Đ/c: Ba Đồn - Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình. Tel: 052.3514658 Email: contact@thpt-so1quangtrach-quangbinh.edu.vn
Trang chủ Giới thiệu Tin tức Diễn đàn Ý kiến

Trang chủ >> Trang thơ,văn


Chiến tranh đi qua một vùng đất ...
02-10-2012

CHIẾN TRANH ĐI QUA MỘT VÙNG ĐẤT, MỘT VÙNG VĂN HÓA

(Tham luận tại Hội thảo “Tiểu thuyết Chân trời mùa hạ của nhà văn Hữu Phương” tổ chức tại Trường Đại học Quảng Bình ngày 22.9.2012)

 

                                          HOÀNG ĐĂNG KHOA

1. Không gian nghệ thuật của Chân trời mùa hạ là một không gian đậm chất sử thi. Đó là xã Đại Hòa, một miền quê nơi đất lửa Quảng Bình, dải đất tựa như cái eo lưng của người mẹ Việt. Nơi đây là cửa ngõ của mặt trận, là bàn đạp của cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20. “Hậu phương đấy. Và cũng tiền tuyến đấy”. “Những mạch đường đi qua đây như eo thắt cổ chai, dày đặc hơn, chảy xiết hơn, hối hả và gấp gáp hơn. Không có chuyến xe nào ra mặt trận không đi qua đây. Và không có bước chân người lính nào đi vào chiến trường không in dấu ở mảnh đất này. Đêm đêm, xe và người rộn rịch. Vũ khí và lương thực. Đạn dược và thuốc men. Xe thồ và vai vác. Bộ đội và thanh niên xung phong. Đàn ông và đàn bà. Quân vào và cáng thương ra. Tiếng cười và tiếng hát. Bom nổ và lửa cháy. Máu và bùn. Đạn túa lên trời và bom rơi xuống đất. Tiếng thét và tiếng rên. Tiếng giảng bài và tiếng trẻ sơ sinh. Trên mặt đất và trong lòng đất. Mùi thơm hoa rừng và mùi khét diêm sinh…”.

2. Để có được tác phẩm thành công về đề tài chiến tranh cách mạng, nhà tiểu thuyết không chỉ vào vai nhà lịch sử miêu tả chiến tranh đơn thuần, mà còn phải là một nhà văn hóa khám phá cuộc sống chiến tranh trong những vỉa tầng sâu, xa của nó. Trong Chân trời mùa hạ, Hữu Phương không chỉ tái kiến tạo qui mô sử thi về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, mà còn phát lộ các giá trị văn hóa – lịch sử, các giá trị tinh thần nhân văn trầm tích ngàn đời, được phát tiết, thăng hoa trong cuộc sống chiến đấu và lao động sản xuất của một vùng đất, một vùng văn hóa. Hiện thực chiến tranh trong Chân trời mùa hạ không chỉ gồm những diễn biến cụ thể, hết sức phức tạp, đa dạng trong tiếng máy bay gầm rít điên loạn, tiếng bom đạn réo sôi…, nghĩa là tất cả những gì ta nhìn thấy, nghe thấy, mà còn bao gồm cả những âm hưởng, vẻ đẹp độc đáo và nhịp điệu tinh thần của con người và của cuộc sống trong chiến tranh, nghĩa là những gì ta cảm thấy. Sự nghiệp giữ nước của dân tộc đã được tạo dựng bằng cả chiều sâu văn hóa. Đây là một hướng đào sâu, tìm tòi đáng kể của Hữu Phương.

