tiếng Anh vì thế sẽ ngày càng trở nên sôi nổi và hào hứng hơn, các em sẽ tích cực tham gia xây dựng bài, tự hoàn thiện kĩ năng đọc hiểu, từ đó hoàn thiện các kỹ năng khác như nghe, nói và viết.
Trên đây là một số giải pháp gợi ý nhằm cải thiện phương pháp dạy kĩ năng đọc - hiểu. Tuy nhiên, đổi mới phương pháp giảng dạy còn là một chặng đường dài và cần phải có sự đóng góp của tất cả những người thầy chúng ta, những người có tâm huyết với nghề, với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp trao đổi ý kiến của các bạn đồng nghiệp.

 

 Nguyễn Thị Lan


 

Xem bài khác
  • What is right word wrong word?        (28-12-2014)
  • Types of task/ item types        (17-09-2014)
  • My paternal grandmother        (17-09-2014)
  • Cách đổi một câu chủ động (active) sang câu bị động (passive)        (25-03-2014)
  • Các bài mới đăng
  • Đổi mới phương pháp dạy đọc - hiểu môn tiếng Anh        (26-01-2015)
  • What is right word wrong word?        (28-12-2014)
  • Types of task/ item types        (17-09-2014)
  • My paternal grandmother        (17-09-2014)
  • Cách đổi một câu chủ động (active) sang câu bị động (passive)        (25-03-2014)
  • Nine Characterstics of a Great Teacher        (25-02-2014)
  • The different uses of -GET-        (22-01-2014)
  • Cách sử dụng To Be trong một số trường hợp        (14-11-2013)
  • Kế hoạch thi giải tiếng Anh trên mạng        (06-11-2013)
  • Adverbs with two forms and differences in meaning        (22-08-2013)