Người giáo viên khi ra trường, luôn mong muốn thực hiện tốt hai nhiệm vụ: giảng dạy và chủ nhệm. Đó cũng là đích phấn đấu của bất kỳ nhà giáo nào.
Dạy và chủ nhiệm là hai mặt rất quan trọng trong trường phổ thông. Tôi xin bàn về công tác chủ nhiệm lớp. Đây là công việc thầm lặng, nhưng đòi hỏi người giáo viên phải rất cần mẫn, chuyên tâm. Công việc này không phải ngày một, ngày hai là gặt hái được thành công mà phải là hàng tháng, hàng năm trời mới có kết quả. Công tác chủ nhiệm đòi hỏi người giáo viên phải có "cái tâm của người thầy giáo". Theo tôi nghĩ, giáo viên chủ nhiệm phải hiểu rỏ hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp mình. Phải nhạy cảm với từng biến đổi của học sinh: cả về mặt tích cực và mặt tiêu cực.
Nếu là mặt tích cực, phải phát huy kịp thời, động viên đúng lúc. Nếu là mặt tiêu cực phải chấn chỉnh và có biện pháp phù hợp giúp uốn nắn các em ngay. Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm nhỏ. Năm đó, tôi chủ nhiệm lớp 12A2. Những học sinh lớp này đều ngoan có ý thức lo lắng, chăm chỉ học tập, chuẩn bị kiến thức để thi vào đại học. Cả học sinh và phụ huynh đều có quyết tâm cao. Tôi cũng yên tâm, chắc năm này học sinh mình sẽ tự giác, không cần nhắc nhở nhiều. Nhưng có một tuần, nhìn vào sổ đầu bài lớp, tôi thấy em D nghĩ tiết nhiều, mặc dù các tiết này em đều có phép. Tôi quyết định hỏi lớp trưởng và tìm hiểu qua các em học sinh khác. Được biết, dạo này D rất phân tán tư tưởng, không chú ý học, hay bỏ tiết đi chơi, các giấy phép đều mạo chử ký của mẹ. D đang chú ý đến một bạn gái trong lớp, nên việc học hành sao nhãng.
Suy nghĩ đầu tiên của tôi là phải tìm cách giúp em thoát khỏi vũng lầy tình cảm. Lứa tuổi các em bây giờ đang dễ có những rung động đầu đời, các em đã trưởng thành, nên những tình cảm đó cũng là chuyện thường tình nhưng làm ảnh hưởng đến học tập thì phải chấn chỉnh ngay. Nói trước đông người sẽ làm các em tự ái. Tôi quyết định nói chuyện riêng với em và sau đó viết cho em một lá thư, khuyên em cố gắng học tập, cố gắng đạt được mục đích cuộc sống: có được một nghề để sau này có công việc ổn định, đảm bảo cho cuộc sống tương lai, mọi ước muốn của mình mới thực hiện được, chuyện tình cảm sau này nói tới cũng chưa muộn. Tôi cũng gặp riêng mẹ em, trao đổi tình hình và tư vấn cho chị để chị uốn nắn và giúp con mình đi đúng hướng, không bị sa lầy trong tình cảm. Rất may, sau đó D đã đậu Đại học quân sự. Nhiều năm sau, em vẫn điện về cho tôi hỏi thăm sức khoẻ và kể chuyện học tập cho tôi nghe. Em vẫn không quên cảm ơn tôi về lá thư đó. Đối với tôi đó là liều thuốc bổ, là nguồn động viên lớn, giúp tôi có nghị lực trong cuộc sống, giúp tôi yêu nghề hơn.
Và tôi cũng rút ra một chân lý là: nếu hiểu rõ sự việc, kết hợp với "cái tâm" của người Thầy giáo sẽ có những biện pháp thích hợp cho mỗi học sinh của lớp mình chủ nhiệm. Tình thương, sự quan tâm chân tình của Cô chủ nhiệm sẽ là hành trang cuộc sống của các em.