Chiến thắng của một Việt Nam đất không rộng, người không đông trước một kẻ địch hùng mạnh với vũ khí hiện đại bậc nhất thế giới đến từ bên kia đại dương là đế quốc Mỹ, đến bây giờ vẫn là một niềm kinh ngạc đối với cả thế giới. Cái linh khí, hồn thiêng núi sông xứ sở, cái huyền bí của đất và người Việt Nam là nguồn sức mạnh vô hình vô song đã góp phần đắc lực làm nên chiến thắng. Cái luận đề này một lần nữa được Hữu Phương khẳng định trong Chân trời mùa hạ. Cuốn tiểu thuyết đã đưa người đọc thám hiểm không gian đất và người Quảng Bình trong cuộc sống chiến tranh để cảm nhận cái thần diệu của dải đất này và của những con người xứ sở này, cái dải đất và những con người mà địch không thể nào hiểu nổi. Thế đất nơi đây hiểm trở, địa hình địa vật cùng với con người hợp đồng tác chiến, người nơi đây cực kỳ thông minh, tinh nhạy, tính toán như thần. Họ thuộc lòng những ngón võ mà địch sẽ tung ra. Họ tương kế tựu kế, bí mật đón chờ. Kẻ địch ngờ rằng, cứ ném bom đánh sập những chiếc cầu, cắt đứt những con đường lớn, là đối phương như bị chặt tay chặt chân, không đưa người và vũ khí vào Nam được nữa. Chúng không lường được rằng, “những con đường giao liên như những sợi chỉ ngoằn ngoèo, tỏa ra rồi chập lại ở một nút nào đó, rồi lại tỏa ra, len lách, luồn lũi; như những mạch máu cơ thể, dẫn quanh quất dưới những tán cây, những chân đồi, qua những xóm làng, những khe suối, những chiếc cầu gỗ bắc dã chiến, qua những bến đò ẩn dọc mép sông; có chỗ lại chập lại, nhập với một đoạn quốc lộ nham nhở, meo mốc; có chỗ nhập với một đoạn đường hỏa xa mọc trùm cây dại”. Cùng với mạng đường giao liên cực kỳ biến hóa, một hệ thống đường ô tô thoắt ẩn thoắt hiện qua những ngầm đá, qua những bến phà, qua những sườn đèo đỏ loét hố bom, và có khi lẩn vào những cánh rừng bạt ngàn cao su, cà phê hay thông nhựa và cả những cánh rừng đại ngàn thâm u. Những con đường gần như không cố định; hôm nay có thể đi qua đỉnh đồi này, nhưng ngày mai đã xẻ xuống mép đồi kia. Có khi vài tuần, vài tháng lại quay về lối cũ, thậm chí lại chạy ngay trên quốc lộ thênh thang rải nhựa mà kẻ địch ít ngờ tới. “Nghĩa là, cuộc chiến giữa những người đi trên mặt đất với đội quân thiện chiến của quân lực Hoa Kỳ ở trên trời, xét theo phương diện nào đó, cứ như trò chơi ú tim. Máy bay đánh ban ngày thì xe đi ban đêm. Máy bay đánh ban đêm thì xe đi ban ngày. Chúng đánh về sáng thì xe đi đầu hôm. Chúng đánh đầu hôm thì xe đi về sáng. Chúng đánh cả ngày lẫn đêm thì xe đi cả đêm lẫn ngày”. Lũ giặc lái của Mỹ điên tiết đổ không biết bao nhiêu bom đạn xuống ngầm Chánh Hòa, nhưng cái ngầm vẫn trơ lỳ những rọ đá xếp kè chắc chắn. Và đêm đêm, dòng sông xe vẫn lầm lũi ra trận qua ngầm này. Khi trời rạng sáng thì tất cả đâu vào đấy, xe đã ở những điểm giấu an toàn, lái xe mắc võng ngủ, để lại con đường và ngầm đá lặng im như chưa bao giờ có chuyện gì xảy ra, như chưa có đêm đêm hàng đoàn người, xe nườm nượp ra trận. Những đêm tối trời, để xe không bị rơi xuống vực hay xuống các hố bom, các cô gái làm đường chỉ còn cách xắn cao quần, đứng cách nhau mỗi người một quãng. Và những cặp chân trắng ngần thiếu nữ của họ thành hàng cọc tiêu dẫn xe lên. “Đấy, những con đường chuyển quân của ta như thế đấy, kẻ địch làm sao hiểu nổi?”. “Mưu cao của những con người nơi đây, kẻ địch làm sao có thể lường hết được?”. “Có lẽ trên thế giới này, không có nơi nào con đường ra trận lại gan góc và lãng mạn như ở nơi này”…

Chiến tranh và thiên tai đã dạy cho những con người xứ sở nhỏ hẹp và gió cát này biết tìm ra quy luật để tồn tại và chiến đấu. Ông trời luôn vào hùa với thằng địch luôn dốc sức làm dữ, hết bão lụt ùng ục cuồng réo đến gió lào dội những thác lửa hầm hập bỏng rát lên mọi nơi, thổi rào rạt ngày đêm không ngớt. Trời thử lòng người. Cái khó ló cái khôn. Dân Đại Hòa đã đi qua những năm đói khó, nói đúng hơn là đã đi qua những năm tháng nhịn phần lương thực của mình cho mặt trận, bằng trăm nghìn phương cách khác nhau. Ai cũng hiểu rằng, phải tranh cướp thời gian với kẻ địch. Ai cũng khẩn trương mà bình tĩnh, hối hả mà cẩn trọng. Cho nên, cứ thấy bom đạn liên miên, bom đạn đầy trời, mà cuộc sống vẫn sinh sôi. “Bên cạnh hố bom dày đặc của trọng điểm chết, những ruộng lúa vẫn được cấy tự bao giờ. Rồi mùa màng lên xanh, rồi lúa chín được gặt hái tự khi nào. Đêm trước quả bom tấn đào một hố sâu, nước rỉ ra thành một giếng trời, hôm sau đã thấy họ hàng nhà ếch nhái, ễnh ương kéo nhau về đẻ những bọc trứng nổi màng trên mặt nước. Ít ngày sau đã thấy ai đó cắm những gốc môn bạc hà quanh mép nước. Không chừng tháng sau trở lại đã thấy rau muống bò mặt nước và khoai lang phủ kín bờ”. “Cánh đồng đất trũng phơi trong gió lào bốc lửa nằm ven quốc lộ, ven đường hỏa xa, ngay cả trọng điểm bom Chánh Hòa, lại biến thành cánh đồng xanh từ khi nào”. Sau một ngày náo động vì cuộc mưu sinh truyền kiếp con người và vì bom đạn quân thù tàn phá, xóm mạc nhà nhà lại lên khói bếp; cảnh yên bình trở lại như thể chưa có chiến tranh vừa đi qua mấy phút trước đó. Sức hủy diệt man dã của kẻ địch không thể thắng được cái sức sinh tồn cường tráng của con người nơi đây.

Đọc Chân trời mùa hạ, cứ đầy lên trong chúng ta cái nội lực sống gân guốc, vạm vỡ của người Quảng Bình trong cuộc chiến. Họ như những cây xương rồng cứ nở hoa trên cát bỏng, như những vườn chè Đại Hòa cứ sinh sôi, xanh tốt giừa trời đại hạn. Đó là một ông giáo Duẩn về hưu đức độ, mực thước với mái tóc sớm muối tiêu, khuôn mặt khắc khổ, sống cuộc sống tằn tiện, căn cơ, cùi cụi một mình, vò võ dõi theo đứa con độc nhất, niềm hy vọng và nơi tựa đỡ cuối cùng của đời ông. Đó là một bà Mày với bàn tay gân guốc, đôi tay khô gầy như nhánh củi, khuôn mặt răn reo rám nắng. Thượng đế cướp trắng nhan sắc và hạnh phúc của bà, bù lại cho bà một sức khỏe và phẩm hạnh ít ai bằng. Tuồng như trời sinh ra bà để cứu giúp người khác, vì người khác. Đó là bác Niệm, bí thư đảng ủy xã mẫn cán, dũng cảm và gan lỳ, lấy sinh mệnh của cánh đồng Đại Hòa làm lẽ sống, “với chiếc xắc cốt bằng vải bạt vỗ vỗ bên hông”, luôn đau đáu vì đời sống của hàng ngàn hộ xã viên, và quan trọng hơn là lương thực đóng góp cho mặt trận. Đó là thằng Tiệng với thân hình đen nhẻm, gầy guộc và mái tóc vàng hoe vì nắng gió, mới mười lăm tuổi đã nằng nặc đòi đi bộ đội; mừng húm, sướng nhảy cỡng lên khi sở nguyện được chấp nhận. Rồi nó dần thành liên lạc xã. Đêm hôm tối tăm, hay giữa lúc bom rơi đạn nổ, có công việc là nó lao đi. Đó là Thiện, là Cẩm, những thanh niên đã không chọn con đường vào đại học, vào chốn yên hàn, xa lánh được hòn tên mũi đạn, hứa hẹn tương lai tươi sáng mà đã tình nguyện ở lại vùng đất ác liệt nơi cửa ngõ mặt trận này. Đó là chị Loan, là Phong, là Kiên, là Thuận, là Xuyến, là Phượng, là những chàng trai cô gái có tên và không tên đã tận hiến tuổi trẻ của mình cho công cuộc chiến đấu và lao động sản xuất nơi mảnh đất này. Những cặp môi thanh tân của họ cứ khát cháy nụ hôn. Mặc cuộc chiến tàn khốc, mặc lam lũ đời thường, bất chấp thời gian nắng chan bom dội, những mối tình thanh khiết cứ đằm thắm trung trinh (mối tình giữa bác Niệm và bà Thiệp, mối tình giữa Thiện và Cẩm…). Những con người xứ sở này mang một vẻ đẹp khỏe khoắn và rực rỡ, một vẻ đẹp vừa mang chất phồn thực của người nông dân chất phác, vừa cao khiết của thánh thần. Chính những tấm lòng nông dân thơm thảo và thuần hậu của những con người dũng cảm và mưu trí, bao dung và độ lượng, cô đơn và mất mát, run rẩy trắc ẩn đa mang, tràn ngập tình cảm làng quê lối xóm, đau đáu với đồng đất quê hương, đã làm nên kì tích trong cuộc chiến tàn khốc này.

3. Hiện thực mà Chân trời mùa hạ dấn thân chiếm lĩnh không phải là cuộc chiến ta thắng địch thua mà là số phận cộng đồng, số phận và vấn đề của những cá nhân con người một vùng đất, hiện thân của dân tộc trong cuộc chiến. Nhà tiểu thuyết Hữu Phương đã cố gắng nhìn thẳng vào bản chất của chiến tranh để viết về nó, gọi theo cách của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Tú thì đó là “cái nhìn bi kịch hóa”. Chân trời mùa hạ day dứt, ám ảnh, đắng xót linh hồn người đọc bởi thân phận của những con người trong chiến tranh, nhất là thân phận những người phụ nữ, những người đã phải hứng chịu quá nhiều đau thương, quá nhiều mất mát. Đó là những phận gái đang tuổi ăn tuổi ngủ phải xông pha nơi hòn tên mũi đạn. “Họ gần như không ngơi tay. Có đêm vừa mới ngả lưng đã lại nghe tiếng súng báo hiệu đường bị trúng bom, hay xe bị cháy”. “Không còn thời gian nhớ nhà, không còn kịp thương cha nhớ mạ ở quê thắt lưng buộc bụng, ăn đói mặc rét, rau cỏ qua ngày, nhường lương thực chuyển ra mặt trận”. Đó là những người phụ nữ có chồng ra chiến trường, sống vò võ một mình ở hậu phương với biết bao khao khát, bao cám dỗ và cạm bẫy. Họ “thèm khát được vuốt ve, chiều chuộng; khát khao dâng hiến và ban tặng. Họ đã trót có được cái đó đôi ba lần, có người dăm bữa nửa tháng, rồi chồng ra đi biền biệt. Thế là, họ một mình vác trên lưng cây thánh giá đức hạnh của “lòng chung thủy”, của “vợ bộ đội” đi hết thời con gái, đi hết tuổi trung niên, có khi đi trọn cả kiếp người”. Vọng ngân trong tác phẩm cái âm hưởng nữ quyền đắng đót nhân bản: “Cuộc đời tươi đẹp của người đàn bà là cái gì, nếu không phải phấn đấu để có những phút giây kỳ diệu, tuyệt vời ấy? Liệu chồng chị có trở về, để chị khi còn trẻ được hưởng những ngày tươi đẹp? Nếu anh không trở về, hoặc trở về khi chị chỉ còn là sự nhăn nhúm của một bà già khô héo? Lúc đó chẳng phải đã phí cuộc đời tươi đẹp của một phụ nữ lúc tràn trề thanh xuân đó sao?”.

Hữu Phương đã thành công khi xây dựng được những không gian cực kì căng thẳng, ngột ngạt đúng với tính chất khốc liệt của cuộc chiến cùng một không gian bi thương với hình ảnh của những cái chết. Nói như người anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm thì không ở nơi đâu như trong cuộc chiến này, “cái chết dễ dàng hơn ăn một bữa cơm”. Chiến tranh đã cướp đi bao nhiêu đầu xanh tuổi trẻ. Mất mát, đau thương tê điếng khiến những người may mắn sống sót không thể nào khóc được. Cái giá chiến thắng mà dân tộc ta phải đổi là quá lớn.

Chiến tranh đã đẩy ông Duẩn, một người bố chồng khả kính, người mà cả xã Đại Hòa bao năm lấy làm tấm gương soi mình trong đạo đức và lối sống, đã bị sa ngã trong ô nhục, phải trốn chui trốn lủi khỏi làng đi tìm cái chết. Chiến tranh đã đẩy Hòa, một người “vợ bộ đội” đã không làm chủ được bản năng, buông thả cây thánh giá đức hạnh, ra tay làm điều ác với người bố chồng tội nghiệp, để rồi phải đau đớn, tủi hổ và mặc cảm tội lỗi dày vò ngày đêm. Chiến tranh cũng đẩy Sơn, một người chỉ đam mê trò chơi săn bắt và xác thịt thành một bộ đội, rồi một bí thư đảng ủy xã bất đắc dĩ, sống kiếp của một “Xuân tóc đỏ” rồi sau cuối lãnh cái kết cục bi đát.  

Hữu Phương đã nghiêng về việc lấy số phận con người để dựng lại sự kiện lịch sử. Đây là một cách nhìn thẳng nói thật vừa nhằm đề cao, tri ân sâu sắc những con người đã dầm mình trong chiến tranh để làm nên chiến thắng, vừa nhằm cảm thông cho mọi lỡ lầm, sa ngã của những con người không chiến thắng được bản thân và hoàn cảnh. Với việc đi sâu vào phương diện thân phận những con người trong chiến tranh, bi tráng hóa cảm hứng anh hùng nguyên khối như trước đây, đặt ra vấn đề nhân quyền nói chung, nữ quyền nói riêng, Chân trời mùa hạ đã mang một tầm tư tưởng, tầm nhân văn cần thiết.

4. Chân trời mùa hạ đã cá thể hóa nhân vật bằng cách phối trộn không gian sử thi và không gian đời thường. Nhân vật đã được tiếp cận ở nhiều góc độ, nhiều tư cách, vị thế khác nhau. Ở không gian đời tư, nhân vật đã được chú ý đến đời sống nội tâm với những diễn biến phức tạp. Phần bản năng, phần tâm thức tâm linh được khai thác khá kỹ. Nhãn quan phân tâm học làm cho cuốn tiểu thuyết mang màu sắc hiện đại. Tính cách từng nhân vật hiện ra chân thực, sinh động, riêng khác, trộn không lẫn. Chỗ thành công này cũng đồng thời bộc lộ điểm hạn chế của tác phẩm. Bởi lúc nào, ở đâu thì nhân vật của Hữu Phương cũng tuyệt đối nhất quán, được nhìn nhận theo một chiều tốt – xấu, trắng – đen. Thiện, Cẩm thì tận thiện tận mĩ. Sơn thì ranh ma trong máu thịt, khôn ngoan và láu cá, ngọt ngào và man trá, cơ hội và liều lĩnh, hãnh tiến và đê tiện. Người đọc hôm nay luôn tỏ ra hoài nghi với kiểu nhân vật luận đề truyền thống này, họ thích nhà văn trả nhân vật về với bản chất con người đúng nghĩa của nó, nghĩa là nhân vật phải đa diện, đa tính cách. Người đọc hôm nay không thích cái bằng phẳng đơn giản một chiều mà thích cái gồ ghề phức tạp đa chiều. Một vài chi tiết Hữu Phương đem gán cho nhân vật hơi thiếu cái lô gích biện chứng. Ví dụ, Hòa, một người tốt lại có thể lựa chọn điều ác một cách có chủ ý; hay, ông Duẩn mô phạm, lý trí là thế lại có thể dễ dàng, chóng vánh sập bẫy con dâu. Rồi hai trường đoạn hơi kịch, hơi cải lương, một miêu tả cái cách ông Duẩn tìm cái chết, và một miêu tả cái cách Thiện và Sơn giải quyết ân oán dưới nước.

Chân trời mùa hạ với tham vọng là một “đại tự sự” kép: vừa về cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, vừa về cơn giãy chết của mô hình hợp tác xã ở nông thôn Việt Nam, thông qua lát cắt là xã Đại Hòa khoảng thời gian từ Tết Mậu Thân 1968 cho đến sau ngày đất nước toàn thắng. Cuốn tiểu thuyết dày dặn nỗ lực phác thảo một bức tranh đầy đặn, sáng rõ, do vậy nó thiếu chiều sâu của một “kết cấu vẫy gọi”, tức là thiếu những “điểm trắng”, “điểm chưa xác định”, giành phần cho mỗi người đọc tự có cách lấp đầy của riêng mình. Hữu Phương là thế hệ sống trọn vẹn trong bối cảnh đất nước có chiến tranh cho nên về cơ bản, chiến tranh trong tác phẩm vẫn đang được nhìn ở cự ly cũ, được tái hiện theo quán tính của dòng văn học đề tài chiến tranh cách mạng. Sự “đào sâu, tìm tòi, khơi nguồn chưa ai khơi” chưa đủ độ phá cách. Người đọc muốn tác giả đa trị hóa nghệ thuật tự sự, đa trị hóa cái nhìn về cuộc chiến, để tác phẩm trở nên hiện đại hơn, đa tầng, đa giác hơn, và về phương diện tư tưởng, nó hàm chứa nhiều yếu tố bất ngờ hơn, những yếu tố có khả năng nới rộng nhận thức của người đọc về bản chất của chiến tranh.

5. Chân trời mùa hạ là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của nhà văn Hữu Phương. Tác phẩm góp phần làm phong phú, đa sắc thêm dòng văn xuôi Việt Nam về đề tài người lính, chiến tranh cách mạng, đề tài “tam nông”. Hữu Phương chỉ viết về làng xã nhỏ bé của mình mà tác phẩm đến được với nhiều người đọc bởi cái tình yêu và niềm tự hào về quê hương xứ sở cứ đầy lên qua từng con chữ. Nhà văn thuộc như lòng bàn tay nết đất nết người với tất cả khe suối, ngọn cỏ, chất đất, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, ẩm thực, nếp ăn nếp nghĩ… của một vùng đất, một vùng văn hóa. Chân trời mùa hạ do vậy được viết bằng bút pháp của hứng khởi, uyển chuyển và tự tin với một văn phong trong sáng và thông tuệ.

                                                                                       

                                                                                 H.Đ.K

 

(*) Tiểu thuyết Chân trời mùa hạ của nhà văn Hữu Phương do NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2011. Tác phẩm đã đoạt Giải B cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 3 (2006-2010) kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; đồng thời đoạt Cúp Bông lúa vàng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho tác phẩm xuất sắc về đề tài nông nghiệp nông thôn nông dân Việt Nam giai đoạn 1981-2011.

Xem bài khác
  • Ngôn ngữ các loài hoa        (13-04-2012)
  • Vô cớ        (11-02-2012)
  • Kỷ niệm mái trường        (01-11-2011)
  • Phê bình trẻ:Tồn tại hay không tồn tại        (20-09-2011)
  • Các bài mới đăng
  • Đọc lại bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy        (25-09-2026)
  • Cho đi và nhận lại        (29-12-2014)
  • Một chút hoài niệm        (29-12-2014)
  • Bài thơ: Số 1 Quảng Trạch        (27-11-2014)
  • Viết cho em bé mồ côi        (17-10-2014)
  • Chào xuân 2014        (24-01-2014)
  • Bộ đội cụ Hồ biểu tượng cao đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam        (19-12-2013)
  • Lời thú nhận muộn màng.        (22-11-2013)
  • Bà tiên của tôi        (20-11-2013)
  • Bố tôi        (17-11-2013)